Doanh nghiệp cao su năm 2018: Ngụp lặn cùng giá “vàng trắng”

Doanh nghiệp cao su năm 2018: Ngụp lặn cùng giá “vàng trắng”

Trong năm 2018, giá cao su liên tục dò đáy làm khổ doanh nghiệp khai thác mủ cao su. Về phía nhóm doanh nghiệp niêm yết săm lốp, vốn sử dụng cao su làm nguyên liệu chính, cũng chẳng thể “cất tiếng reo hò” khi lợi nhuận bị bào mòn bởi tình hình cạnh tranh gay gắt.

Tính đến ngày 20/01/2019, phần lớn các doanh nghiệp cao su thiên nhiên có cổ phiếu niêm yết (HOSE và HNX) hoặc giao dịch tại UPCoM đều đã công bố kết quả kinh doanh của quý 4/2018; riêng PHRDPR mới chỉ công bố các số liệu của công ty mẹ.

Quý 4/2018, cùng với HRC, các doanh nghiệp lớn trong ngành như PHR, DPR, TRC đều có lãi trước thuế tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước, nổi bật nhất là DPR. Xét trên khía cạnh doanh thu quý 4/2018, PHR là cái tên đáng chú ý hơn cả.

Tuy vậy, phần lớn lợi nhuận của TRC, BRR và HRC lại không bắt nguồn từ hoạt động kinh doanh cốt lõi mà đến từ việc thanh lý tài sản cố định, cây cao su. Trong năm 2018, thu nhập từ nguồn này của TRC, BRR, HRC ghi nhận lần lượt là 104 tỷ, 44 tỷ và 7 tỷ đồng, tương ứng chiếm 72%, 45% và 78% lợi nhuận trước thuế của mỗi doanh nghiệp.

Chiều ngược lại, TNC, BRR, DRI là 3 doanh nghiệp có lãi trước thuế quý 4/2018 sụt giảm so với cùng kỳ 2017.

Tổng kết năm 2018, PHR là doanh nghiệp duy nhất trong ngành đạt tỷ lệ tăng trưởng doanh thu đáng kể.

Về khía cạnh lợi nhuận, giữa bối cảnh giá cao su liên tục “đổ đèo” trong năm 2018, PHR cùng DPR nổi bật khi đạt tỷ lệ tăng trưởng lãi trước thuế lần lượt 49% và 27% so với năm trước. Chiều ngược lại, DRI “đội sổ” khi lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp này sụt giảm đến 58% so với năm 2017.

Về kết quả thực hiện kế hoạch năm 2018, ngành cao su thiên nhiên gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp theo đó cũng chia nửa buồn vui trong việc thực hiện thực hiện chỉ tiêu doanh thu.

Nguồn: VietstockFinnace

Tuy vậy, đa phần doanh nghiệp cao su thiên nhiên đều thực hiện tốt kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2018. Duy nhất có DRI làm phiền lòng cổ đông khi chỉ thực hiện được 83% kế hoạch doanh thu thuần và 58% chỉ tiêu lãi trước thuế đề ra trong năm qua.

Riêng DPR vẫn chưa công bố kết quả kinh doanh hợp nhất. Tuy vậy, theo ước tính gần nhất từ phía DPR, Công ty sẽ lãi trước thuế hợp nhất 275 tỷ đồng trong năm 2018, vượt 12% kế hoạch.

Doanh nghiệp săm lốp khó chồng khó

Xét riêng BRC, với sản phẩm chính là băng tải cao su và dây courroie, doanh nghiệp này tiếp tục kinh doanh ổn định trong năm 2018. Qua đó, Công ty lãi trước thuế 21 tỷ đồng, tăng 10% so với năm trước, hoàn thành chỉ tiêu đề ra (20.7 tỷ đồng) trong năm 2018.

Năm 2018, doanh nghiệp săm lốp nội địa tồn tại khó khăn trước các hãng săm lốp FDI, đồng thời, sản phẩm giá rẻ từ Trung Quốc cũng ồ ạt tràn vào thị trường Việt Nam. Theo đó, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết săm lốp “ngã sóng soài”.

Đối diện tình hình cạnh tranh gay gắt của ngành, kết quả kinh doanh của những “ông vua lốp” CSMDRC sụt giảm trong năm 2018. Đáng nói nhất hiển nhiên là CSM, dù doanh thu thuần vẫn tăng trưởng 11%, lãi trước thuế trong năm 2018 của doanh nghiệp này giảm đến 76% so với kết quả đạt được năm 2017 (quý 4/2018 lãi trước thuế chưa đến 2 tỷ đồng).

Và đương nhiên, cả 2 “vua lốp” kể trên đều lỡ hẹn kế hoạch lợi nhuận với cổ đông trong năm 2018.

Giá cao su dậy sóng đầu năm 2019

Khởi đầu năm 2018 với mức giá 204.8 JPY/kg (theo BloombergMarkets), giá cao su liên tục chìm sâu trong năm qua và chạm đến mức thấp nhất là 152.9 JPY/kg vào ngày 21/11/2018. Kể từ đó, giá của thứ hàng hóa từng được xem như “vàng trắng” này bắt đầu bật tăng mạnh.

Tính đến ngày 18/01/2019, giá cao su đã tăng đến gần 22% từ đáy, đồng thời chạm mốc cao nhất trong vòng 7 tháng trở lại đây, tức 186.2 JPY/kg.

Diễn biến giá cao su trong vòng 6 tháng gần nhất tính đến 18/01/2019
Nguồn: Bloomberg

Liệu rằng một sự khởi đầu thuận lợi của giá cao su đầu năm có là tiền đề để doanh nghiệp cao su thiên nhiên "trở mình" trong năm 2019?

Vĩnh Thịnh

FILI