Vàng tăng liền hai phiên khi lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ thụt lùi

Vàng tăng liền hai phiên khi lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ thụt lùi

Các hợp đồng vàng tương lai tăng liền hai phiên khi đồng USD và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ thụt lùi, qua đó góp phần hỗ trợ cho vàng.

“Vàng tăng liền hai phiên khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang và đà tăng của đồng bạc xanh gần đây trông có vẻ mệt mỏi”, Ole Hansen, Trưởng Bộ phận Chiến lược hàng hóa tại Saxo Bank, cho hay.

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Tư, hợp đồng vàng giao tháng 12 nhích 2.7 USD (tương đương 0.2%) lên 1,221USD/oz, đánh dấu 2 phiên tăng liên tiếp và là chuỗi tăng liền hai phiên đầu tiên kể từ ngày 25/07/2018, dữ liệu của FactSet cho thấy. Dù vậy, kim loại quý này vẫn dao động trong phạm vi hẹp và gần mức đáy của năm 2018.

Theo CNBC, giá vàng giao ngay tăng 0.18% lên 1,212.81 USD/oz. Giá vàng đã giảm hơn 10% so với thời điểm tháng 4/2018.

Cũng trong ngày thứ Tư (08/08), hợp đồng bạch kim giao tháng 10 cộng 5.9 xu (tương ứng 0.4%) lên 15.432 USD/oz.

Chứng chỉ quỹ SPDR Gold Trust tăng 0.2%. Các chuyên gia phân tích tiếp tục theo dõi dòng chảy vốn của quỹ này. Nắm giữ 25,319,951.65 oz tính tới ngày thứ Ba (07/08) là mức thấp nhất kể từ tháng 8/2017, theo dữ liệu từ Reuters. Bên cạnh đó, chứng chỉ quỹ iShares Silver Trust cộng 0.4%.

Chỉ số đồng USD – thước đo diễn biến của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác – lùi 0.1% xuống 95.16. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm ở mức 2.96%, thấp hơn mức 2.97% hồi cuối ngày thứ Ba (07/08).

Đồng USD mạnh hơn có thể làm giảm sức hấp dẫn của vàng đối với những người sử dụng những đồng tiền khác, và lợi suất trái phiếu Chính phủ – được xem là công cụ tài chính phi rủi ro – cao hơn cũng làm gia tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng, một tài sản không đem lại lợi suất.

“Đồng USD mạnh và việc tiếp tục tập trung vào lộ trình nâng lãi suất Mỹ, chứng khoán Mỹ mạnh và thiếu áp lực lạm phát dều làm giảm sức hấp dẫn của vàng với vai trò là kênh trú ẩn an toàn và sản phẩm mang tính đa dạng hóa danh mục”, ông Hansen cho hay. “Sự thay đổi trong triển vọng ngắn hạn của đồng USD tạo ra một rủi ro của việc nắm giữ vàng”.

Trong ngày thứ Tư (08/08), Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố áp thêm thuế 25% lên 16 tỷ USD hàng hóa Mỹ. 333 hàng hóa Mỹ bị Trung Quốc nhắm tới bao gồm các phương tiện vận chuyển như xe hơi cỡ lớn và xe gắn máy. Nhiều loại nhiên liệu và sợi cáp quang cũng nằm trong danh sách này. Ngoài ra, Trung Quốc cũng nhắm tới than đá, dầu mỡ, Vaseline, nhựa đường, các sản phẩm nhựa và hàng tái chế.

Trung Quốc đưa ra động thái đáp trả, sau khi văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) công bố danh sách cuối cùng bao gồm 16 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc bị áp thêm thuế 25%. Hàng rào thuế quan mới nhất của Mỹ sẽ có hiệu lực vào ngày 23/08/2018, qua đó nâng tổng giá trị của lượng hàng hóa Trung Quốc bị áp thuế 25% lên 50 tỷ USD.

Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc mỗi lúc một “nóng” hơn trong vài tháng gần đây, khi chính quyền Donald Trump đưa ra lập trường bảo hộ thương mại mạnh hơn.

Ngay cả căng thẳng thương mại cũng chẳng thể thúc đẩy vai trò kênh trú ẩn an toàn của vàng. Triển vọng nâng lãi suất cũng là yếu tố tiêu cực với vàng trong ngắn hạn. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự tính nâng lãi suất thêm 2 đợt nữa trong năm nay và 3 đợt trong năm 2019. Cuộc họp chính sách kế tiếp của Fed là vào tháng 9/2018.

Trong số các kim loại trên sàn Comex, hợp đồng đồng giao tháng 9 giảm gần 0.1% xuống 2.7510 USD/lb. Hợp đồng bạch kim giao tháng 9 lùi 1.9 USD (tương ứng 0.2%) xuống 829.5 USD/oz, còn hợp đồng paladi giao tháng 9 lùi 16.5 USD (tương ứng 1.8%) xuống 886.4 USD/oz.

Diễn biến giá vàng giao ngay 3 phiên vừa qua

Nguồn: Kitco

Diễn biến giá vàng giao ngay trên sàn New York

Nguồn: Kitco

Vũ Hạo

FiLi