5 vấn đề đáng quan tâm tại cuộc họp OPEC

5 vấn đề đáng quan tâm tại cuộc họp OPEC

Từ những phản ứng dữ dội về vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi cho tới cú đổ đèo không phanh của giá dầu, cuộc họp sắp tới đây của OPEC và một số nhà sản xuất khác có lẽ là sự kiện quan trọng nhất và bất thường nhất của thị trường dầu trong nhiều năm qua.

Vậy nhà đầu tư nên chú ý đến những vấn đề gì tại cuộc họp này? Sau đây, CNBC cũng dẫn ra 5 vấn đề đáng quan tâm:

Có cắt giảm sản lượng, nhưng giảm bao nhiêu?

Chỉ trong vòng vài tháng, tình hình thị trường đã thay đổi quá nhiều và chính sách của OPEC cũng đến lúc phải thay đổi cho phù hợp. Tại cuộc họp tháng 6/2018, các nhà sản xuất đều bạn luận về việc nâng sản lượng để kìm hãm đà tăng của giá dầu và mối đe dọa từ lệnh trừng phạt Iarn. Nhiệm vụ nâng sản lượng đã hoàn thành và thậm chí là còn vượt mức mục tiêu.

Sự kết hợp giữa việc đánh giá thấp về lượng dầu bán ra của Iran cùng với mức sản lượng kỷ lục từ phía Mỹ đã đẩy giá dầu tụt dốc không phanh. Thật vậy, tháng 11 vừa qua được xem là tháng giảm mạnh nhất trong 1 thập kỷ. Giờ thì OPEC phải thay đổi quan điểm và đề nghị cắt giảm sản lượng – một yêu cầu chẳng mấy dễ dàng khi một số thành viên muốn (hoặc cần) nâng sản lượng.

Kết quả có khả năng xảy ra là OPEC đồng ý cắt giảm sản lượng ở mức 1.2-1.4 triệu thùng/ngày. Cũng như những lần trước, phần khó nhằn nhất không phải là tìm ra một con số (cắt giảm sản lượng) mà là làm sao để chia phần cắt giảm cho các thành viên trong nhóm.

Ông Trump thì sao?

OPEC đã lọt vào tầm ngắm của Tổng thống Mỹ Donald Trump dạo gần đây. Sau khi ngó lơ OPEC trong năm 2017, ông Trump đã nhiều lần ca thán về mức giá dầu cao trên Twitter, đồng thời thúc giục OPEC kìm hãm đà tăng của giá dầu. Ông ấy đã có được những gì mình muốn, giá dầu đã lao dốc 30%. Mới đây, ông Trump lại nhắm đến giá dầu trong ngày thứ Tư (05/12).

Tổng thống Mỹ Donald Trump

“Hy vọng là OPEC sẽ giữ sản lượng dầu ở mức hiện tại, không giới hạn lại. Thế giới không muốn thấy hoặc không cần giá dầu cao hơn!”, ông Trump tweet trong ngày thứ Tư.

Thế nhưng, cũng giống như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), OPEC cần phải thể hiện là mình miễn nhiễm trước những áp lực từ phía Nhà Trắng và làm những gì họ cảm thấy là tốt nhất với tình hình hiện tại. Nếu OPEC cắt giảm sản lượng như dự báo, thì họ cũng biết là sẽ phải đối mặt với một vị Tổng thống Mỹ giận dữ. Mọi chuyện còn phức tạp hơn thế vì Ả-rập Xê-út cũng đang giảm thiểu tác động chính trị từ báo cáo gần đây của CIA về vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi.

Nga và Ả-rập Xê-út

Không chỉ đối phó với những phản ứng dữ dội về vụ sát hại nhà báo Khashoggi, Ả-rập Xê-út còn bị các thành viên OPEC khác càu nhàu vì quá thoải mái với một thành viên bên ngoài OPEC – Nga.

Khi sản lượng dầu của Nga tăng dần qua năm tháng, họ đã quyết định hợp tác với Ả-rập Xê-út để điều phối sản lượng dầu. Tại cuộc họp thượng đỉnh G20 tuần trước, cả hai quốc gia đã bàn luận về chính sách sản lượng và sẽ cố gắng chính thức hóa thỏa thuận này trong ngày thứ Sáu (07/12) sau cuộc họp của OPEC.

Với mức sản lượng quanh ngưỡng 11 triệu thùng/ngày, Nga có thể tác động tới những tính toán của OPEC. Nga chỉ cần phải đảm bảo là mối quan hệ với Ả-rập Xê-út không làm cả nhóm chia rẽ.

Qatar rời OPEC vào cuối năm nay?

Nói về chuyện chia rẽ, Qatar vừa mới cho biết họ sẽ rời OPEC vào cuối năm nay.

Đất nước vùng Vịnh này có thể nói là họ muốn tập trung nhiều hơn vào khí thiên nhiên hơn là dầu, nhưng hầu hết đều cho rằng động thái này giống như là “chỉ thẳng mặt” vào Ả-rập Xê-út – vốn đã có mâu thuẫn với Qatar trong nhiều năm. Qatar không phải là một nhà sản xuất dầu lớn, nhưng thông điệp là khá rõ ràng: Chỉ bởi vì chúng tôi đã là thành viên OPEC trong 57 năm, điều này không có nghĩa là chúng tôi không thể rời đi.

Các thành viên khác cũng chú ý và đang dõi theo diễn biến của vụ việc này. OPEC cần phải thể hiện họ vẫn là một tổ chức đoàn kết và vững mạnh khi Qatar rời nhóm. Nếu không, OPEC có thể mất thêm những thành viên khác.

Ẩn số khó lường: Iraq

Iraq là một ẩn số khó lường lớn nhất của OPEC và họ không muốn cắt giảm sản lượng. Và có khả năng là họ không thể cắt giảm sản lượng. Doanh thu từ việc bán dầu chiếm gần như toàn bộ lượng tiền mặt của đất nước bị chiến tranh tàn phá này.

Iraq cần nguồn thu từ dầu, có lẽ là nhiều hơn bất kỳ thành viên nào khác trong OPEC (ngoại trừ Venezuela). Hiện nay, Iraq sản xuất khoảng 4.6 triệu thùng/ngày và là nhà sản xuất dầu lớn thứ hai trong OPEC.

Một thỏa thuận cắt giảm sản lượng mà thiếu đi Iraq nghe có vẻ sai sai. Cùng với đó, cũng xuất hiện một số lời đồn thổi cho rằng Iraq có thể “đi theo Qatar” và trở thành nhà sản xuất kế tiếp rời OPEC vì mục tiêu của nước này không phù hợp với phần còn lại của nhóm.

Vũ Hạo (Theo CNBC)

FiLi