Vì sao Trung Quốc loại bỏ dầu thô Mỹ ra khỏi danh sách hàng hóa bị áp thuế?

Vì sao Trung Quốc loại bỏ dầu thô Mỹ ra khỏi danh sách hàng hóa bị áp thuế?

Việc Trung Quốc loại bỏ dầu thô Mỹ ra khỏi danh sách các hàng hóa bị áp hàng rào thuế quan là một dấu hiệu cho thấy Mỹ đã trở nên quá lớn và khó có thể bỏ qua trong thị trường dầu hiện tại.

Chỉ gần 2 tháng sau khi đe dọa áp hàng rào thuế quan lên dầu thô Mỹ, thì nay quốc gia mua dầu nhiều nhất trên thế giới đã loại bỏ hàng hóa này ra khỏi danh sách bị áp thuế. Chỉ có các loại nhiên liệu như dầu diesel, xăng, propane sẽ bị áp thuế quan từ ngày 23/08/2018, theo thông tin từ Bộ Thương mại Trung Quốc. Đó là sau khi những công ty mua dầu tại Trung Quốc, bao gồm công ty lọc dầu hàng đầu Sinopec, bắt đầu từ bỏ nguồn cung dầu từ Mỹ để né tránh rủi ro từ hàng rào thuế quan.

Kế hoạch ban đầu của Trung Quốc thực chất có nhắm tới dầu thô Mỹ, nhưng không may là nó diễn ra vào thời điểm không mấy thích hợp với các công ty mua dầu tại Trung Quốc. Điển hình là Unipec – đơn vị giao dịch của Sinopec – đang bị vướng vào cuộc xung đột với Ả-rập Xê-út, cho rằng giá của nước này là đắt đỏ và giảm bớt lượng dầu mua từ Ả-rập Xê-út, đồng thời tăng cường nhập khẩu dầu từ Mỹ. Hai tháng sau đó, các công ty lọc dầu lại đối mặt với rủi ro gián đoạn nguồn cung từ Iran cho tới Venezuela, và do đó phải nhập khẩu dầu thêm từ Mỹ.

“Mỹ đã, đang và sẽ là nguồn cung ứng sản lượng dầu thô bổ sung trên toàn cầu”, Den Syahril, Chuyên gia phân tích tại công ty tư vấn ngành FGE, cho hay. “Trong bối cảnh nhiều công ty lọc dầu mới bắt đầu hoạt động trong vài năm tới, Trung Quốc sẽ phải cảnh giác về quyết định áp thuế vì nó có thể gây thiệt hại nghiêm trọng tới ngành lọc dầu trong nước”.

Trước khi diễn ra xung đột thương mại, kim ngạch xuất khẩu Mỹ tới Trung Quốc đã tăng lên 15 triệu thùng trong tháng 6/2018, mức cao nhất kể từ năm 1996, dựa trên dữ liệu từ Cục Điều tra dân số và Quản lý Thông tin Năng lượng (CBEIA). Điều này cũng giúp Trung Quốc trở thành quốc gia mua dầu từ Mỹ nhiều nhất trên thế giới.

Trong khi đó, sự bùng nổ dầu đá phiến đã nhấc bổng sản lượng Mỹ lên mức kỷ lục 11 triệu thùng/ngày trong tháng trước, cùng “sánh vai” với Nga và Ả-rập Xê-út trong bảng xếp hạng nhà sản xuất dầu. Ngoài ra, sự gia tăng sản lượng cũng làm giảm bớt  giá dầu Mỹ so với giá dầu Brent, qua đó nâng cao tính hấp dẫn của nguồn cung dầu Mỹ đối với châu Á – khu vực tiêu thụ dầu lớn nhất trên thế giới.

Chi phí ngày càng tăng

Việc giảm bớt hoạt động tại các nhà máy lọc dầu độc lập của Trung Quốc đã làm tăng gia của một số loại nhiên liệu ở nước này, theo Li Li, Chuyên gia nghiên cứu hàng hóa tại ICIS China ở Thương Hải. “Nếu các công ty lọc dầu lớn – vốn là những người mua dầu Mỹ - bị thâm hụt, thì có khả năng thị trường nội địa sẽ đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhiên liệu và đà tăng của chi phí nguyên liệu thô”, Li cho hay.

Các lệnh trừng phạt của Mỹ lên hoạt động xuất khẩu dầu Iran lại là một rủi ro khác. Nhà đầu tư lo ngại, các biện pháp của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ làm giảm bớt lượng dầu xuất khẩu của Iran trong lúc sản lượng từ một quốc gia thành viên khác của OPEC là Venezuela đang lao dốc. Cả Iran và Venezuela đều là nhà cung ứng dầu cho Trung Quốc.

“Khi lượng dầu từ Iran và Venezuela gặp nguy cơ, thì dầu thô Mỹ được xem là phương án thay thế tốt và dồi dào cho các nhà máy lọc dầu Trung Quốc”, Sophie Shi, Chuyên gia phân tích tại công ty tư vấn HIS Markit Ltd., cho hay. “Hãy tương tự thử nếu nguồn cung lý tưởng này bị cắt mất. Điều này sẽ đẩy Trung Quốc vào tình thế phụ thuộc hoàn toàn vào Ả-rập Xê-út – một phương án dường như quá rủi ro”.

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FiLi