Dự trữ bắt buộc và câu chuyện lãi suất

Dự trữ bắt buộc và câu chuyện lãi suất

Mặt bằng lãi suất đang có dấu hiệu tăng lên trong thời gian gần đây, khiến không ít người lo ngại sẽ kìm hãm đà tăng trưởng của nền kinh tế, liệu nhà điều hành sẽ thực hiện thêm giải pháp gì để ổn định lãi suất?

Dự trữ bắt buộc đã ngủ yên suốt thời gian dài

Thông thường việc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc sẽ giúp giải phóng một lượng vốn lớn cho các ngân hàng như đã nói, theo đó thay vì phải nằm tại tài khoản của NHNN thì giờ đây sẽ được các ngân hàng thương mại (NHTM) rút ra và đưa vào thị trường, không chỉ giúp cung ứng vốn cho nền kinh tế mà còn tạo điều kiện để ổn định và giảm thêm lãi suất.

Vì với dự trữ bắt buộc thấp hơn, chi phí vốn của các ngân hàng sẽ giảm xuống nhờ hiệu suất sử dụng vốn tối ưu hơn, các ngân hàng sẽ tăng được tỷ lệ tài sản sinh lời do đó có thêm điều kiện để giảm lãi suất khi cần thiết. Chính vì vậy, giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc được xem là một trong những giải pháp thường được các NHTW trên thế giới sử dụng để tác động lên lãi suất thị trường.

Hiện tại, tỷ lệ dự trữ bắt buộc của Việt Nam đối với VNĐ đang áp dụng cho các NHTM, chi nhánh ngân hàng nước, ngân hàng liên doanh, công ty tài chính và cho thuê tài chính nằm ở mức 3% đối với các khoản tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 12 tháng, 1% đối với các khoản tiền gửi có kỳ hạn trên 12 tháng. Đối với tiền gửi bằng ngoại tệ các tỷ lệ này lần lượt là 8% và 6%. Đáng lưu ý là quy định trên được duy trì áp dụng từ tháng 9/2011 cho đến nay, tức đã hơn 7 năm qua.

Trong các năm trở lại đây, NHNN đã sử dụng các giải pháp như linh hoạt bơm thanh khoản cho hệ thống với liều lượng lớn kịp thời, điều chỉnh lãi suất điều hành chủ chốt hoặc yêu cầu các NHTM Nhà nước giảm lãi suất để định hướng thị trường, tăng cung vốn tiền đồng qua kênh mua ngoại tệ. Ngoài ra, giải pháp giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc dù cũng đã đôi lần được nhắc đến trong thời gian qua, tuy nhiên liều thuốc này hiện vẫn chưa được dùng đến.

Thậm chí gần đây nhất vào cuối tháng 5 vừa qua, NHNN còn ban hành quyết định số 1158/QĐ-NHNN với quy định tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc của nhóm ngân hàng Agribank và ngân hàng hợp tác xã. Theo đó, tỷ lệ dự trữ bắt buộc tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 12 tháng của nhóm này tăng từ 1% lên 3%, có hiệu lực từ ngày 01/6/2018.

Tuy nhiên, với tình hình xu hướng lãi suất có dấu hiệu đi lên trở lại như hiện nay, cũng như áp lực trong thời gian tới là không hề dễ chịu từ sự tác động của lạm phát và tỷ giá, thì việc cân nhắc đến liều thuốc dự trữ bắt buộc vào lúc này có lẽ là không thừa.

Sẽ giải phóng được hàng trăm nghìn tỷ đồng

Số dư tiền gửi trong hệ thống các tổ chức tín dụng hiện nay gần 7.5 triệu tỷ đồng, với lượng tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 12 tháng phổ biến chiếm đến 80%, tương đương với 6 triệu tỷ đồng, còn lại là tiền gửi trung dài hạn trên 12 tháng là 1,5 triệu tỷ đồng. Với tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền đồng hiện nay, thì lượng tiền dự trữ bắt buộc đang nằm yên lên tới 225 nghìn tỷ đồng. Nếu tính chính xác tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi ngoại tệ thì con số này còn cao hơn nhiều.

Nếu như có thể giảm được 1% tỷ lệ dự trữ bắt buộc tiền gửi ngắn hạn, thì lượng vốn được giải thoát ra sẽ tương ứng với 60 nghìn tỷ đồng. Còn trong trường hợp giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc xuống còn một nửa so với mức hiện tại, điều chỉnh cho cả tiền gửi ngắn hạn và trung dài hạn, thì lượng vốn được giải phóng ra lên tới 112.5 nghìn tỷ đồng.

Nếu so với con số huy động vốn tăng thêm trong 9 tháng đầu năm nay ước ở mức 655 nghìn tỷ đồng, thì con số 112.5 nghìn tỷ đồng trên chiếm khoảng 17%, và tương đương với mức tăng huy động vốn bình quân trong 1.5 tháng của toàn hệ thống kể từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên, hiệu ứng của giải pháp giảm dự trữ bắt buộc không chỉ nằm ở lượng tiền dư ra là bao nhiêu để các NHTM có thể đẩy mạnh kinh doanh, mà còn là những tác động về mặt tâm lý cũng như giúp chi phí vốn của các ngân hàng giảm xuống đáng kể, nhờ đó có điều kiện để giữ và thậm chí là giảm thêm lãi suất cho vay.

Với mục tiêu kéo lãi suất cho vay xuống mức trung bình của các nước đang phát triển là khoảng 5%, nhiệm vụ đặt ra cho nhà điều hành không hề dễ dàng trong bối cảnh hiện nay, khi mà ngay cả việc giữ ổn định như hiện tại cũng đã là một thách thức không hề nhỏ.

Trong khi đó, với việc các doanh nghiệp xuất khẩu có thể phải tất toán các khoản vay ngoại tệ chậm nhất vào cuối năm nay theo quy định, khi đó lợi thế cạnh tranh của nhóm này có thể sẽ giảm đáng kể do chi phí tài chính tăng lên khi phải chuyển sang các khoản vay vốn VNĐ với lãi suất cao hơn. Điều này càng khiến mục tiêu giữ ổn định lãi suất quan trọng hơn bao giờ hết, không chỉ để hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu vốn đang gặp nhiều thách thức trong cuộc chiến thương mại lẫn tỷ giá đang diễn ra, mà còn là để đảm bảo cho nền kinh tế tiếp tục vận hành đúng hướng và duy trì được tỷ lệ tăng trưởng, cũng như tránh để các thị trường tài sản lao dốc quá nhanh mà dẫn đến rủi ro khủng hoảng tiềm tàng.

Nhìn sang các nước trong khu vực, cuối tuần vừa qua, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) cũng đã quyết định hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc lần thứ tư trong năm 2018, theo đó tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) đối với một số tổ chức cho vay của nước này sẽ được giảm 1% và có hiệu lực kể từ ngày 15/10/2018. Lượng vốn được giải phóng từ quyết định giảm bớt tỷ lệ RRR ước lên tới 750 tỷ Nhân dân tệ.

Có thể thấy ngoài các đợt cắt giảm thuế và đẩy mạnh các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, thì các nhà hoạch định chính sách tại Bắc Kinh từ đầu năm đến nay đã sử dụng giải pháp cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc để duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế, trong bối cảnh suy thoái đang có dấu hiệu quay trở lại trước những bất ổn tiềm tàng trong nước và tác động từ cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Nếu như có thể giảm được 1% tỷ lệ dự trữ bắt buộc tiền gửi ngắn hạn, thì lượng vốn được giải thoát ra sẽ tương ứng với 60 nghìn tỷ đồng. Còn trong trường hợp giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc xuống còn một nửa so với mức hiện tại, điều chỉnh cho cả tiền gửi ngắn hạn và trung dài hạn, thì lượng vốn được giải phóng ra lên tới 112.5 nghìn tỷ đồng.

Nhung Võ

FILI