Ngân hàng Thương mại Nhà nước - Tăng vốn là tất yếu

Ngân hàng Thương mại Nhà nước - Tăng vốn là tất yếu

Sau thời kỳ đóng băng, dường như đã đến lúc các ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước đẩy mạnh lộ trình tăng vốn trở lại, với mục tiêu tạo nền tảng vốn vững chắc để có thể đẩy mạnh mở rộng hoạt động phát triển kinh doanh, cũng như đảm bảo hệ số an toàn vốn cho giai đoạn sắp tới.

Cơ hội tăng vốn được mở trở lại

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa chấp thuận cho Vietcombank tăng vốn điều lệ từ 35,977 tỷ đồng lên 39,575 tỷ đồng, tức tăng thêm khoảng 3,598 tỷ đồng, tương ứng 10% vốn điều lệ hiện nay, theo phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ đã được cổ đông thông qua tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) của Vietcombank hồi đầu năm nay. 

Cụ thể, tại ĐHĐCĐ thường niên diễn ra hồi tháng 4/2018, Vietcombank cho biết sẽ tăng vốn thông qua việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài tỷ lệ 10% vốn điều lệ, tương ứng bán hơn 350 triệu cổ phiếu cho tối đa không quá 10 nhà đầu tư. Giá bán căn cứ theo giá thị trường do công ty thẩm định giá tư vấn và xác định theo 10 phiên giao dịch gần nhất.

Được biết vốn điều lệ của Vietcombank đã giữ nguyên kể từ cuối năm 2016 cho đến nay, sau đợt tăng vốn gần nhất hơn 9.3 nghìn tỷ trong năm 2016. Trong năm 2017, ngân hàng những tưởng đã tăng vốn thành công trong thương vụ bán vốn cho Quỹ đầu tư Quốc gia Singapore (GIC), tuy nhiên thương vụ đã bị hoãn lại cho đến nay vì 2 bên không thống nhất được mức giá chuyển nhượng. Và trong lần tăng vốn này, GIC có thể vẫn là một trong những nhà đầu tư tiềm năng cùng với đối tác hiện hữu Mizuho (Nhật Bản) đang sở hữu 15% cổ phần của Vietcombank, mà khả năng sẽ được phép mua thêm cổ phần để duy trì tỷ lệ sở hữu này ở Vietcombank.

Trong khi đó, ngoài Vietcombank, nhiều thông tin cho thấy BIDV và VietinBank cũng đang tích cực đẩy nhanh lộ trình tăng vốn, trong đó BIDV có thể phát hành riêng lẻ để nâng vốn điều lệ lên 43,600 tỷ đồng, từ mức 34,187 tỷ đồng vào cuối quý 2/2018. Như vậy, BIDV cần phải tăng thêm hơn 9.4 nghìn tỷ đồng, tương ứng với mức tăng 27.5% so với mức vốn điều lệ hiện nay, đây là một con số không hề nhỏ.

Trước đó trong những tháng đầu năm nay BIDV cũng đã công bố kế hoạch phát hành cổ phần cho đối tác chiến lược Hàn Quốc là ngân hàng KEB Hana Bank, tuy nhiên thương vụ này hiện nay vẫn chưa có kết quả rõ ràng. Còn tại VietinBank, thông tin mới nhất cho biết công ty tài chính quốc tế (IFC) lại đang tìm đối tác để mua phần vốn góp tại ngân hàng này. Hiện ngân hàng Mitsubishi vẫn đang là cổ đông nước ngoài lớn nhất tại VietinBank với tỷ lệ gần 20%.

Trong những năm trở lại đây, việc tăng vốn tại các NHTM Nhà nước gặp nhiều khó khăn, khi ngân sách gặp nhiều khó khăn nên Nhà nước đã không thể góp thêm vốn, vì vậy các thương vụ phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn bị hạn chế, trong khi việc bán vốn cho các tổ chức nước ngoài cũng không dễ dàng do lo ngại rủi ro pha loãng tỷ lệ sở hữu Nhà nước, cũng như không thống nhất được mức giá.

Đặc biệt trong 2 năm trở lại đây, Bộ Tài Chính cũng yêu cầu các ngân hàng này phải chi trả cổ tức bằng tiền mặt để đảm bảo nguồn thu ngân sách, do đó các ngân hàng cũng không thể giữ lại lợi nhuận để phục vụ cho mục đích tăng vốn, mà sau đó đã dẫn đến những tranh cãi giữa hai bên. Tuy nhiên, những thông tin mới nhất cho thấy con đường tăng vốn của các ngân hàng dường như sắp suôn sẻ trở lại.

Tăng vốn là tất yếu

Trở ngại tăng vốn đã khiến nhóm các NHTM Nhà nước gặp nhiều khó khăn trong việc mở rộng hoạt động phát triển kinh doanh. Do vốn điều lệ đóng góp chính vào vốn tự có, một chỉ tiêu quan trọng để tính toán hệ số CAR cũng như hàng loạt giới hạn chỉ tiêu an toàn khác, nên nếu vốn tự có quá thấp sẽ khiến ngân hàng hạn chế các hoạt động từ tín dụng cho đến đầu tư.

Thống kê cho thấy hệ số CAR của nhóm NHTM Nhà nước đến cuối tháng 5/2018 là 9.39%, cận kề mức quy định 9% và thấp hơn rất nhiều tỷ lệ 11.34% của nhóm NHTM cổ phần. So với thời điểm cuối năm 2015, hệ số CAR của nhóm NHTM Nhà nước không cải thiện nhiều khi tiếp tục giảm 0.03%, dù 2 năm qua đã liên tiếp phát hành các trái phiếu dài hạn để tăng vốn tự có cấp 2 với số lượng lớn.

Tuy nhiên, giải pháp trên chỉ là tạm thời vì theo quy định hiện nay tổng giá trị vốn cấp 2 tối đa bằng 100% tổng giá trị vốn cấp 1 và tổng giá trị trái phiếu, trái phiếu chuyển đổi, cổ phiếu ưu đãi và các công cụ nợ khác cũng chỉ tối đa bằng 50% vốn cấp 1. Do đó, các ngân hàng nếu đã chạm mức trần trên thì không thể phát hành thêm trái phiếu hay chứng chỉ tiền gửi dài hạn, mà buộc phải tăng vốn điều lệ như là một giải pháp cuối cùng.

Và chính vì bị níu chân bởi vốn tự có và hệ số CAR thấp như thế, mà các NHTM Nhà nước đã bị hạn chế ở tốc độ tăng trưởng tín dụng, thay vào đó nguồn vốn dư thừa buộc phải rót vào thị trường trái phiếu hoặc đầu tư vào trái phiếu của các ngân hàng khác trong suốt thời gian qua. Tuy nhiên, với việc lợi suất trái phiếu rớt về mức quá thấp khiến rủi ro lãi suất mà các ngân hàng phải đối mặt ở các kênh đầu tư này là không hề nhỏ. Vì vậy các NHTM Nhà nước có động lực giảm chi phí huy động vốn đầu vào nhằm tránh nguồn vốn dư thừa quá mức, và đó cũng là lý do mà lãi suất huy động của nhóm này luôn ở mức thấp nhất thị trường trong suốt thời gian dài.

Ngoài ra, như đã nói dù vốn điều lệ không tăng được nhưng vốn tự có của  nhóm NTHM Nhà nước thời gian qua vẫn có sự tăng trưởng là nhờ vào việc phát hành các trái phiếu dài hạn, nhờ đó đã giúp hệ số CAR vẫn đảm bảo theo quy định. Tuy nhiên, theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có hiệu lực từ ngày 01/01/2020, thì phần vốn đầu tư vào trái phiếu đủ điều kiện tính vốn cấp 2 của các ngân hàng khác sẽ bị loại khi tính vốn tự có của TCTD, do đó vốn tự có cấp 2 của các ngân hàng càng chịu áp lực suy giảm.

Cũng theo quy định của Thông tư 41/2016/TT-NHNN, cách tính hệ số CAR mới chặt chẽ hơn theo chuẩn Basel II và sẽ bắt đầu có hiệu lực từ năm 2020. Mặc dù tỷ lệ mới theo quy định sẽ giảm từ 9% xuống còn 8%, nhưng các thông số đầu vào sẽ khắt khe hơn và có xét đến các yếu tố rủi ro thị trường và rủi ro hoạt động, chính vì vậy mà NHNN mới phải dời lộ trình trễ 3 năm để áp dụng chính thức từ 2020. Do đó, bài toán tăng vốn tại các ngân hàng sẽ ngày càng cấp thiết hơn bao giờ hết, nhất là những ngân hàng hiện có tỷ lệ CAR tiệm cận mức quy định như nhóm NHTM Nhà nước hiện nay, mà nếu không tăng vốn kịp thời sẽ khó đáp ứng được hệ số CAR tính theo quy định mới.

Chính vì bị níu chân bởi vốn tự có và hệ số CAR thấp như thế, mà các NHTM Nhà nước đã bị hạn chế ở tốc độ tăng trưởng tín dụng, thay vào đó nguồn vốn dư thừa buộc phải rót vào thị trường trái phiếu hoặc đầu tư vào trái phiếu của các ngân hàng khác trong suốt thời gian qua. Tuy nhiên, với việc lợi suất trái phiếu rớt về mức quá thấp khiến rủi ro lãi suất mà các ngân hàng phải đối mặt ở các kênh đầu tư này là không hề nhỏ.

Nhung Võ

FILI