Cạnh tranh CTCK nội - ngoại: Khối nội nói gì?

Cạnh tranh CTCK nội - ngoại: Khối nội nói gì?

Nhìn chung, việc các công ty chứng khoán (CTCK) ngoại tăng cường gia nhập vào thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tạo ra những thách thức nhất định cho khối CTCK nội ngay trên “sân nhà”.

* Các CTCK ngoại có bước đi nào để tiến vào “sân chơi” đầy tiềm năng nhưng lắm cạnh tranh?

Ngày càng có nhiều CTCK ngoại tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong đó, nhiều CTCK đã và đang thực hiện những kế hoạch tăng vốn khủng.

Khối ngoại gia nhập thị trường sẽ đem lại thách thức…

Trao đổi với người viết về việc khối CTCK ngoại tăng cường gia nhập thị trường chứng khoán Việt Nam, ông Nguyễn Duy Linh, Phó giám đốc Khối Dịch vụ Chứng khoán Khách hàng Cá nhân của CTCK Sài Gòn (SSI) cho biết, việc một thị trường chứng khoán có nhiều tiềm năng phát triển với các chỉ số ổn định và bền vững như Việt Nam đang thu hút được nhiều sự tham gia của các CTCK nước ngoài là một điều tất yếu. Kéo theo đó, các CTCK trong nước sẽ chịu tác động nhiều hơn từ việc cạnh tranh: trong việc cải tiến chất lượng sản phẩm dịch vụ, về nhân sự (cao cấp, trung cấp và đội ngũ môi giới) và đặc biệt là cạnh tranh về khách hàng.

Trong khi đó, đại diện CTCK Sài Gòn – Hà Nội (SHS), Tổng Giám đốc Vũ Đức Tiến chia sẻ sức ép từ việc cạnh tranh từ các CTCK ngoại là hiện hữu và ngày càng lớn, đặc biệt là đối với các CTCK vừa và nhỏ. Nguy cơ bị mất thị phần ngay trên "sân nhà" là đáng kể, kéo theo đó là doanh số sụt giảm và mất khách hàng.

Bên cạnh đó, ông Dương Thế Quang – Tổng Giám đốc của CTCK Đông Á (DAS) nhận định rằng với sự xuất hiện ngày càng nhiều hơn của các CTCK 100% vốn nước ngoài như Mirae Asset, KIS Việt Nam, Shinhan, KB Việt Nam, Yuanta… cạnh tranh trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới chắc chắn sẽ rất khốc liệt. Mặc dù, vẫn chưa công ty nào đứng vững trong top 10 thị phần và doanh thu lợi nhuận vẫn kém xa các CTCK trong nước.

“Sự am hiểu thị trường, tâm lý nhà đầu tư Việt cùng khả năng nhanh nhạy trong việc kinh doanh, mối quan hệ với các cơ quan quản lý, công ty niêm yết là thế mạnh vượt trội của các CTCK nội so với các CTCK ngoại”, ông Quang nhận xét.

.. kèm theo những cơ hội

Trước bối cảnh này, ông Linh, đại diện của SSI lạc quan rằng, đây là cơ hội đối với Công ty bởi cạnh tranh lành mạnh là tốt cho sự phát triển, thúc đẩy sự sáng tạo để hoàn thiện những gì còn thiếu sót từ chất lượng sản phẩm dịch vụ, chính sách khách hàng, chính sách nhân sự, đào tạo, hoàn thiện môi trường làm việc.

Trong khi đó, ông Tiến chia sẻ, khối CTCK ngoại tham gia thị trường sẽ tạo ra không ít thách thức khi có lợi thế cạnh tranh với dòng vốn giá rẻ và quy mô. Bên cạnh đó, các CTCK trong nước sẽ đứng trước yêu cầu giữ chân những nhân sự có chất lượng, đặc biệt là nhân sự quản lý cấp trung và cấp cao. Nhưng đây cũng sẽ là cơ hội để CTCK nội rà soát toàn bộ để nâng cao hiệu quả hoạt động, phát triển các sản phẩm dịch vụ mới có chất lượng để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng. Đồng thời, nâng cao chất lượng dịch vụ và tính chuyên nghiệp của mỗi công ty.

Về phần mình, ông Quang cho rằng việc mở cửa cho các CTCK ngoại sẽ tạo nhiều cơ hội trong việc chuyển giao công nghệ, thay đổi hệ thống kỹ thuật. Đồng thời sự xuất hiện mới các sản phẩm tài chính, sản phẩm phái sinh, hệ thống quản trị rủi ro hiện đại, chất lượng dịch vụ, đào tạo nhân sự chuyên nghiệp… sẽ thúc đẩy các CTCK trong nước tự làm mới mình bằng cách đầu tư, cải tổ toàn diện.

Bên cạnh đó, để đủ tiềm lực tài chính nhằm cung cấp các sản phẩm phái sinh, sản phẩm margin…, các CTCK buộc phải tăng vốn, tìm kiếm đối tác chiến lược trong và ngoài nước, các CTCK nhỏ sáp nhập với nhau, việc giảm số lượng các CTCK được thực hiện tự nhiên và phù hợp với định hướng của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

"Cuộc chiến" với CTCK ngoại chắc chắn sẽ tạo cho khối CTCK nội những thách thức đi kèm với nhiều cơ hội. Ảnh: Internet.

Đối phó bằng cách nào?

Ông Linh cho biết, tại SSI quan niệm sự thành công của một tổ chức phụ thuộc rất nhiều vào văn hóa của tổ chức đó. Tổ chức nào chứng minh được họ là sự lựa chọn của khách hàng, là sự lựa chọn của người tìm việc thì tổ chức ấy sẽ là tổ chức chiến thắng trong điều kiện cạnh tranh khốc liệt như vậy. Chính vì vậy để có thể tăng cường cạnh tranh trên thị trường, SSI sẽ tiếp tục hoạt động với tiêu chí chính là hướng tới lợi ích của khách hàng.

Tại DAS, ông Quang cho biết chiến lược kinh doanh vẫn sẽ là lấy khách hàng làm trung tâm. Đối với mảng môi giới, mức phí cạnh tranh sẽ là ưu thế của Công ty. Bên cạnh đó, DAS cũng sẽ tập trung tư vấn, truyền đạt kiến thức, tổ chức các buổi giới thiệu, hội thảo, sự kiện cũng như truyền đạt phương pháp đầu tư giá trị cho nhà đầu tư.

Đối với mảng tư vấn IB, trong năm 2018, DAS tiếp tục phát huy thế mạnh ở mảng này. Bên cạnh đó DAS sẽ tham gia thị phần dịch vụ tư vấn các doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ muốn tiếp cận huy động vốn dài hạn từ thị trường chứng khoán thay vì hiện nay nguồn vốn duy nhất các doanh nghiệp này đang sử dụng là vay ngân hàng.

Còn với SHS, ông Tiến cho biết, để có thể tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, Công ty vẫn sẽ kiên định với tầm nhìn và định hướng đã lựa chọn: Lấy hoạt động môi giới làm trọng tâm, định vị SHS trong top 5 CTCK hàng đầu cả 2 sàn. Chiến lược về vốn, SHS sẽ thực hiện nâng cao năng lực tài chính thông qua tăng quy mô vốn chủ sở hữu (phát hành cho cổ đông hiện hữu) cũng như mở rộng mạng lưới đối tác tài chính (ngân hàng, trái chủ tiềm năng). Đồng thời, cơ cấu nguồn vốn một cách hợp lý để giảm chi phí vốn cũng như chi phí sản phẩm tài chính cung cấp cho khách hàng.

Về phần chiến lược sản phẩm, SHS sẽ phát huy điểm mạnh hiện tại của sản phẩm. Đồng thời, triển khai các sản phẩm phái sinh phù hợp với quy định nhằm đảm bảo tính đồng bộ và thuận tiện khi sử dụng sản phẩm dịch vụ của SHS.

Bên cạnh đó, SHS sẽ tận dụng hiểu biết sâu rộng về thị trường nội địa để tiếp cận và mở rộng nhưng nhóm khách hàng đặc thù, phù hợp với tình hình Công ty. Nâng cao tính chuyên nghiệp thông qua đào tạo nhân viên và cải tiến quy trình hướng tới sự hài lòng tối đa của khách hàng.

Nhà đầu tư sẽ hưởng lợi từ “cuộc chiến” nội - ngoại

Nhà đầu tư vẫn sẽ là những người hưởng lợi đầu tiên trên thị trường. Ảnh: Internet.

Có thể thấy, tuy ít nhiều tạo ra thách thức cho khối CTCK nội nhưng việc khối CTCK ngoại gia nhập thị trường sẽ đem lại những lợi ích nhất định cho thị trường chứng khoán và nhà đầu tư.

Trước nhất, việc các CTCK ngoại tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam cũng sẽ lôi kéo các nhà đầu tư đồng hương đến giao dịch (đặc biệt là các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp), giúp thanh khoản thị trường được cải thiện, quy mô ngày càng mở rộng… Mặt khác, nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán về cơ bản sẽ được hưởng lợi khi được giao dịch với chi phí tài chính thấp hơn do được sử dụng dòng vốn giá rẻ từ các CTCK ngoại.

Song, sự cạnh tranh giữa các công ty sẽ là điều kiện để nâng cao chất lượng dịch vụ, mở rộng thị trường, phát triển khách hàng mới, nhiều khách hàng mới tham gia thị trường.

Tuy nhiên, đây chỉ mới là điều kiện cần, để đủ thì đó phải là một quá trình cạnh tranh lành mạnh. Hội tụ điều kiện cần và đủ, chất lượng sản phẩm dịch vụ sẽ được cải thiện, sản phẩm cung cấp sẽ đa dạng hơn… và nhà đầu tư chính là người được hưởng lợi từ quá trình này.

Chí Kiên

FILI