Căng thẳng toàn cầu dâng cao, chứng khoán Hàn Quốc, Nhật Bản và Hồng Kông “bay hơi” hơn 2%

Căng thẳng toàn cầu dâng cao, chứng khoán Hàn Quốc, Nhật Bản và Hồng Kông “bay hơi” hơn 2%

Thị trường chứng khoán châu Á đỏ lửa vào giữa phiên ngày thứ Ba (23/10) khi nhà đầu tư “tái mặt” vì căng thẳng trên toàn cầu.

Tính tới lúc 11h36 ngày thứ Ba (23/10 – giờ Việt Nam), thị trường chứng khoán Trung Quốc bắt đầu giảm mạnh sau 2 phiên leo dốc mạnh trước đó. Chỉ số Shanghai Composite lùi 36.46 điểm (tương ứng 1.37%), còn chỉ số Hang Seng của Hồng Kông sụt 530.32 điểm (tương ứng 2.03%).

Diễn biến trên thị trường chứng khoán châu Á vào lúc 11h36 giờ Việt Nam
Nguồn: CNBC

Trước đó, chỉ số Shanghai Composite tăng vọt hơn 4% nhờ có sự trợ giúp từ Chính phủ Trung Quốc.

“Đà tăng 4.1% hôm qua (22/10) của chỉ số Shanghai Composite có khả năng chỉ là cú nhảy của ‘con mèo chết’”, các chiến lược gia tại DBS Group Research cho biết trong báo cáo buổi sáng. “Bất kỳ biện pháp kích thích của Trung Quốc không nên được xem là một cú huých nhưng là một “tấm đệm” chống lại đà giảm tốc của nền kinh tế trước các “cơn gió trái chiều” bên ngoài.

Ở Hàn Quốc, chỉ số Kospi tụt 53.17 điểm (tương ứng 2.46%) vào phiên sáng, chạm mức thấp chưa từng thấy kể từ tháng 3/2017.

Bên cạnh đó, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản cũng giảm ngày càng mạnh, lao dốc 514.24 điểm (tương ứng 2.27%), còn chỉ số Topix lùi 1.7%.

Trên thị trường Australia, chỉ số ASX 200 hạ 47.7 điểm (tương ứng 0.81%), trong đó lĩnh vực tài chính – vốn chiếm tỷ trọng cao trong chỉ số chung – giảm 1.06% và chỉ số năng lượng lao dốc 2.72%.

Đáng chú ý là cổ phiếu của nhà điều hành bệnh viện Healthscope nhảy vọt 19.33% sau khi công ty cho biết họ nhận được đề xuất mua lại từ một tập đoàn với giá 4.11 tỷ AUD (tương ứng 2.9 tỷ USD), theo Reuters.

Căng thẳng địa chính trị ngày càng tăng

Dow Jones và S&P 500 giảm điểm trong phiên giao dịch đầy biến động ngày thứ Hai (22/10) khi lĩnh vực năng lượng và tài chính lao dốc cùng với sự thận trọng ngày càng tăng trước một loạt báo cáo lợi nhuận công bố trong tuần này.

Cụ thể, chỉ số Dow Jones lùi 126.93 điểm (tương đương 0.5%) xuống 25,317.41 điểm, chỉ số S&P 500 mất 11.9 điểm (tương đương 0.43%) còn 2,755.88 điểm, trong khi chỉ số Nasdaq Composite tiến 19.60 điểm (tương đương 0.26%) lên 7,468.63 điểm.

Nhà đầu tư vẫn tỏ ra lo ngại về căng thẳng địa chính trị ngày càng leo thang trên khắp thế giới, gần đây nhất là cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi. Chính vụ việc này đã làm dấy lên hàng loạt lời chỉ trích tới Ả-rập Xê-út và gây ra hiệu ứng lan truyền tới thị trường toàn cầu. Tuần trước, nhà đầu tư nước ngoài đã bán hơn 1 tỷ USD cổ phiếu Ả-rập Xê-út.

Cùng lúc đó, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn còn là tâm điểm chú ý của thị trường. Một quan chức Trung Quốc đã nói với các nhà đầu tư Mỹ tại một cuộc họp rằng: Bắc Kinh không hề sợ phải chiến tranh thương mại với Washington.

“Trung Quốc chưa bao giờ muốn có một cuộc chiến thương mại với bất kỳ ai, chứ đừng nói là với Mỹ - một đối tác chiến lược nhiều năm với Trung Quốc, nhưng chúng tôi cũng không sợ một cuộc chiến như thế”, Zhang Qingli, thành viên đứng đầu của một ủy ban Trung Quốc phụ trách tạo ra liên minh với các quốc gia khác, cho biết tại cuộc họp ở Bắc Kinh.

Thị trường tiền tệ và dầu

Chỉ số đồng USD – thước đo diễn biến của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác – ở mức 96.022 vào buổi sáng, sau khi tăng từ mức 95.5 của ngày hôm trước.

Đồng Yên Nhật ở mức 112.65 đổi 1 USD, sau khi suy yếu từ mức dưới 112.4 trong phiên trước. Đồng AUD ở mức 0.7069 USD sau khi giảm từ mức trên 0.711 USD trong ngày hôm qua.

Trên thị trường năng lượng, các hợp đồng dầu tăng giá trong phiên buổi sáng. Hợp đồng dầu Brent tương lai quay đầu giảm 0.19% xuống 79.68 USD/thùng, còn hợp đồng dầu WTI tương lai lùi 0.2% xuống 69.29 USD/thùng.

Vũ Hạo (Theo CNBC)

FiLi