IMF: Không quốc gia nào có thể né được cú sốc trong thế giới gắn kết như hiện nay

IMF: Không quốc gia nào có thể né được cú sốc trong thế giới gắn kết như hiện nay

Trong kịch bản tồi tệ nhất, căng thăng thương mại hiện nay có thể khiến tăng trưởng kinh tế Trung Quốc giảm bớt 1.6% trong hai năm đầu tiên, dựa trên bài phân tích của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Đánh giá này đã tính tới các hàng rào thuế quan hiện tại và hàng rào thuế quan đề xuất lên hàng hóa Trung Quốc, cũng như tác động dây chuyền tới niềm tin nhà đầu tư và thị trường tài chính. Thế nhưng, phần lớn tác động này được cho là sẽ được bù đắp bởi chính sách kích thích của chính quyền Trung Quốc, Changyong Rhee, Giám đốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương của IMF, cho hay.

Bài phân tích trên được bao gồm trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Địa phương của IMF, tập trung vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Rhee nói với các phóng viên rằng, tác động kinh tế trực tiếp từ cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc thực sự “khá nhỏ”. Điều gây nhiều thiệt hại hơn là tác động tới niềm tin của nhà đầu tư – vốn đã làm rung chuyển cả thị trường tài chính và có khả năng kéo dài trong một khoảng thời gian, ông cho hay.

“Đây là một trong những lý do tại sao chúng ta cảm thấy các yếu tố tiêu cực có thể kéo dài hơn”, Rhee cho biết. “Tôi không biết kết thúc sẽ như thế nào… Tôi nghĩ bài học mà chúng tôi nhận được là thị trường tài chính toàn cầu và nền kinh tế thực gắn kết chặt chẽ như thế nào, không ai có thể tránh khỏi cú sốc cả”.

“Cuối cùng, sẽ không có ai giành chiến thắng trong cuộc chiến thương mại toàn cầu”, ông cho biết ở Bali (Indonesia) – nơi tổ chức cuộc họp thường niên giữa IMF và Ngân hàng Thế giới (WB).

Mỹ đã thực hiện áp thuế bổ sung lên 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, và Bắc Kinh cũng đã đáp trả bằng hàng rào thuế quan lên 110 tỷ USD hàng hóa Mỹ.

Chưa hết, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, sẽ nhắm tới việc áp thêm thuế lên 267 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, tức gần như tất cả hàng hóa Mỹ nhập khẩu từ nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới.

Cuộc chiến thuế quan “ăn miếng trả miếng” giữa Mỹ và Trung Quốc đã tác động tới niềm tin của nhà đầu tư. Tuần này, mối lo ngại về nền kinh tế toàn cầu – xuất phát từ căng thẳng thương mại – đã dẫn tới làn sóng bán tháo trên toàn cầu. Cổ phiếu Trung Quốc nằm trong nhóm bị tác động mạnh nhất, lao dốc hơn 20% trong năm nay.

Trước đó trong tuần này, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm nay và năm 2019, và Trung Quốc cũng nằm trong nhóm bị hạ dự báo.

Theo dự báo của IMF, nền kinh tế Trung Quốc có thể tăng trưởng 6.6% trong năm nay – bằng với mức dự báo trước đây, nhưng IMF đã hạ tăng trưởng Trung Quốc trong năm 2019 bớt 0.2% xuống 6.2%.

Trong năm nay, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đã 4 lần giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc và qua đó, kích thích hoạt động kinh tế trong nước.

Lần gần đây nhất là vào ngày 07/10/2018, cụ thể tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) đối với một số tổ chức cho vay sẽ được giảm 1% và có hiệu lực kể từ ngày 15/10/2018. Lượng vốn được giải phóng từ quyết định giảm bớt tỷ lệ RRR sẽ được sử dụng để trả lại các khoản vay thông qua công cụ cho vay trung hạn (MLF) 450 tỷ Nhân dân tệ (tương ứng 65.5 tỷ USD) đến hạn vào ngày 15/10/2018, và có thể giải phóng thêm lượng vốn là 750 tỷ Nhân dân tệ.

Thế nhưng, làm như thế này có thể trì hoãn các cuộc cải cách cấu trúc của Trung Quốc, IMF lưu ý trong báo cáo.

“Các chính sách vĩ mô ở Trung Quốc tập trung vào giải quyết các lỗ hổng tài chính lớn và đã tồn tại từ lâu, nhưng việc chuyển sang ổn định tăng trưởng như thế này có thể làm chậm tiến độ của chiến dịch giảm bớt đòn bẩy và từ đó làm gia tăng rủi ro trung hạn cho Trung Quốc và toàn bộ khu vực”, trích từ báo cáo của IMF.

Vũ Hạo (Theo CNBC)

FiLi