Chuyện gì đang diễn ra tại SBV?

Chuyện gì đang diễn ra tại SBV?

Ngày 15/12 vừa qua, ông Fan Weng Kee đã kết thúc thời gian làm việc tại CTCP SiamBrothers Việt Nam (HOSE: SBV), qua đó chính thức không còn là Tổng Giám đốc của Công ty.

Trong Nghị quyết HĐQT ngày 14/12, HĐQT SBV đã thống nhất không gia hạn hợp đồng lao động đối với ông Fan Weng Kee – chức vụ Tổng Giám đốc. Ông Fan Weng Kee sẽ kết thúc thời gian làm việc tại SBV vào ngày 15/12/2018.

Ngoài ra, vào ngày 11/12, SBV cũng công bố thông tin liên quan đến việc tranh chấp hợp đồng lao động với bà Trần Thị Ngọc Yến (nhân viên Công ty, không thuộc ban lãnh đạo và đối tượng phải công bố thông tin). Công ty đã đền bù 268 triệu đồng cho bà Yến.

Phía SBV cho biết, đây chỉ là sự việc đối với 1 lao động trong số 600 nhân viên đang làm việc trong Công ty và số tiền cũng không lớn nên không có ảnh hưởng gì đến hoạt động của SBV.

Về diễn biến trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu SBV chào sàn HOSE vào ngày 16/05/2017 với mức giá khởi điểm 40,000 đồng/cp và kết phiên giao dịch đầu tiên tưng bừng tại mức giá 48,000 đồng/cp. Tuy vậy, giao dịch tích cực được một thời gian đến đầu tháng 12/2017, cổ phiếu này bắt đầu giai đoạn giảm dần đều. Từ mức giá 36,000 đồng/cp (21/12/2017, sau điều chỉnh) SBV dần tuột xuống chỉ còn xấp xỉ 25,000 đồng/cp trong giai đoạn tháng 10/2018. Sau thông tin kết quả kinh doanh quý 3/2018 được công bố, cổ phiếu này tiếp tục chứng kiến một đợt giảm mạnh và hiện chỉ giao dịch quanh mốc 15,000 đồng/cp.

Diễn biến giá cổ phiếu SBV từ ngày 18/09/2018 đến nay

Tuy vậy, thực tế trong giai đoạn đổ đèo, thanh khoản giao dịch của SBV cực thấp. Cổ phiếu này giảm từ mức giá 24,000 đồng/cp xuống còn 14,800 đồng/cp (giảm 38.3%) sau 11 phiên (31/10-14/11/2018) với tổng khối lượng giao dịch chỉ 109,360 cp (0.4% số lượng cổ phần SBV lưu hành), tương ứng giá trị giao dịch chỉ xấp xỉ 1.75 tỷ đồng. Ấy vậy mà tổng vốn hóa thị trường của SBV đã bị quét bay đến hơn 251 tỷ đồng!?

Về hoạt động kinh doanh, SBV làm ăn tăng trưởng trong một giai đoạn tương đối dài từ 2010 - 2016. Tuy vậy sang 2017 - 2018, kết quả của Công ty có sự chững lại trông thấy, đặc biệt là vào quý 3/2018. Quý 3 vừa qua, SBV chỉ đạt 70.7 tỷ đồng doanh thu thuần và lãi ròng vỏn vẹn 3.2 tỷ đồng, giảm 45.5% và 89.8% so với kết quả cùng kỳ năm 2017. Lũy kế 9 tháng 2018, kết quả kinh doanh của Công ty sụt giảm 15.1% đối với doanh thu và 51.2% về lãi ròng so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu của SBV giai đoạn 2013 - 2018
Đvt: tỷ đồng

Giải trình cho kết quả thấp vào quý 3/2018, ngoài việc thị trường ngư nghiệp năm nay gặp khó khăn, SBV cho biết nguyên nhân là do quý này Công ty chính thức áp dụng hệ thống ERP (Oracle), do đó Công ty chỉ nhận đơn hàng từ đại lý cho đến ngày 25/09/2018, việc nâng cấp hệ thống cũng làm chi phí quản lý doanh nghiệp của SBV tăng cao trong quý 3/2018. Thêm vào đó, doanh thu trung bình ngày vào cuối mỗi quý khoảng 8 - 9 tỷ đồng và chính sách khuyến mãi bán hàng của SBV cũng tập trung vào thời điểm cuối quý. Tuy vậy, Công ty cho biết một số đơn hàng sẽ được chuyển sang tháng 10/2018.

*Sản lượng bán hàng tháng 10 tăng vọt, SBV cung cấp dây nông nghiệp cho HNG, VinEco

Một điểm đáng chú ý là SBV cũng đang tồn kho rất lớn vào thời điểm cuối quý 3/2018, ghi nhận giá trị lên đến 137.9 tỷ đồng, cao hơn đến 74.8% so với cùng kỳ. Trong chu kỳ kinh doanh từng năm của SBV, quý 3 thường là quý ghi nhận lượng hàng tồn kho lớn nhất và quý 4 là quý có doanh thu cao nhất trong năm. Liệu rằng lượng tồn kho kỷ lục của SBV trong quý 3/2018 nói lên điều gì vào thời điểm này? Một quý 4/2018 rực rỡ hay là doanh nghiệp đang gặp vấn đề?

Tài liệu đính kèm:
20181217_20181217 - SBV - Ko gia han hop dong voi TGD Fan Weng Kee.pdf

Vĩnh Thịnh

FILI