DPM bất ngờ điều chỉnh tăng tới 67% kế hoạch lãi ròng 2018

DPM bất ngờ điều chỉnh tăng tới 67% kế hoạch lãi ròng 2018

Tổng CTCP Phân bón và Hóa chất Dầu khí (HOSE: DPM) vừa quyết định điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2018 với tổng doanh thu và lợi nhuận sau thuế hợp nhất tăng lần lượt là 5.5% và 67% so trước đó.

 

Việc điều chỉnh kế hoạch này của DPM đã được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) chấp thuận vào ngày 10/12 vừa qua.

Theo đó, về sản lượng sản xuất, DPM điều chỉnh giảm mạnh sản lượng NPK từ 170,000 tấn xuống còn 50,000 tấn; UPC85 lại giảm nhẹ từ 13,500 tấn xuống 13,000 tấn.

Về sản lượng kinh doanh, Đạm Phú Mỹ giảm nhẹ từ 820,000 tấn xuống 800,000 tấn; trong khi NPK giảm mạnh từ 150,000 tấn xuống 35,000 tấn.

Mặc dù điều chỉnh giảm sản lượng sản xuất và kinh doanh nhưng ngược lại, dối với các chỉ tiêu tài chính lại điều chỉnh tăng khá mạnh, nhất là lợi nhuận sau thuế. Trong đó, tổng doanh thu tăng từ 8,577 tỷ đồng lên 9,050 tỷ đồng, tức tăng 5.5% so trước đó. Lợi nhuận sau thuế tăng từ 371 tỷ đồng lên tới 620 tỷ đồng, tức gần gấp đôi kế hoạch trước đó.

 

Trước đó, DPM công bố kết quả sản xuất kinh doanh 9 tháng đầu năm với doanh thu đạt 7,057 tỷ đồng, thực hiện được 83% kế hoạch năm chưa điều chỉnh. Còn lợi nhuận sau thuế 560 tỷ đồng, vượt 51% so với kế hoạch chưa điều chỉnh. Như vậy, với kế hoạch điều chỉnh mới này, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của DPM đạt lần lượt là 78% và hơn 90%.

Theo DPM, mặc dù giá khí nguyên liệu đầu vào trung bình trong 9 tháng đầu năm 2018 là 6.32 USD/MMBTU, tăng 27.7% so với cùng kỳ và cao hơn 29% so với mức giá kế hoạch, nhưng bù lại giá ure tăng 8.6% so cùng kỳ. Đồng thời, Công ty cũng cắt giảm mạnh các loại chi phí như chi phí bán hàng giảm 27% và chi phí quản lý giảm 18% so với cùng kỳ.

Hiện nay, thị trường phân đạm trong nước có nhu cầu ổn định khoảng 2 triệu tấn, trong khi đó tổng công suất thiết kế của các nhà sản xuất trong nước đạt hơn 2.6 triệu tấn, thị trường có sự cạnh tranh rất cao. Mặc dù vậy, với bề dày thương hiệu và chất lượng nên sản phẩm ure Phú Mỹ vẫn luôn được tiêu thụ hết sản lượng sản xuất hằng năm với mức giá bán được định vị tốt trên thị trường. Hiệu quả kinh doanh phân bón của DPM cũng được nâng lên nhờ bộ sản phẩm phân bón Phú Mỹ như NPK Phú Mỹ, Kali Phú Mỹ, DAP Phú Mỹ… cùng chính sách phân phối hợp lý, chủ động điều tiết hàng hóa, khai thác các thị trường mới.

Trên thị trường, cổ phiếu DPM ghi nhận mức tăng gần 22% trong 1 quý vừa qua, hiện đang lên mức hơn 21,000 đồng/cp. Khối lượng giao dịch bình quân hơn 570,000 đơn vị/phiên.

Biến động cổ phiếu DPM trong vòng 12 tháng qua

Thái Hương

Fili