Fed đã nói gì mà thị trường chứng khoán hoảng loạn đến thế?

Fed đã nói gì mà thị trường chứng khoán hoảng loạn đến thế?

Chứng khoán Mỹ xóa sạch đà tăng trước đó và quay đầu giảm mạnh xuống mức đáy mới trong năm 2018. Cùng lúc đó, nhà đầu tư đổ xô chuyển sang trái phiếu sau khi Fed có vẻ không đủ “bồ câu” như dự báo của thị trường.

Đúng như dự báo trước đó, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) đã quyết định nâng phạm vi lãi suất chuẩn lên 2.25-2.5%. Động thái này đánh dấu lần nâng lãi suất thứ 4 trong năm nay và là đợt nâng thứ 9 kể từ khi cơ quan này bắt đầu quá trình bình thường hóa chính sách tiền tệ trong tháng 12/2015.

Thế nhưng, Fed cũng giữ lại phần lớn từ ngữ trong tuyên bố trước đó – một điều mà thị trường cho là vẫn còn “diều hâu” hơn dự báo về phương diện nâng lãi suất trong tương lai.

Xem xét kỹ hơn nữa, những gì khiến thị trường hoảng sợ thực sự là việc Chủ tịch Fed, Jerome Powell, cho biết Fed cảm thấy hài lòng với chương trình cắt giảm số dư trên bảng cân đối kế toán và họ không có ý định thay đổi chương trình. Các trader xem đây là một biện pháp thắt chặt chính sách khác, vì Fed giảm bớt số dư trên bảng cân đối kế toán bằng cách mua trái phiếu ít hơn khi các trái phiếu Chính phủ Mỹ và chứng khoán đảm bảo bằng khoản thế chấp của họ đến hạn.

“Tôi nghĩ phản ứng từ thị trường là do họ nghĩ Fed sẽ làm quá lên”, James Paulsen, Trưởng bộ phận chiến lược thị trường tại Leuthold Group, nhận định. “Còn cách nào khác để xem xét việc này ngoài chuyện nó có vẻ như báo hiệu một đợt giảm tốc thực sự mạnh sắp tới, thậm chí là có thể một điều gì đó còn tồi tệ hơn”.

“Ông Powell cho biết ông không thấy vấn đề gì với quá trình giảm bớt số dư trên bảng cân đối kế toán. Đây là điều gây tổn thương cho thị trường”, ông Paulsen nhận định.

Trước đó, các chiến lược gia cảnh báo thị trường đang mong chờ một Fed mang quan điểm rất “bồ câu” và các trader chứng khoán hy vọng thị trường sẽ hồi phục mạnh sau động thái của Fed. Vậy mà cơ quan này giữ lại nhận định rằng:“Ủy ban đánh giá rằng việc nâng lãi suất chuẩn dần dần thêm một vài lần sẽ phù hợp với đà tăng trưởng kinh tế bền vững, các điều kiện thị trường lao động mạnh và lạm phát gần mức mục tiêu cân xứng 2% của Ủy ban trong trung hạn”.

Thay đổi duy nhất so với tuyên bố sau cuộc họp tháng 11/2018 là việc thêm vào chữ “some” (một vài lần) để mô tả lộ trình hành động về lãi suất trong tương lai và cho biết họ hiện “đánh giá” (judges) việc nâng thêm lãi suất là phù hợp, trong khi hồi tháng 11/2018 họ nói là “kỳ vọng” (expects). Trước đó, các nhà quan sát Fed đã mong chờ ngôn ngữ trên bị loại bỏ và thay vào đó là những dấu hiệu ám chỉ Fed sẽ phụ thuộc vào dữ liệu kinh tế nhiều hơn khi đưa ra quyết định chính sách.

“Có quá nhiều sắc thái trong tuyên bố lần này. Tôi nghĩ điều khá rõ ràng từ tuyên bố là ông Powell không sẵn lòng chuyển sang quan điểm quá ‘bồ câu’”, Brian Dangerfield, Chiến lược gia vĩ mô tại NatWest Markets, cho hay. “Fed sẽ phụ thuộc vào dữ liệu kinh tế, nhưng dữ liệu mà họ đang xem xét không hề giảm tốc quá mạnh”.

Trước đó, Fed được mong chờ sẽ nâng lãi suất thêm 0.25% và báo hiệu nâng lãi suất ít hơn trong tương lai. Họ cũng được dự báo sẽ giảm dự báo tăng trưởng và thay đổi ngôn ngữ trong tuyên bố sau buổi họp để cho thấy họ sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào dữ liệu kinh tế sắp tới. Thật vậy, họ có giảm dự báo tăng trưởng năm 2019, từ 2.5% xuống 2.3%.

Chứng khoán Mỹ bị bán tháo ngay sau tuyên bố của Fed, nhưng sau đó đã phục hồi và rồi lại giảm trở lại. Dow Jones và S&P 500 rơi xuống đáy năm 2018 và lợi suất trái phiếu suy giảm. Dow Jones lùi 1.5% xuống 23,323 điểm và S&P 500 lao dốc 1.5% xuống 2,506 điểm.

Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm ở mức 2.75%, thấp nhất kể từ tháng 4/2018.

“Điều này chỉ cho thấy, Fed sẽ nâng lãi suất, đồng thời thu hẹp số dư trên bảng cân đối kế toán, đây là thắt chặt kép trong năm 2019. Tôi nghĩ nó chỉ cho thấy thị trường không nhận được những gì họ mong đợi: Một quan điểm ‘bồ câu’”, Peter Boockvar, Trưởng Bộ phận chiến lược đầu tư tại Bleakley Advisory Group, cho hay.

Ông Paulsen cho biết diễn biến trên thị trường tín dụng cũng thể hiện phần nào sự sợ hãi của nhà đầu tư, trong đó những diễn biến lớn ở lợi suất trái phiếu và chênh lệch lãi suất doanh nghiệp khác.

“Nếu bạn kết hợp giữa thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu, và rồi xem xét sự chênh lệch… bạn buộc phải nói là phần lớn diễn biến đều cho thấy Fed đang phạm sai lầm chính sách ở đây”, Paulsen cho hay.

Tuy nhiên, Jim Caron, Chuyên gia quản lý danh mục có thu nhập cố định tại Morgan Stanley Investment Management, cho hay, thị trường có thể hiểu sai ông Powell.

“Tôi không nghĩ họ nhận thấy quan điểm ‘bồ câu’ từ cuộc họp lần này. Thị trường trái phiếu đã thể hiện như thế”, ông cho hay. “Họ rất thất vọng vì kết quả cuộc họp của Fed, họ chỉ là không đủ ‘bồ câu’ như thị trường đã mong chờ. Đây là cách mà mọi thứ diễn ra. Liệu đây có phải là phản ứng đúng đắn? Không. Tôi nghĩ thị trường cổ phiếu đang nói là Fed không hạ dự báo lãi suất theo cách mà họ nghĩ là Fed nên làm. Đây là một sự thất vọng. Tôi xem những gì ông Powell nói là rất ‘bồ câu’”.

Đúng như dự báo, ông Powell có nhấn mạnh Fed sẽ không theo lộ trình nâng lãi suất hàng quý dễ đoán nữa. “Từ nay trở đi, chúng tôi sẽ để dữ liệu nói với chúng tôi”, ông Powell cho biết, đồng thời nói thêm điều này sẽ làm cho lộ trình thắt chặt chính sách trở nên không có gì chắc chắn.

Thị trường chứng khoán Mỹ rút khỏi mức đáy trong phiên, khi ông Powell cho biết Fed đang ở mức dưới của phạm vi ước tính về lãi suất trung lập – tức là mức lãi suất không thúc đẩy cũng như không kìm hãm nền kinh tế.

Ngoài ra, ông Powell cũng đồng tình là các điều kiện tài chính đã yếu hơn và chúng có ảnh hưởng tới quyết định thay đổi dự báo và kỳ vọng lãi suất.

Ông Caron cho rằng, việc Fed thay đổi lãi suất dài hạn trung bình từ 3% xuống 2.8% là rất “bồ câu”, cho thấy họ nhìn nhận lãi suất đã gần mức trung lập.

Vũ Hạo (Theo CNBC)

FiLi