Chứng khoán Nhật Bản vừa có tuần tốt nhất trong 2 năm

Chứng khoán Nhật Bản vừa có tuần tốt nhất trong 2 năm

Thị trường chứng khoán Nhật Bản vừa ghi nhận chuỗi tăng 5 ngày mạnh nhất trong gần 2 năm và khiến những nhà đầu tư giá xuống (bear) phải ngỡ ngàng.

Chỉ số Topix khởi sắc trở lại trong tuần này, ngay cả khi Mỹ và Trung Quốc tiến tới vòng áp thuế mới. Trước đó, chính làn sóng bán tháo của nhà đầu tư nước ngoài đã khiến thị trường chứng khoán Nhật Bản trở thành một trong những thị trường có thành quả tồi tệ nhất trong số những thị trường phát triển trong năm nay. Trong một dấu hiệu cho thấy nhà đầu tư đang bi quan như thế nào, hoạt động bán khống (short selling) chiếm hơn 40% khối lượng giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán Tokyo (TSE) trong phần lớn thời gian của năm 2018.

Đối với những nhà đầu tư giá lên (bull) như ông Ryoji Musha của Musha Research ở Tokyo và Martin Malone của Mint Partners ở Luân Đôn, sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi việc bán khống cổ phiếu ở Nhật Bản trở thành sai lầm của nhà đầu tư. Lo ngại về một cuộc chiến thương mại đã bị thổi phồng quá mức, trong khi nền kinh tế Nhật Bản tiếp tục tăng trưởng chậm nhưng bền vững, họ cho biết.

“Chúng tôi không hề bối rối chút nào”, Malone cho biết trong một lá thư điện tử. Đối với ông, những nhà đầu tư nước ngoài – những người đang bán khống cổ phiếu Nhật Bản – đơn thuần là đang phạm sai lầm và giờ thì bị “sốc” bởi đà tăng của thị trường.

Malone cho biết, nhà đầu tư toàn cầu có thể đổ xô mua cổ phiếu Nhật Bản trong vài tháng tới, sau chuỗi ngày bán tháo lên tới 41 tỷ USD trong năm nay. Điều này là vì môi trường kinh tế vĩ mô vững mạnh của Nhật Bản – được hỗ trợ thêm từ tăng trưởng lợi nhuận mạnh – vẫn chưa thay đổi, đồng thời các chính sách tài khóa và tiền tệ mang tính hỗ trợ có khả năng vẫn giữ nguyên thêm một khoảng thời gian nữa.

Ông Musha cũng có quan điểm tương tự, trong đó ông đặc biệt nhấn mạnh tới việc khu vực doanh nghiệp của Nhật Bản chuẩn bị tăng trưởng trong dài hạn. Thị trường cổ phiếu nội địa bị tác động bởi sự trật khớp lớn giữa mức định giá thấp và tỷ suất lợi nhuận doanh nghiệp cao, theo ông Musha.

Tỷ suất lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu của các công ty thuộc chỉ số Topix đã tăng từ mức 7.4% (cuối năm 2016) lên 9.5%, dựa trên dữ liệu do Bloomberg tổng hợp. Trong khi đó, làn sóng bán tháo trong năm 2018 đã kéo hệ số P/E từ 15.5 lần xuống 13.4 lần (xét trên lợi nhuận ước tính cho 12 tháng tới).

Nhận thức sai lầm về Nhật Bản

Nhiều người nhận thức sai rằng nền kinh tế Nhật Bản sẽ rơi vào tình trạng giảm phát và rồi sẽ dẫn tới cú đổ đèo của thị trường cổ phiếu nội địa. Đây là một yếu tố ảnh hưởng tiêu cực và khiến nhà đầu tư không nhận thấy những diễn biến tích cực, theo ông Musha. Gần đây nhất, quan điểm cho rằng Nhật Bản sẽ bị “nghiền nát” trong cuộc xung đột thương mại Mỹ - Trung đã thúc đẩy thêm cho các quan điểm tiêu cực, ông cho hay.

Trong quý 2/2018, nền kinh tế Nhật Bản tăng trưởng ở mức nhanh nhất trong 2 năm, khi các công ty gia tăng chi tiêu vốn để đáp ứng nhu cầu toàn cầu và đối phó với tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng. Tăng trưởng kinh tế Nhật Bản được dự báo sẽ suy giảm trong 6 tháng cuối năm 2018 nhưng vẫn sẽ ổn định cho tới năm 2019 – thời điểm đợt tăng thuế doanh số (sales-tax) gây ra thách thức cho người tiêu dùng.

Việc số lượng đặt hàng máy móc lõi tăng mạnh hơn dự báo (11%) trong tháng 7/2018 đã chứng tỏ một điều: Chi tiêu vốn mạnh là động lực thúc đẩy tăng trưởng của Nhật Bản, theo Jonathan Allum, Chiến lược gia tại SMBC Nikko Capital Markets Ltd. ở Luân Đôn. Đây là một yếu tố mà những nhà đầu tư giá xuống có thể đã bỏ lỡ và có thể là một chất xúc tác cho đà hồi phục trong tương lai, ông nhận định.

“Quá nhiệt trong ngắn hạn”

Đà leo dốc tuần qua là một khởi đầu tốt đẹp. Tính tới ngày thứ Năm (20/09), chỉ số Topix chỉ còn giảm gần 2% trong năm 2018, sau khi giảm hơn 8% trong 3 tháng đầu năm. Chỉ số Nikkei 225 đã trở lại sắc xanh, khép phiên gần mức 23,675 điểm, tăng 4% trong năm 2018. Ông Malone dự báo, chỉ số Nikkei 225 sẽ chạm mức 26,500 trước lễ Giáng sinh, còn ông Musha nhận định mục tiêu sẽ là 27,000 điểm vào cuối năm 2018.

Chỉ số sức mạnh tương đối (RSI) kỳ hạn 14 ngày của cả Topix và Nikkei 225 quanh mức 70 và được xem là rơi vào trạng thái quá mua (overbought), một số nhà đầu tư nghĩ rằng mọi thứ đang trở nên quá nhiệt quá nhanh chóng.

“Đà tăng gần đây diễn ra quá nhanh vì vậy khả năng tăng của thị trường trông khá hạn chế”, Masayuki Otani, Trưởng Bộ phận Chiến lược thị trường tại Securities Japan Inc. ở Tokyo, cho hay. “Một số chỉ báo kỹ thuật cho thấy tình trạng quá nhiệt trong ngắn hạn, qua đó có thể tạo điều kiện cho một số nhà đầu tư điều chỉnh vị thế”.

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FiLi