Chứng khoán châu Á vẫn tăng dù bất ổn bao trùm

Chứng khoán châu Á vẫn tăng dù bất ổn bao trùm

Chứng khoán châu Á phần lớn vẫn khởi sắc trong ngày thứ Năm (24/01) giữa lúc xuất hiện bất ổn xoay quanh triển vọng kinh tế toàn cầu và cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.

Khép lại phiên giao dịch ngày thứ Năm (24/01), thị trường chứng khoán Trung Quốc – vốn được đông đảo nhà đầu tư theo dõi vì cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung – phục hồi từ đà giảm trước đó. Cụ thể, chỉ số Shanghai Composite tăng 0.4% lên 2,591.69 điểm và Shenzhen Component tiến 0.661% lên 7,573.52 điểm. Shenzhen Composite cộng 0.457% lên 1,322.30 điểm.

Bên cạnh đó, chỉ số Hang Seng của Hồng Kông cũng tăng 0.42% lên 27,120.98 điểm.

Tuy nhiên, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản lại giảm nhẹ 0.09% xuống 20,574.63 điểm. Chỉ số Topix phục hồi từ đà giảm trước đó và khép phiên với mức tăng 0.36% lên 1,552.60 điểm.

Trên thị trường Hàn Quốc, chỉ số Kospi tiến 0.81% lên 2,145.03 điểm khi cổ phiếu của nhà sản xuất chip SK Hynix vọt 5.54% bất chấp việc công bố báo cáo lợi nhuận thấp hơn kỳ vọng. Công ty cho rằng sự suy giảm lợi nhuận xuất phát từ giá chip điện tử thấp hơn.

Tâm lý của nhà đầu tư nhìn chung vẫn khó mong manh, khi nhà đầu tư vẫn lo về tình hình đàm phán thương mại Mỹ-Trung sau khi xuất hiện thông tin Mỹ đã hủy bỏ cuộc đàm phán thương mại với các quan chức Trung Quốc. Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng, Larry Kudlow, phủ nhận thông tin hủy bỏ cuộc đàm phán chính thức, cho biết chẳng có cuộc họp nào khác được lên kế hoạch ngoài cuộc họp với Phó Thủ tướng Trung Quốc, Lưu Hạc, vào tuần tới.

Diễn biến trên thị trường chứng khoán châu Á vào lúc khép phiên ngày 24/01
Nguồn: CNBC

Dữ liệu việc làm Australia vượt dự báo

Chỉ số ASX 200 của Australia tăng 0.38% lên 5,865.70 điểm, trong đó lĩnh vực năng lượng tăng hơn 2%.

Australia vừa công bố dữ liệu việc làm lạc quan hơn dự báo: Nền kinh tế tạo thêm 21,600 việc làm mới trong tháng 12/2018, vượt qua dự báo của các chuyên viên phân tích là 16,500 việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức 5%, trong khi các chuyên viên phân tích kỳ vọng ở mức 5.1%.

“Thông điệp chính ở đây là thị trường lao động Australia vẫn khá mạnh”, Paul Bloxham, Chuyên gia kinh tế trưởng ở Australia, New Zealand của HSBC, nói với CNBC sau khi dữ liệu việc làm được công bố.

“Nếu bạn ở Australia thì chẳng có thời điểm nào để kiếm việc tốt hơn bây giờ”, Bloxham cho biết.

Phố Wall vẫn tăng

Dow Jones quay đầu tăng mạnh vào ngày thứ Tư, sau khi các công ty như IBM, United Technologies và Procter & Gamble công bố báo cáo lợi nhuận mạnh mẽ, CNBC đưa tin.

Cụ thể, chỉ số Dow Jones vọt 171.14 điểm lên 24,575.62 điểm. Đà tăng mạnh rất khó tìm thấy ngoài các công ty báo cáo lợi nhuận, vì thế thị trường chung hầu như không có nhiều thay đổi. Chỉ số S&P 500 tiến 0.2% lên 2,638.70 điểm, dẫn đầu bởi đà tăng 1.2% của lĩnh vực hàng tiêu dùng thiết yếu. Chỉ số Nasdaq Composite nhích 0.1% lên 7,025.77 điểm.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu hồi đầu tuần này, cụ thể, dự báo tăng trưởng toàn cầu đạt 3.5% trong năm 2019 và 3.6% trong năm 2020. Quỹ này cũng đã hạ dự báo tăng trưởng hồi tháng 10/2018, do căng thẳng thương mại, tuy nhiên, các vấn đề đáng lo ngại vẫn còn đó khi IMF tập trung chú ý đến các vấn đề không chắc chắn khác, như Brexit. Dữ liệu kinh tế ảm đạm từ Trung Quốc cũng không thể làm dịu bớt lo ngại.

Thị trường tiền tệ

Chỉ số đồng USD – đo lường diễn biến của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác – dao động ở mức 96.164 sau khi rơi xuống mức 96.044.

Đồng JPY – được đông đảo nhà đầu tư xem là đồng tiền trú ẩn an toàn – được giao dịch ở mức 109.65 đổi 1 USD sau khi dao động ở mức 109.9 đổi 1 USD hôm qua.

Đồng AUD được giao dịch ở mức 0.7098 USD sau khi chạm mức cao nhất trước đó là 0.7166 USD.

Vũ Hạo (Theo CNBC)

FiLi