Tencent bơm hàng tỷ USD vào... 300 công ty?

Tencent bơm hàng tỷ USD vào... 300 công ty?

Tencent, chủ sở hữu WeChat, không chỉ là một trong những công ty internet lớn nhất thế giới, mà còn là một nhà đầu tư lớn ở các doanh nghiệp trên toàn cầu.

Theo Crunchbase, tổ chức chuyên theo dõi nguồn vốn rót vào các công ty tư nhân, trong 10 năm qua, công ty công nghệ Trung Quốc này đã đầu tư hàng tỷ USD vào hơn 300 công ty - từ các nhà bán lẻ truyền thống đến những công ty ô tô điện.

Các khoản đầu tư đó từ lâu đã làm dấy lên câu hỏi về chiến lược của Tencent, đặc biệt là khi họ nhắm vào các ngành công nghiệp dường như không liên quan đến lĩnh vực kinh doanh chính của họ, vốn chỉ chuyên về trò chơi và mạng xã hội.

Cách tiếp cận dàn trải đó thậm chí bị “soi” kỹ hơn khi mảng kinh doanh trò chơi trực tuyến của họ gặp khó khăn ở Trung Quốc, gây ảnh hưởng không ít đến lợi nhuận và thổi bay hàng tỷ USD giá trị thị trường của họ.

"Không có logic đằng sau những khoản đầu tư của Tencent. Tencent đầu tư vào mọi thứ", Pan Luan, cây bút chuyên về công nghệ, nói với CNN. Pan đã gây ra một cuộc tranh luận trên các phương tiện truyền thông xã hội Trung Quốc hồi đầu năm nay với bài viết có tựa "Tencent đã đánh mất giấc mơ của mình?" Bài viết tranh luận rằng thay vì đổi mới, công ty này chỉ là đang mua sự tăng trưởng thông qua việc đầu tư vào các công ty công nghệ đang tạo được tiếng vang.

Tencent đã không phản hồi khi được yêu cầu bình luận về bài viết trên.

Bằng cách bơm tiền vào nhiều công ty khác nhau, Tencent đang thực hiện một cách tiếp cận tương tự các công ty công nghệ hàng đầu khác của Trung Quốc như Alibaba, Baidu, JD.com và Ant Financial. Tổng cộng, 5 “ông lớn” này đã đầu tư vào gần một nửa số công ty khởi nghiệp công nghệ Trung Quốc có giá trị từ 1 tỷ USD trở lên, theo công ty nghiên cứu CB Insights.

Tencent và Alibaba đã đầu tư vào rất nhiều công ty công nghệ Trung Quốc.

SoftBank của Nhật Bản và Alphabet, công ty mẹ của Google, cũng đã tích cực mua cổ phần trong một loạt các công ty khởi nghiệp.

Các công ty công nghệ Trung Quốc "phải mở rộng vượt ra ngoài lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của họ" để duy trì tính cạnh tranh, Kitty Fok, một nhà phân tích của công ty nghiên cứu IDC đang sống tại Bắc Kinh, cho biết.

Vậy làm thế nào để một số vụ “đặt cược” lớn nhất của Tencent phù hợp với tham vọng lớn hơn của họ?

Xe điện: Tesla và Nio

Năm ngoái, Tencent đã chi 1.8 tỷ USD để có được 5% cổ phần ở Tesla, công ty xe điện của Elon Musk.

"Chúng tôi chia sẻ tầm nhìn của Tesla trong việc tạo ra một tương lai tốt đẹp hơn cho hành tinh này", Chủ tịch của Tencent, Martin Lau, cho biết vào thời điểm đó.

Tencent cũng dẫn đầu một vòng huy động vốn với 1.1 tỷ USD dành cho công ty xe điện Nio của Trung Quốc. Công ty này đã niêm yết cổ phiếu tại New York vào tháng trước.

Các nhà phân tích cho rằng những khoản đầu tư đó đang nuôi tham vọng trở thành công ty dẫn đầu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và các thiết bị kết nối của Tencent, hai yếu tố sẽ đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của những chiếc xe không người lái và các thay đổi lớn khác trong ngành công nghiệp ô tô.

Vào đầu năm nay, Tencent đã có giấy phép chạy thử các phương tiện tự lái ở thành phố Thâm Quyến.

Trung tâm thương mại: Wanda Commercial

Hồi tháng Giêng, Tencent và ba công ty Trung Quốc khác đã rót 34 tỷ Nhân dân tệ (5 tỷ USD) vào Wanda Commercial Properties, nhà điều hành trung tâm thương mại lớn nhất của Trung Quốc.

Khoản đầu tư trên phù hợp với xu hướng lớn hơn của các công ty internet là đổ tiền vào các doanh nghiệp bán lẻ truyền thống. Tencent đã lấy 5% cổ phần của Yonghui, chuỗi cửa hàng tạp hóa đang phát triển nhanh của Trung Quốc.

Quyết định đó được đưa ra sau khi Amazonc mua lại Whole Foods ở Mỹ và Alibaba có một loạt động thái bước vào mảng bán lẻ truyền thống.

Việc hợp tác với các chuỗi bán lẻ cho phép các công ty công nghệ "thu thập càng nhiều thông tin càng tốt về người tiêu dùng - cả ngày lẫn đêm, tại bất kỳ thời điểm nào", hai nhà phân tích James Root và Jonathan Chang của Bain viết trong một bài báo cho Harvard Business Review.

Tencent hiện có được rất nhiều dữ liệu từ hơn 1 tỷ người sử dụng ứng dụng nhắn tin WeChat và nền tảng thanh toán kỹ thuật số WeChat Pay.

Tencent cũng hỗ trợ các công ty mua sắm trực tuyến đang cạnh tranh với Alibaba, như JD.com và gần hơn là Pinduoduo.

Dịch vụ xe gọi: GoJek

Tencent đã tham gia một vòng huy động vốn trị giá 1.5 tỷ USD cho công ty khởi nghiêp GoJek của Indonesia hồi tháng Hai, ngay khi thị trường xe gọi của Đông Nam Á bắt đầu nóng lên. Một tháng sau đó, Uber đã bán các hoạt động tại Đông Nam Á của họ cho đối thủ Grab.

Giống như Grab có trụ sở tại Singapore, GoJek cung cấp một “bộ” dịch vụ chứ không chỉ có việc gọi xe đến chở, gồm thanh toán kỹ thuật số, bán vé xem phim và các liệu pháp chăm sóc sắc đẹp theo yêu cầu.

Bản thân Tencent đã có kiến ​​thức về cách xây dựng một ứng dụng trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống hàng ngày của người dân. Bên cạnh việc gửi tin nhắn, người dùng WeChat dựa vào nó để làm tất cả mọi thứ, từ sắp xếp các cuộc hẹn với bác sĩ đến thanh toán hóa đơn.

Tencent cũng ủng hộ Didi Chuxing, công ty xe gọi đang thống trị thị trường Trung Quốc, góp phần đẩy Uber ra khỏi Trung Quốc hồi năm 2016.

Các mạng xã hội khác: Snap

Trong một “canh bạc” mà giờ đây Tencent có thể đang hối hận, họ đã lấy 10% cổ phần ở công ty mẹ của Snapchat vào tháng 11 năm ngoái.

Là một nhà đầu tư rất sớm ở Snap, Tencent cho biết họ đã mua nhiều cổ phần hơn vì vào thời điểm đó, chúng đang ở mức giá hấp dẫn và họ tin rằng họ có thể giúp cải thiện sản phẩm này.

"Có nhiều sự sáng tạo trong sản phẩm của công ty, và có nhiều tiềm năng để tạo dựng mảng kinh doanh của họ hơn nữa", Chủ tịch Lau của Tencent cho biết sau khoản đầu tư mới đó. "Theo thời gian, chúng tôi sẽ cố gắng xem liệu chúng tôi có thể làm được điều gì đó mang tính chiến lược hơn với họ hay không”.

Tuy nhiên, các vấn đề của Snap đã trở nên tệ hơn kể từ đó. Người dùng đang từ bỏ ứng dụng này sau khi gần đây ứng dụng được thiết kế lại nhưng không hấp dẫn được người dùng.

Cổ phiếu của Snap đã mất khoảng 45% giá trị kể từ khi Tencent đầu tư vào tháng 11 năm ngoái.

Nhã Thanh (Theo CNN)

FILI