Quá ám ảnh về nguồn cung, dầu WTI sụt hơn 7% và rớt mốc 47 USD/thùng

Quá ám ảnh về nguồn cung, dầu WTI sụt hơn 7% và rớt mốc 47 USD/thùng

Các hợp đồng dầu thô tương lai giảm mạnh vào ngày thứ Ba (18/12), trong đó dầu WTI sụt hơn 7% xuống mức đóng cửa thấp nhất trong gần 16 tháng, khi những lo ngại về khả năng dư cung trên toàn cầu làm rung chuyển thị trường, MarketWatch đưa tin.

David Madden, Chuyên gia phân tích thị trường tại CMC Markets UK, cho biết: “Đà suy giảm của dầu nới rộng vào cuối phiên buổi sáng sau khi có báo cáo rằng Nga đang gia tăng sản lượng lên 11.42 triệu thùng/ngày trong tháng này. Đây sẽ là một kỷ lục, nếu điều này trở thành sự thật”.

“Các nhà sản xuất dầu chủ chốt có thể thảo luận về việc phối hợp cắt giảm sản lượng mà họ muốn, nhưng cuối cùng họ thường theo đuổi lợi ích của riêng mình”, ông Madden chia sẻ. Trước đó, các thành viên Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và một số nhà sản xuất đồng minh đã đồng ý vào đầu tháng này sẽ cắt giảm sản lượng 1.2 triệu thùng/ngày, nhưng sự thay đổi sẽ không có hiệu lực cho tới tháng 1/2019.

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Ba, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 1 trên sàn Nymex sụt 3.64 USD (tương đương 7.3%) xuống 46.24 USD/thùng, mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 30/08/2017, dữ liệu từ Dow Jones Market cho thấy. Hợp đồng này sẽ hết hạn vào ngày thứ Tư.

Hợp đồng dầu Brent giao tháng 2 trên sàn Luân Đôn mất 3.35 USD (tương đương 5.6%) còn 56.26 USD/thùng – mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 12/10/2017.

Bắt đầu đà sụt giảm ngày thứ Hai (17/12), dữ liệu từ công ty Genscape cho biết nguồn cung dầu tại trung tâm dự trữ dầu thô Cushing (Oklahoma) tăng 630,000 thùng trong tuần trước, cao hơn dự báo từ các nhà phân tích. Và trong báo cáo định kỳ hàng tháng vào ngày thứ Hai (17/12), Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) dự báo sản lượng dầu đá phiến tại Mỹ sẽ tăng 134,000 thùng/ngày lên 8.166 triệu thùng/ngày trong tháng 1/2019.

“Nỗi lo về nguồn cung bao trùm là khả năng đà giảm tốc kinh tế tại Trung Quốc kéo dài tiếp tục làm dấy lên e ngại về nhu cầu suy giảm”, Stephen Innes, Giám đốc giao dịch khu vực châu Á Thái Bình Dương tại Oanda nhận định.

Dầu đã chịu sức ép trong bối cảnh nhà đầu tư lo ngại về các tài sản rủi ro, bao gồm chứng khoán và hàng hóa. Tất cả 3 chỉ số chứng khoán chính của Mỹ đều rơi vào giai đoạn điều chỉnh, và đà lao dốc trong ngày thứ Hai – với Dow Jones “bốc hơi” hơn 500 điểm – kéo dài khởi đầu tồi tệ nhất của tháng 12 kể từ năm 1980.

Cũng trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, hợp đồng xăng giao tháng 1 giảm 4.3% xuống 1.351 USD/gallon. Hợp đồng dầu sưởi giao tháng 1 sụt 4% xuống 1.754 USD/gallon.

Trong khi đó, hợp đồng khí thiên nhiên giao tháng 1 vọt 8.8% lên 3.838 USD/MMBtu.

An Trần

FilI