Vietbank: Sau soát xét giảm 16% lãi ròng, 608 tỷ đồng dư nợ chưa được NHNN phê duyệt phương án xử lý

Vietbank: Sau soát xét giảm 16% lãi ròng, 608 tỷ đồng dư nợ chưa được NHNN phê duyệt phương án xử lý

Theo báo cáo tài chính hợp nhất soát xét 6 tháng của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (OTC: Vietbank), chỉ tiêu thu nhập lãi thuần vẫn giữ nguyên trong khi lợi nhuận sau thuế giảm gần 16%, về còn 164 tỷ đồng. Thêm vào đó, Vietbank cũng chưa được NHNN phê duyệt về phương án xử lý 608 tỷ đồng dư nợ được cầm cố bằng cổ phiếu của một tổ chức tín dụng khác và đang được phong tỏa.

Lãi ròng giảm 16% sau soát xét 6 tháng

Cụ thể, biến động lớn nhất trong báo cáo soát xét 6 tháng là chỉ tiêu lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư, giảm 5%; trong khi đó chi phí hoạt động lại tăng lên gần 16%, chiếm 445.6 tỷ đồng. Theo đó, lãi thuần trước dự phòng rủi ro tín dụng cũng giảm gần 20% về mức 271 tỷ đồng.

Mặc dù chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm mạnh tới 49% nhưng khoản mục thuế lại chiếm hơn 37 tỷ đồng khiến lãi ròng của Ngân hàng giảm gần 16% về còn gần 164 tỷ đồng.

Biến động các chỉ tiêu chính của Vietbank trước và sau soát xét
Đvt: triệu đồng

Chưa được NHNN phê duyệt phương án xử lý 608 tỷ đồng dư nợ được cầm cố bằng cổ phiếu của một tổ chức tín dụng khác và đang được phong tỏa

Tại thời điểm 30/06/2018, các khoản phải thu bên ngoài của Vietbank tăng đột biến từ 435 tỷ của đầu kỳ lên tới 1,505.5 tỷ đồng. Trong đó chủ yếu do kỳ này xuất hiện khoản mục đặt cọc chuyển nhượng bất động sản 900 tỷ đồng. Theo Vietbank, đây là khoản đặt cọc để nhận chuyển nhượng bất động sản đang được sử dụng làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay của một số khách hàng và công ty con theo hợp đồng đặt cọc ngày 31/05/2018. Thời gian thực hiện hợp đồng tối đa là 12 tháng tính từ ngày hợp đồng đặt cọc được ký kết.

 

Ngoài ra, khoản mục Lãi chậm trả liên quan đến các khoản phải thu giảm từ 119 tỷ đồng xuống 89 tỷ đồng. Theo Vietbank, lãi chậm trả này liên quan đến khoản phải thu tiền bán cổ phiếu của một tổ chức tín dụng trong nước. Theo biên bản làm việc ngày 25/12/2017 giữa Vietbank và bên mua, lịch thanh toán của khoản phải thu này được xác định lại thành 3 kỳ lần lượt là 25%, 34% và 41% vào các năm 2018, 2019, 2020. Đến ngày lập báo cáo này, Vietbank và công ty con đã thu được khoản thanh toán 30 tỷ đồng thep lịch đợt 1.

Về phần cơ cấu nợ, mặc dù nợ xấu kỳ này của Vietbank ở mức 1.73% nhưng đơn vị kiểm toán có đưa ra một số ý kiến kết luận ngoại trừ.

Cơ cấu nợ của Vietbank
Đvt: triệu đồng

Cụ thể, trong nhóm nợ đủ tiêu chuẩn của Vietbank tại ngày 30/06/2018 là một số khoản cho vay khách hàng với tổng dư nợ là 608 tỷ đồng đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho cơ cấu lại và giữ nguyên nhóm nợ như trước khi cơ cấu theo công văn ngày 01/12/2016. Tổng lãi dự thu của các khoản cho vay này tại ngày 30/06/2018 là 182 tỷ đồng. Các khoản nợ này được cầm cố bằng cổ phiếu đã được niêm yết của một tổ chức tín dụng khác và đang được phong tỏa bởi Ngân hàng Nhà nước chờ xử lý.

Vào ngày 11/07/2018, Ngân hàng Nhà nước đã có công văn yêu cầu Vietbank thực hiện phân loại nợ, trích lập dự phòng, thoái lãi dự thu theo đúng quy định và trong thời gian triển khai phương án tái cơ cấu, Ngân hàng nếu có khó khăn trong việc phân loại nợ, trích lập dự phòng thì báo cáo Ngân hàng Nhà nước để có phương án xử lý nhằm đảm bảo an toàn hệ thống.

Vào ngày 17/07/2018, Vietbank đã có công văn trình Ngân hàng Nhà nước về việc phân loại nợ nhóm 5 nhưng không tính các khoản cho vay này vào tỷ lệ nợ xấu, thực hiện trích lập dự phòng và thoái lãi dự thu theo năng lực tài chính trong vòng 3 năm.

Tại ngày lập báo cáo này, Vietbank vẫn chưa nhận được công văn phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước về phương án xử lý các khoản cho vay này. Do đó, đơn vị kiểm toán không thể xác định liệu có cần thiết phải điều chỉnh số liệu về phân loại nợ, trích lập dự phòng và thoái lãi dự thu liên quan đến các khoản cho vay này hay không.

Thái Hương

Fili