Vàng thế giới trồi sụt sau biên bản họp của Fed

Vàng thế giới trồi sụt sau biên bản họp của Fed

Các hợp đồng vàng tương lai tăng nhẹ trong ngày thứ Năm (05/07), tìm thấy hỗ trợ từ đà suy yếu của đồng USD, nhưng lại quay đầu giảm sau khi biên bản cuộc họp tháng 6 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được công bố, MarketWatch đưa tin.

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Năm, hợp đồng vàng giao tháng 8 tiến 5.30 USD (tương đương 0.4%) lên 1,258.80 USD/oz – mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 26/06/2018, dữ liệu từ FactSet cho thấy.

Biên bản cuộc họp tháng 6 của Fed, vốn được công bố sau khi các hợp đồng vàng khép phiên, cho thấy Fed không có khuynh hướng tạm ngừng kế hoạch nâng lãi suất thêm nữa, và vàng đã suy yếu từ mức đóng cửa xuống khoảng 1,257 USD/oz trong phiên giao dịch điện tử.

Theo CNBC, cũng trong ngày thứ Năm, hợp đồng vàng giao ngay gần như đi ngang tại mức 1,255.70 USD/oz.

Các diễn biến giá trong ngày thứ Năm diễn ra khi chỉ số Dow Jones và S&P 500 khởi sắc.

Chứng khoán thường di chuyển ngược chiều so với vàng, trong đó các chỉ số chứng khoán tăng ngay cả khi một quan chức Trung Quốc cảnh báo vào đầu ngày thứ Năm rằng kế hoạch thuế quan của Mỹ đối với hàng hóa nước này – một phần trong đó sẽ có hiệu lực vào ngày 06/07/2018 – có khả năng gây ảnh hưởng trên toàn cầu.

Tại châu Âu, chỉ số Stoxx Europe 600 nhảy vọt, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết nước này sẵn sàng cắt giảm thuế nhập khẩu ô tô như một cách để chấm dứt bế tắc thương mại Âu-Mỹ.

Những lo ngại về mối quan hệ ngày càng xấu đi giữa Mỹ và các đối tác thương mại tại Liên minh châu Âu (EU), Bắc Mỹ và Trung Quốc, đã giúp đồng USD tăng mạnh và gây sức ép lên các hàng hóa được neo giá theo đồng bạc xanh, như vàng.

Căng thẳng thương mại, đáng chú ý là giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới, Mỹ và Trung Quốc, đã khiến nhà đầu tư lo ngại và cân nhắc đến cả chứng khoán và vàng. Trong đó, vàng có thể được hưởng lợi từ sự bất ổn do xung đột về mất cân bằng thương mại toàn cầu.

Chỉ số đồng USD (ICE U.S. Dollar Index) – thước đo diễn biến của đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác – đã vọt 2.5% từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên, chỉ số này đã hạ 0.2% vào ngày thứ Năm.

Đồng USD tăng mạnh có thể khiến những hàng hóa neo giá theo đồng bạc xanh trở nên đắt đỏ đối với người sử dụng những đồng tiền khác. Theo đó, đồng USD suy yếu có xu hướng tác động ngược lại.

Nhu cầu vàng cũng suy yếu bởi e ngại rằng một cuộc chiến thương mại có thể tác động tiêu cực đến nền kinh tế Trung Quốc, vốn đã có dấu hiệu giảm tốc trong vài tháng gần đây. Trung Quốc là một trong những nước mua kim loại lớn nhất thế giới.

Trong số các dữ liệu kinh tế Mỹ, báo cáo từ ADP cho thấy thị trường lao động ổn định trong tháng 6, khi vực tư nhân tại Mỹ đã tạo ra thêm 177,000 việc làm, nhưng thấp hơn dự báo tăng 190,000 việc làm từ các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Econoday. Số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tăng 3,000 người trong tuần gần nhất, cao hơn dự báo của các nhà phân tích, mặc dù con số này vẫn dao động gần mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ.

Ngoài ra, chỉ số dịch vụ Viện Quản lý Nguồn cung (ISM) của Mỹ tăng từ 58.6 lên 59.1 trong tháng 6, khi phần lớn các công ty Mỹ đều khởi sắc trong kinh doanh.

Trong số các kim loại trên sàn Comex, hợp đồng bạc giao tháng 9 tiến 0.3% lên 16.097 USD/oz. Hợp đồng paladi giao tháng 9 cộng 0.5% lên 942.70 USD/oz.

Trong khi đó, hợp đồng đồng giao tháng 9 sụt 3.1% xuống 2.826 USD/lb. Hợp đồng bạch kim giao tháng 10 mất 0.6% còn 841.40 USD/oz.

Diễn biến giá vàng giao ngay 3 phiên vừa qua

Nguồn: Kitco

Diễn biến giá vàng giao ngay trên sàn New York

Nguồn: Kitco

An Trần

FilI