Hãy làm điều này thay vì luôn cố chứng tỏ mình đúng

Hãy làm điều này thay vì luôn cố chứng tỏ mình đúng

Một đồng nghiệp của tôi đã quá kích động và hoàn toàn mất kiểm soát. Nếu anh ấy tiếp tục như vậy sẽ ảnh hưởng đến công ty trong vòng ít nhất 6 tháng. Tuy nhiên, tranh luận với anh ấy trong trạng thái như thế cũng chẳng ích gì. Tôi từng có ý nghĩ sẽ lấy laptop phang vào đầu anh ấy nhưng xem ra điều đó cũng chẳng mang lại ích lợi lâu dài cho công ty hay cho chiếc laptop của tôi.

Nhà bác học Galilê từng nói: "Bạn không thể dạy cho người khác bất cứ điều gì, bạn chỉ có thể giúp họ tự tìm ra câu trả lời từ chính bên trong họ". Câu nói này đặc biệt đúng khi bạn phải đối mặt với những vấn đề hay những cuộc thảo luận mang nặng tính cảm xúc.

Khi bạn cho rằng mình đúng, bạn sẽ dính mắc với ý tưởng đó. Nó quá rõ ràng như thế. Thật vậy, một khi bạn tập trung vào việc chứng tỏ mình đúng, thay vì đạt được thỏa hiệp với đối phương, bạn sẽ cảm thấy “chắc như bắp” với lập luận của chính mình.

Dưới đây là 3 phương pháp giúp bạn tách khỏi cảm xúc của bản thân và giúp người khác tìm ra câu trả lời đúng đắn khi sự việc có dính líu tới tiền bạc và thời gian:

1. Tách biệt người đó khỏi vấn đề

Hãy tưởng tượng có một đứa trẻ 4 tuổi đang khẳng định chắc nịch về một điều gì đó. Trong trường hợp đó, bạn sẽ không cố gắng tranh luận hàng giờ với nó. Khi bạn cố gắng để nói trong khi đối phương đang bị cảm xúc chi phối, thì thường bạn sẽ thấy nói chuyện với đứa trẻ 4 tuổi kia còn hiệu quả hơn.

Muốn phá bỏ rào cản này, bạn phải thôi xem họ là vấn đề mà cần nhận ra vấn đề thật sự đang diễn ra. Thay vì nhận định người khác là ngu ngốc hay khó ưa, hãy thử nghĩ rằng chỉ đơn giản là họ có gì đó thiếu sót. Công việc bây giờ không phải chứng tỏ họ sai, mà là dẫn dắt họ hướng đến điều đúng. Vận dụng cách suy nghĩ này sẽ thay đổi hoàn toàn cách tiếp cận của bạn, giúp bạn tách ra khỏi cảm xúc của bản thân và kiểm soát lại tình huống.

2. Hãy mô phỏng họ

Trong khi khăng khăng khẳng định quan điểm của bản thân, cả hai phía thường sẽ quên đi việc lắng nghe. Bất kể tình huống ra sao, bạn phải đảm bảo rằng bạn sẽ không bao giờ như thế. Thay vào đó, hãy đổi sự tập trung từ "tôi và bạn" sang một người hoàn toàn khác. Thật sự lắng nghe và ý thức được cảm xúc của họ. Bạn phải tạo đủ niềm tin và sự an toàn để có thể bắt đầu một sự chia sẻ thật sự. Hãy khiến cuộc trò chuyện chậm lại và chắc chắn phải làm cho họ cảm thấy họ được lắng nghe. Khi bạn làm được như vậy, bạn cũng sẽ bình tĩnh hơn.

Hãy ghi nhớ, vấn đề không nằm ở việc bạn nói gì, mà là bạn nói như thế nào. Khoảng 93% sự giao tiếp là phi ngôn ngữ, do vậy duy trì ngôn ngữ cơ thể của bạn một cách phù hợp là một lợi thế. Một giọng điệu khôi hài (không phải giống trẻ con hay xỉa xói) sẽ giúp người khác có tâm trạng tích cực hơn, khi đó họ sẽ muốn cùng bạn hợp tác và giải quyết vấn đề hơn.

Luôn ghi nhớ hãy lặp lại 3 từ quan trọng nhất trong câu nói của họ và thêm chúng vào trong bất cứ điều gì bạn nói. Khi họ càng cảm thấy được lắng nghe, họ sẽ mở lòng để đón nhận những thông tin mới.

3. Dẫn dắt bằng sự đồng cảm, không phải sự thương cảm

Dành thời gian để khiến đối phương cảm thấy được lắng nghe và thấu hiểu không đồng nghĩa với việc bạn sẽ phải làm theo ý họ. Đó không có nghĩa là bạn sẽ đầu hàng, đồng ý, cảm thấy có lỗi, hay thậm chí là thỏa hiệp với họ. Sự đồng cảm là khả năng nhìn nhận được sự việc từ khía cạnh của người khác và dùng ngôn ngữ để bày tỏ sự nhận thức đó. Đây chính là sự khác biệt giữa đồng cảm và thương cảm.

Khi bạn có thể xác định được cảm xúc của đối phương trong một cuộc tranh luận, bạn sẽ có cơ hội khám phá những gì ẩn sau những cảm xúc ấy. Khi bạn đào sâu hơn, bạn sẽ có gặt hái. Và bạn nên làm điều này một cách tinh tế. Thay vì nói: "Tôi nghĩ anh đang tức giận và ngoan cố", hãy thử nói "Dường như anh đang chán nản bởi vì tôi thấy anh thật sự quan tâm đến điều này và mong nó tiến triển nhanh hơn".

Bằng phương pháp đó, bạn đã chuyển cảm xúc của họ thành lời nói, chuyển thông tin từ phần não cảm xúc sang phần não lý trí. Bất kỳ hành vi nào mà một người đang thể hiện ra luôn được kích hoạt từ một cảm xúc ẩn sau đó. Việc của bạn là khiến cho họ nhận ra cảm xúc đó. Bạn làm được điều này càng nhanh, thì nguy cơ của việc giao tiếp thất bại càng nhanh được loại bỏ.

Sau khi đã xác định được cảm xúc của họ, hãy hỏi những câu hỏi "Thế nào?" hay "Tại sao?" để họ tự giải quyết vấn đề cho bạn. Để làm được điều này một cách hiệu quả, bạn không cần phải biết hết các loại câu hỏi, mà tốt hơn là bạn nên có tư duy rõ ràng. Bạn không phải là đối thủ của họ, mà là một người hướng dẫn, dẫn dắt người lạc đường trở về với chân lý.

Trong trường hợp của tôi, biểu hiện của người đồng nghiệp chính là thái độ "Tôi biết hết rồi". Tuy nhiên, cảm xúc tiềm ẩn chính là nỗi sợ anh ta sẽ bị qua mặt. Một khi tôi có thể dừng thắc mắc: "Tại sao anh ấy lại làm vậy với tôi?" và tập trung nhìn sâu hơn, thì cuộc đối thoại sẽ có chuyển biến mới. Cuộc trò chuyện không còn là giữa tôi và anh ấy nữa, mà là giữa anh ấy và nỗi sợ của anh ta.

Thay vì tranh luận với tôi, anh ta đã dành thời gian còn lại để tranh luận với bản thân. Sau khi giúp anh ấy mổ xẻ nỗi sợ của bản thân trong phần não lý trí, anh ấy nhận ra rằng những tình huống tệ nhất nhiều khả năng sẽ không xảy ra và hành động lỗ mãng chỉ khiến mọi thứ trầm trọng thêm thôi. Điều quan trọng nhất là cuối cuộc nói chuyện, anh ấy đã nói: "Tôi nghĩ tôi đã lựa chọn chính xác".

Anh ta tin rằng quyết định ấy hoàn toàn là của anh ấy. Anh ấy không bao giờ thừa nhận sự thật là tôi đã đúng mà còn đi nói với mọi người về việc anh ấy đột nhiên lóe lên một ý nghĩ thiên tài ra sao.

Tuệ Nhiên (Theo Addicted2success)

FILI