Đâu là nỗi lo lớn nhất đối với thị trường dầu?

Đâu là nỗi lo lớn nhất đối với thị trường dầu?

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và sự bùng nổ của hoạt động sản xuất dầu đá phiến ở Mỹ nằm trong số những nỗi lo lớn nhất đối với Bộ trưởng Dầu mỏ của UAE, Suhail Al Mazrouei. Sau một năm giá dầu biến động dữ dội, các quốc gia xuất khẩu dầu khí đang chuẩn bị tâm lý cho khả năng biến động mạnh hơn trong thời gian tới.

Về phần các yếu tố tiêu cực về địa chính trị trong năm 2019, “vấn đề đáng chú ý là cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung”, Suhail Al Mazrouei nói với CNBC trong ngày thứ Tư (09/01).

“Tôi nghĩ đây là một vấn đề không chỉ tác động tới chúng tôi mà còn tác động tới kinh tế của cả thế giới. Và tôi thường lạc quan cho rằng những gì chúng ta thấy không phải là một cuộc chiến. Đây chỉ là chiến thuật thương lượng, họ rồi cũng sẽ tiến tới một giải pháp bằng bất cứ giá nào, năm nay hoặc năm tới”.

Trong khi lạc quan một cách thận trọng về kết quả của các cuộc đàm phán thương mại hiện nay giữa Mỹ và Trung Quốc, thì ông Mazrouei cũng nhấn mạnh tới tác động của sự bùng nổ dầu đá phiến ở Mỹ tới thị trường dầu – một điều đang gia tăng áp lực lên các thành viên của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC). “Nhưng tôi nghĩ chúng ta cần phải quan sát sản lượng dầu từ hoạt động sản xuất dầu đá phiến ở Mỹ”.

Khi được hỏi về những lời chỉ trích OPEC từ phía Nhà Trắng, ông Mazrouei cho rằng OPEC có lắng nghe những gì Mỹ nói về giá dầu và sản lượng dầu, nhưng “luôn luôn làm điều đúng đắn”.

“Tôi nghĩ việc chúng tôi làm là lắng nghe họ (Mỹ). Họ là khách hàng chính của chúng tôi chứ không phải là các quốc gia sản xuất dầu lớn. Chúng tôi nghe những gì họ nói nhưng sẽ luôn luôn làm điều đúng đắn theo quan điểm của chúng tôi – đó là cố gắng duy trì sự cân bằng về cung và cầu”, ông cho hay.

Các nhận định của ông Al Mazrouei được đưa ra sau một năm 2018 đầy biến động trên thị trường dầu khi OPEC và các đồng minh, bao gồm Nga, lưỡng lự giữa việc cắt giảm và tăng sản lượng dầu với mục tiêu ổn định giá dầu.

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Ba, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 2 trên sàn Nymex tiến 1.26 USD (tương đương 2.6%) lên 49.78 USD/thùng, mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 17/12/2018, dữ liệu từ Dow Jones Market cho thấy. Hợp đồng này cũng ghi nhận chuỗi tăng giá dài nhất kể từ chuỗi 8 phiên tăng liên tiếp kết thúc ngày 03/07/2017.

Hợp đồng dầu Brent giao tháng 3 trên sàn Luân Đôn cộng 1.39 USD (tương đương 2.4%) lên 58.72 USD/thùng, cũng đánh dấu chuỗi leo dốc dài nhất trong 18 tháng.

Vũ Hạo (Theo CNBC)

FiLi