Vì đâu giá dầu đột ngột lao dốc 9% trong 1 tuần?

Vì đâu giá dầu đột ngột lao dốc 9% trong 1 tuần?

Cuối tháng 6/2018, giá dầu WTI vừa vượt ngưỡng 74 USD/thùng lần đầu tiên kể từ cuối năm 2014, tăng 13% chỉ trong vòng 1 tuần. Vậy mà giá dầu lại đột ngột tụt dốc 9% cũng trong vòng 1 tuần. Vì đâu?

Thông tin về việc chính quyền Donald Trump sẽ sử dụng tới dự trữ dầu quốc gia đã đẩy giá dầu WTI lao dốc hơn 4% trong ngày thứ Hai (16/07), có lúc xuống mức 67.58 USD/thùng.

Diễn biến giá dầu WTI trong 1 tháng qua
Nguồn: CNNMoney

“Đây là lời nhắc nhở về việc tâm lý có thể thay đổi nhanh chóng như thế nào và thị trường đang biến động mạnh ra sao”, Michael Wittner, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu dầu tại Société Générale, cho hay.

Các chuyên gia phân tích cho rằng, đà bán tháo hôm thứ Hai (16/07) là do các thông tin về việc Ả-rập Xê-út và Mỹ đang cố gắng ngăn chặn tình trạng thiếu hụt dầu vì lệnh trừng phạt lên Iran của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Cuối ngày thứ Sáu (13/06), tờ The Wall Street Journal ghi nhận, chính quyền Donald Trump đang cân nhắc một động thái hiếm thấy: Cùng với các quốc gia phương Tây khác để đồng loạt giải phóng dự trữ dầu dành cho trường hợp khẩn cấp. Động thái này chưa xảy ra liền và sẽ diễn ra nếu các nỗ lực kêu gọi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) bơm dầu nhiều hơn không thể kìm hãm giá dầu, hãng tin này ghi nhận.

Bộ Năng lượng Mỹ và Nhà Trắng từ chối nhận định về thông tin trên. Được biết, năm ngoái, Bộ Năng lượng Mỹ đã sử dụng tới Dữ trữ Dầu khí Chiến lược (SPR) trong năm ngoái sau cơn siêu bão Harvey.

Gần đây, ông Trump liên tục chỉ trích OPEC vì đã đẩy giá dầu lên cao một cách giả tạo. Tuy nhiên, có nhiều khả năng là chính lập trường cứng rắn của ông Trump đối với Iran – nhà sản xuất dầu lớn thứ 5 trên thế giới – đã đẩy giá dầu tăng vọt.

Ông Trump đang cố gắng kéo giá dầu thô xuống trước các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, Ben Cook, Chuyên gia quản lý danh mục tại BP Capital Fund Advisors, cho hay.

Michael Tran, Giám đốc chiến lược năng lượng toàn cầu tại RBC Capital Markets, tỏ ra hoài nghi rằng việc sử dụng tới dự trữ dầu khẩn cấp liệu có cần thiết và có hiệu quả hay không. Ông lưu ý rằng các nhà máy lọc dầu ở Mỹ hiện đã hoạt động ở mức công suát cực cao, qua đó khó mà đẩy mạnh lọc dầu hơn nữa.

Ông Tran nhận định: “Kế hoạch này tương đối không hiệu quả”.

OPEC, dẫn đầu là Ả-rập Xê-út, và Nga đã nhất trí bơm thêm tổng cộng 1 triệu thùng/ngày, nhưng vẫn chưa thể kìm hãm đà tăng của giá dầu. Trên thực tế, những nhà đầu tư giá lên về dầu tranh luận rằng việc bơm thêm dầu sẽ khiến Ả-rập Xê-út không có khả năng đối phó với tình trạng thiếu hụt dầu trong tương lai.

Ngoài ra, thêm một yếu tố khác góp phần dẫn tới đà sụt giảm hôm thứ Hai (16/07) là thông tin cho biết Ả-rập Xê-út đang cung cấp thêm dầu thô (ngoài lượng dầu trên hợp đồng) cho một số người mua ở châu Á. Điều này cho thấy, Ả-rập Xê-út đang thực hiện các động thái để ngăn giá dầu lên mức quá cao.

“Họ đang truyền tải tới những người mua dầu rằng: Nếu bạn muốn mua nhiều dầu hơn từ chúng tôi, chúng tôi có đấy”, ông Wittner cho hay.

Trong khi đó, cũng có những dấu hiệu cho thấy, ít nhất thì một trong những thành viên đáng gờm đang hồi phục trở lại. Tuần trước, giá dầu tụt dốc sau khi công ty dầu quốc gia của Libya tuyên bố họ đã giành lại quyền kiểm soát ở nhiều cảng biển. Nhờ đó, họ khởi động lại hoạt động xuất khẩu dầu. Gần đây, tình trạng gián đoạn ở Libya và Venezuela là những yếu tố thúc đẩy giá dầu lên đỉnh gần 4 năm.

“Chúng ta đang nhận được các dấu hiệu cho thấy nguồn cung là sẵn có và thị trường chưa rơi vào tình trạng thiếu hụt nguồn cung như chúng ta nghĩ”, ông Cook cho hay.

Vũ Hạo (Theo CNNMoney)

FiLi