Sau khi một cá nhân thao túng cổ phiếu là sự lột xác hoàn toàn của MPT

Sau khi một cá nhân thao túng cổ phiếu là sự lột xác hoàn toàn của MPT

Ngày 18/12/2018, UBCKNN đã có quyết định xử phạt một cá nhân đã có hành vi thao túng cổ phiếu MPT nhưng lại không nêu rõ thời gian vi phạm là khi nào. Trong khi đó, gần đây tại MPT đã có sự lột xác hoàn toàn từ cổ đông lớn, người cầm trịch và cả hoạt động kinh doanh. Liệu có sự liên quan nào trong cuộc thao túng cổ phiếu và sự biến động tại MPT hay không?

Bị phạt 550 triệu đồng vì dùng 24 tài khoản thao túng cổ phiếu MPT

Căn cứ kết quả kiểm tra của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), ông Nguyễn Quang Dũng (địa chỉ: La Phù, Hoài Đức, Hà Nội) đã thực hiện hành vi thao túng cổ phiếu của CTCP May Phú Thành (HNX: MPT).

Cụ thể, ông Nguyễn Quang Dũng đã sử dụng 24 tài khoản để liên tục mua, bán, tạo cung cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu MPT.

Theo đó, ngày 18/12/2018, UBCKNN ban hành quyết định số1140/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Quang Dũng số tiền 550 triệu đồng.

Căn cứ kết quả xác minh của Cơ quan công an, hậu quả do hành vi thao túng cổ phiếu MPT của ông Nguyễn Quang Dũng gây chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Đồng thời, theo kết quả kiểm tra và các tài liệu có trong hồ sơ, xem xét tính toán số lợi bất hợp pháp từ việc thực hiện hành vi vi phạm cho thấy không có số lợi bất hợp pháp từ hành vi vi phạm của ông Nguyễn Quang Dũng.

Tuy nhiên, thông báo của UBCKNN không nêu rõ thời gian thao túng cổ phiếu của nhà đầu tư này.

Đáng nói, trước đây cái tên Nguyễn Quang Dũng đã từng xuất hiện trong một thương vụ liên quan đến MPT, tuy nhiên liệu hai cái tên này có là một hay không? Cụ thể, ngày 13/09/2017, MPT có chuyển nhượng 40% vốn (tương đương 32 tỷ đồng) tại Công ty TNHH Dệt kim Phú Mỹ Hưng cho ông Nguyễn Quang Dũng, theo đó Công ty có ghi nhận gần 715 triệu đồng doanh thu khác từ thương vụ này. Kết quả là lợi nhuận sau thuế quý 3/2017 của MPT đạt 2.2 tỷ, đột biến hơn 204% so với cùng kỳ năm trước.

Biến động cổ phiếu MPT từ khi lên sàn đến nay

Cuộc thâu tóm chóng vánh

CTCP May Phú Thành được thành lập ngày 15/01/2008 với vốn điều lệ ban đầu là 1.5 tỷ đồng, hoạt động sản xuất kinh doanh chính là may trang phục, sản xuất sợi, sản xuất vải dệt thoi, hoàn thiện sản phẩm dệt, sản xuất hàng dệt kim, may mặc xuất khẩu.

Tháng 7/2015, May Phú Thành chính thức hoạt động dưới hình thức công ty đại chúng. Ngày 15/01/2016, cổ phiếu của Công ty đã được giao dịch trên Sở GDCK Hà Nội.

Sau 10 năm hoạt động, MPT có vốn điều lệ hơn 155 tỷ đồng, do ông Nguyễn Viết Tùng làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc.

May Phú Thành - thương hiệu may mặc một thời nay đã biến mất.
Một số chỉ tiêu tài chính trong các năm qua của MPT

Tuy nhiên, vừa qua, ông Tùng đã liên tục đăng ký bán toàn bộ hơn 4.8 triệu cp đang nắm giữ trong thời gian từ 21/12/2018 đến 18/01/2019. Ủy viên HĐQT Tạ Thị Nga cũng đã thoái hết hơn 4.68% vốn tại MPT trong tháng 11.

Ngược lại, cũng trong tháng 11 vừa qua, ông Lê Khánh Trình - Phó Tổng giám đốc đã mua 500,000 cp, tăng sở hữu lên hơn 1.5 triệu cp, tương ứng hơn 10% vốn. Bên cạnh đó, CTCP Trường Tiền Holdings, nơi ông Trình làm Chủ tịch, đã mua thành công 860,000 cp MPT, tăng sở hữu lên 1.56 triệu cp, tương ứng hơn 10% vốn. Như vậy, ông Trình và công ty liên quan đang sở hữu hơn 20% vốn MPT.

Ngay sau khi có sự biến động lớn trong cơ cấu cổ đông, ngày 18/11, MPT đã tổ chức ĐHĐCĐ bất thường và bầu ông Lê Khánh Trình làm Chủ tịch thay ông Nguyễn Viết Tùng và ông Cao Hoài Thanh giữ chức Phó Chủ tịch. Đặc biệt, May Phú Thành sẽ được đổi tên thành CTCP Tập đoàn Trường Tiền.

Tân Chủ tịch MPT Lê Khánh Trình, đồng thời là Chủ tịch Trường Tiền Holdings.

Đổi tên và ồ ạt huy động vốn

Với bộ mặt mới này, MPT sẽ bổ sung thêm ngành nghề kinh doanh liên quan đến vật liệu xây dựng (khai thác quặng sắt, đá, sỏi, đất sét, cát...), vận tải.... Công ty cũng sẽ tái cấu trúc các khoản đầu tư bằng việc xem xét tỷ lệ góp vốn vào công ty con, liên kết và các khoản mục đầu tư hiện hữu; tái cấu trúc các khoản nợ; tìm kiếm mua bán, sáp nhập, đầu tư tài chính ngắn và dài hạn... Cụ thể, MPT dự kiến sẽ mua 99% vốn CTCP Đầu tư Phát triển Hướng Dương (vốn 100 tỷ đồng) với tổng giá trị đầu tư 125 tỷ đồng; chi 75 tỷ đồng mua 99% vốn CTCP Thương mại Đồng Mô (vốn 170 tỷ đồng).

Với mục tiêu M&A trên, MPT sẽ phát hành riêng lẻ 20 triệu cp cho nhà đầu tư chiến lược với giá 10,000 đồng/cp nhằm tăng vốn từ 155.5 tỷ đồng lên 355.5 tỷ đồng. Số tiền thu được từ đợt phát hành sẽ dùng để M&A Hướng Dương và Đồng Mô.

Chưa dừng lại ở đó, MPT còn phát hành tối đa 500 tỷ đồng trái phiếu thường không có quyền chuyển đổi với giá phát hành bằng mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu. Vốn thu được từ phát hành trái phiếu dùng để thực hiện dự án khu nghỉ dưỡng Spa Cây Bồ Đề, Thạch Lâm Viên, Thủy Lâm Viên và triển khai dự án khai thác chế biến quặng chì, kẽm tại Hà Giang.

Được biết, Trường Tiền Holdings hoạt động trong 3 lĩnh vực chính đó là xăng dầu; đầu tư sản xuất, đặc biệt là sản xuất hàng tiêu dùng; đầu tư bất động sản, tập trung vào lĩnh vực M&A và phát hành trái phiếu nội bộ. Trường Tiền chính là chủ đầu tư của nhiều dự án như Sky Garden Định Công, Khu nghỉ dưỡng spa cây Bồ Đề và dự án Hồ Khuôn Thần Eco Lake tại Bắc Giang với tổng mức đầu tư 4,500 tỷ đồng.

Ngoài ra, Trường Tiền Holdings cũng chính là đối tác chiến lược và là cổ đông lớn của CTCP Quản lý quỹ Bông Sen (Lotus Capital). Ông Cao Hoài Thanh chính là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Lotus Capital. Lotus Capital được thành lập từ năm 2009, hiện đang quản lý quỹ Lotus Mekong River Equity Fund và đang hoàn thiện hồ sơ thành lập 2 quỹ mới, trong đó có 1 quỹ chuyên biệt về đầu tư trái phiếu là Lotus Bond Fund.

Thái Hương

Fili