Những doanh nghiệp tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng trong quý 3

Những doanh nghiệp tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng trong quý 3

Trong quý 3/2018, có 12 doanh nghiệp có mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế (LNST) trên 1,000% so với cùng kỳ năm trước (nhóm 1), đặc biệt có doanh nghiệp có mức tăng trưởng LNST khủng hơn 22,800%.

Theo thống kê của Vietstock, trong quý 3, có 92 doanh nghiệp có mức tăng trưởng LNST trên 25% so cùng kỳ. Trong số đó, có 33 doanh nghiệp có mức tăng LNST từ 100-1,000% (nhóm 2), 47 doanh nghiệp có mức tăng LNST từ 25-100% (nhóm 3).

Các doanh nghiệp này được niêm yết trên 2 sàn HOSE và HNX, có hiệu quả sinh lời khá tốt với chỉ số ROE (lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) 4 quý gần nhất lớn hơn 15%.

12 doanh nghiệp có mức tăng trưởng LNST trên 1,000%

Quý 3/2018 có hơn chục doanh nghiệp có mức tăng trưởng LNST trên 1,000% so cùng kỳ. Trong nhóm 1 này, ấn tượng nhất là CTCP Sản xuất Kinh doanh Dược và Trang thiết bị Y tế Việt Mỹ (HNX: AMV), có mức tăng trưởng LNST khủng hơn 22,800%, doanh thu thuần (DTT) trong quý cũng mở rộng hơn 4,000% so cùng kỳ. Trong 4 quý gần nhất tính đến hết quý 3/2018, LNST của AMV tăng trên gần 7,500%, DTT tăng gần 1,400% so cùng kỳ.

Giá cổ phiếu AMV đã tăng hơn 122% trong quý vừa qua và tăng gần 137% trong năm vừa qua. Từ mức thấp nhất trong năm là 13,200 đồng/cp (ngày 28/05), giá cổ phiếu AMV đã leo lên mức 36,800 đồng/cp (ngày 08/11).

Xếp thứ hai về mức tăng trưởng LNST quý 3 là CTCP Sara Việt Nam (HNX: SRA) với mức tăng LNST gần 7,400%, DTT trong quý cũng mở rộng gần 5,900% so cùng kỳ. Trong 4 quý gần nhất tính đến hết quý 3/2018, LNST của SRA tăng hơn 1,100%, DTT cũng tăng gần 1,100 so cùng kỳ. Giá cổ phiếu SRA đã tăng khủng hơn 204% trong quý vừa qua và gần 488% trong năm vừa qua. Giá cổ phiếu SRA tăng từ mức thấp nhất trong năm là 8,300 đồng/cp (ngày 04/01) lên 52,800 đồng/cp (ngày 08/11). Cổ phiếu này có lúc tăng lên đến 77,400 đồng/cp (ngày 24/10) nhưng sau đó giảm trở lại.

Tiếp theo là CTCP Hùng Vương (HOSE: HVG) với mức tăng trưởng LNST quý 3 gần 6,000% so cùng kỳ. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là DTT quý 3 lại giảm hơn 55% so cùng kỳ. Trong quý 3/2018, tức quý cuối năm tài chính 2018 (kết thúc vào ngày 30/09/2018), HVG có lãi ròng lớn gần 366 tỷ đồng, nhờ bán tài sản là các công ty con là FMCVTF cùng với các bất động sản. Kết thúc năm tài chính 2018, mặc dù DTT giảm hơn 47% so cùng kỳ nhưng HVG vẫn có lãi ròng gần 19 tỷ đồng. Sau 1 năm mạnh tay tái cơ cấu, kết quả kinh doanh năm 2018 của HVG có thể mang lại bất ngờ cho nhà đầu tư. Trước đó, trong năm tài chính 2016 và 2017, HVG lỗ ròng lần lượt hơn 49 tỷ đồng và gần 713 tỷ đồng. Tính đến nay, LNST chưa phân phối vẫn ghi âm 409 tỷ đồng tại thời điểm cuối kỳ. Cổ phiếu HVG có những phiên tăng trần trong quý nhưng đã giảm lại trong tháng vừa qua.

Các doanh nghiệp còn lại trong nhóm 1 có mức tăng trưởng LNST quý 3 so cùng kỳ lần lượt từ cao xuống thấp là: CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản HUDLAND (HNX: HLD), CTCP Thiết bị Phụ tùng Sài Gòn (HOSE: SMA), CTCK IB (HNX: VIX), CTCP City Auto (HOSE: CTF), CTCP Văn hóa Phương Nam (HOSE: PNC), CTCP Bất động sản và Đầu tư VRC (HOSE: VRC), CTCK Ngân hàng Công thương Việt Nam (HOSE: CTS), Tổng CTCP Đầu tư Xây dựng và Thương mại Việt Nam (HNX: CTX), CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản Cửu long An Giang (HOSE: ACL). Trong số các doanh nghiệp này, CTF và CTX có mức tăng trưởng DTT âm, lần lượt hơn 12% và gần 14%. Giá cổ phiếu của các doanh nghiệp này đều tăng trong quý vừa qua, chỉ có CTX là giảm gần 12%.

33 doanh nghiệp có LNST tăng từ 100-1,000% so cùng kỳ

Trong nhóm 2, nhóm các doanh nghiệp có mức tăng trưởng LNST quý 3 từ 100-1,000% so cùng kỳ, có sự góp mặt của nhiều doanh nghiệp bất động sản là: CTCP Đầu tư Nam Long (HOSE: NLG) – tăng 902%, CTCP Đầu tư và Phát triển Đô thị Long Giang (HOSE: LGL) – tăng 690%, CTCP Bất động sản và Xây dựng Trường Thành (HOSE: TEG) – tăng 622%, CTCP Đầu tư LDG (HOSE: LDG) – tăng 419%, CTCP Tập đoàn COTANA (HNX: CSC) – tăng 190%, CTCP Xây lắp Điện I (HOSE: PC1) – tăng 125%, CTCP Phát triển Hạ tầng Kỹ thuật (HOSE: IJC) – tăng 112%.

Các ngân hàng có mức tăng trưởng lãi ròng quý 3 từ 100-1,000% so cùng kỳ gồm: Ngân hàng TMCP Á Châu (HNX: ACB) – tăng 139%, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (HOSE: TPB) – tăng 101%. Chứng khoán có: CTCK Thiên Việt (HOSE: TVS) – tăng 431%.

Các doanh nghiệp còn lại trong nhóm 2 đa số là doanh nghiệp thuộc những nhóm ngành đang nổi như thủy sản và dệt may. Thủy sản có: CTCP Camimex Group (HOSE: CMX) – tăng 739%, CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản Bến Tre (HOSE: ABT) – tăng 303%, CTCP Vĩnh Hoàn (HOSE: VHC) – tăng 261%, CTCP Nam Việt (HOSE: ANV) – tăng 244%, CTCP Thực phẩm Sao Ta (HOSE: FMC) – tăng 193%.

Các doanh nghiệp dệt may có: CTCP Sản xuất Thương mại May Sài Gòn (HOSE: GMC) – tăng 183%, CTCP Sợi Thế Kỷ (HOSE: STK) – tăng 163%, CTCP Sản xuất Kinh doanh và Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (HOSE: GIL) – tăng 154%.

Gần như tất cả doanh nghiệp nói trên đều có doanh thu tăng so cùng kỳ, chỉ có GIL là DTT giảm nhẹ 1.34% so cùng kỳ, nhưng lãi ròng vẫn tăng do thay đổi cơ cấu mặt hàng có lợi nhuận cao hơn.

Trong quý vừa qua, giá cổ phiếu của các doanh nghiệp thủy sản và dệt may nói trên đều tăng mạnh. Trong nhóm thủy sản, CMX tăng gần 158%, ANV tăng gần 54%, VHC tăng gần 36%, FMC tăng hơn 35%, ABT tăng hơn 16%. Trong nhóm dệt may, GMC tăng trên 56%, STK tăng trên 38%, GIL tăng gần 12%. Trong khi đó, giá cổ phiếu của các doanh nghiệp bất động sản, ngân hàng và CTCK lại không tăng nhiều, thậm chí giảm.

 

Nhóm 3, nhóm có mức tăng trưởng LNST quý 3 từ 25-100% so cùng kỳ, có 47 doanh nghiệp, trong đó có những bluechips như: SSI – tăng hơn 74%, VJC – tăng hơn 74%, GAS – tăng hơn 68%, MBB – tăng hơn 47%, PNJ – tăng gần 41%, VCB – tăng gần 37%.

Gia Nghi

FILI

Đọc thêm:

>> Săn tìm những doanh nghiệp có hiệu quả sinh lời ấn tượng