Sợi Thế Kỷ đặt kỳ vọng vào sợi tái chế, vì đâu?

Sợi Thế Kỷ đặt kỳ vọng vào sợi tái chế, vì đâu?

Tại buổi gặp mặt nhà đầu tư ngày 17/10, Ban lãnh đạo CTCP Sợi Thế Kỷ (HOSE: STK) đã có những trao đổi về tình hình hoạt động cũng như chiến lược hoạt động trong thời gian tới.

Ban lãnh đạo của STK trao đổi với nhà đầu tư về hoạt động kinh doanh và chiến lược trong thời gian tới.

Sợi tái chế, quân bài trước mắt

Nói về triển vọng của STK trong giai đoạn 2018 – 2020, Ban lãnh đạo Công ty cho biết trong ngắn hạn, dự án Trảng Bàng 5, các đơn hàng sợi tái chế và chiến lược tăng tỷ trọng các sản phẩm có giá trị gia tăng sẽ là động lực chính thúc đẩy hoạt động kinh doanh.

Cụ thể, ông Đặng Triệu Hòa – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc - cho biết Công ty đã triển khai kế hoạch đối với mảng sợi tái chế. Theo kế hoạch dự phóng, mảng này sẽ đóng góp 14% tỷ trọng doanh thu của STK trong năm 2018, 20% trong năm 2019, sang năm 2020 là 30%. Tại buổi gặp mặt, ông Hòa cho biết mảng sợi tái chế có khả năng chiếm hơn 20% doanh thu trong quý 4 năm nay. Với kế hoạch đặt ra, ông Hòa cho rằng STK sẽ đi sớm hơn so với kế hoạch khi các đơn hàng đã nhận xong. Tuy nhiên, ông Hòa cũng nói rằng việc nâng tỷ trọng của mảng sợi tái chế cần được trao đổi tại ĐHCĐ sắp tới của Công ty và được ĐHĐCĐ thông qua.

Ban lãnh đạo Công ty cũng trình bày, hiện nhiều doanh nghiệp sản xuất lớn trên thế giới đang có cam kết về tỷ trọng sử dụng sợi tái chế. Trong đó, Nike cam kết tỷ trọng 45% từ năm 2017; Adidas cam kết tới năm 2022 sẽ dùng tỷ trọng 95%; Puma đặt mục tiêu 50% cho năm 2020 và H&M đặt mục tiêu 100% đến năm 2030.

Về phần Dự án Trảng Bàng 5, bà Nguyễn Phương Chi – Giám đốc chiến lược của STK - cho biết dự án đã được giải ngân 80%, dự kiến sẽ giải ngân hết vào cuối năm nay và đưa vào hoạt động vào đầu năm 2019. Bà Chi cũng cho biết nhà máy được trang bị dây chuyền tái chế sợi phế thành hạt nhựa và sợi tái chế. Dự án này sẽ là một trong những động lực tăng trưởng chính của STK giai đoạn 2018-2010.

Xa hơn là sợi màu và sợi chập

Trong trung và dài hạn, STK đặt kỳ vọng vào các dự án sợi màu, sợi chập cùng với dự án Polymerization.

Ông Hòa cho biết hiện tại, Công ty không cần tăng vốn để phát triển sợi màu vì nguồn lực nội tại đã đủ. Hơn nữa, để sản xuất được sợi màu, Công ty chỉ cần trang bị thêm thiết bị pha màu cho dây chuyền đã có sẵn. Thời gian đầu, STK sẽ dùng 1 – 2 máy gắn thiết bị để chạy sợi màu, sau đó sẽ mở rộng ra. Vốn đầu tư chỉ vài trăm ngàn USD cho máy lẻ. Trong 6 tháng đầu năm 2019, STK sẽ đủ khả năng đưa sợi màu vào thị trường.

Về phần sợi chập, Ban lãnh đạo cho biết Công ty đang hợp tác với một đối tác lớn của Mỹ chuyển cung cấp vải cho một thương hiệu sản xuất giày lớn. Do đó, cần thời gian để trao đổi với đối tác để chốt giá, thời hạn hợp đồng kéo dài nên chưa đem lại nguồn lợi ngay lập tức.

Ban lãnh đạo cũng tiết lộ số liệu kết quả kinh doanh quý 3/2018, theo đó, doanh thu thuần đạt 589 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế gần 51.5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 46.7 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận sau thuế đạt 151.3 tỷ đồng, vượt kế hoạch năm 5%.

Diễn biến giá STK thời gian qua

Với kết quả trên, Ban lãnh đạo STK tin rằng Công ty sẽ vượt kế hoạch năm khoảng 25%, nhất là mặt hàng sợi tái chế đang có chiều hướng tăng tỷ trọng, kéo theo lợi nhuận tăng cao.

Về cổ phiếu STK, Ban lãnh đạo Công ty cho rằng kết quả hoạt động kinh doanh tốt kết hợp với hoạt động quan hệ nhà đầu tư, truyền thông báo chí, hy vọng cổ phiếu sẽ có thanh khoản lớn hơn. Gần đây, giá cổ phiếu STK đang tăng điểm tích cực, mở cửa ngày 18/10 ở mức 18,500 đồng/cp, tăng hơn 34% trong tháng qua. Khối lượng giao dich bình quân trong tháng đạt trên 104,000 cp/phiên.

Câu chuyện chuyển dịch chuỗi cung ứng

Một điểm nóng tại buổi gặp mặt là triển vọng của ngành dệt may trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Ông Hòa cho biết việc Mỹ đánh thuế sợi DTY và FDY của Trung Quốc sẽ làm chuyển dịch khách hàng từ Trung Quốc sang các thị trường khác, trong đó có Việt Nam. Đây là cơ hội lớn đối với STK, Công ty chắc chắn sẽ hưởng lợi, dù là trực tiếp hay gián tiếp. Ông Hòa cũng tiết lộ thêm, Công ty đang tiếp các đối tác thử hàng để có thể kịp xuất hàng vào đầu năm 2019. Đặc biệt , mặt hàng sợi dùng cho vải sản xuất ô tô đang là thế mạnh của Công ty.

Ông Hòa cũng cho biết “Điểm quan trọng là chuỗi cung ứng đang dịch chuyển. Với việc Việt Nam có ưu thế về công nghiệp may mặc thì chắc chắn trong tương lai, ngành công nghiệp dệt, vải sẽ chuyển dịch về Việt Nam, kéo theo đó là ngành sợi.” Theo đó, chuỗi cung ứng dịch chuyển sẽ đẩy mạnh hoạt động sản xuất sợi tại Việt Nam.

Chí Kiên

FILI