Doanh nghiệp thủy sản năm 2019 - ngọt hay đắng?

Doanh nghiệp thủy sản năm 2019 - ngọt hay đắng?

Đã có những hé lộ đầu tiên cho kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2019 của các doanh nghiệp ngành thủy sản với gam màu sáng là chủ đạo, dù bên cạnh đó cũng có không ít những thách thức.

Cá tra - thị trường và chính sách đều “mở”

Theo nhận định của Chứng khoán Rồng Việt (VDS), nhu cầu tiêu thụ cá tra sẽ ngày càng tăng bởi dân số thế giới sẽ vượt 8.5 tỷ người vào năm 2030. Trong khi đó, ngành đánh bắt cá từ tự nhiên sẽ không tăng trưởng để đảm bảo đa dạng sinh học, ngược lại, tỷ lệ cá nuôi sẽ tăng từ 47% trong năm 2016 lên 54% vào năm 2030. Hiện, Việt Nam là nước xuất khẩu cá tra lớn nhất thế giới với thị phần chiếm 93%.

Mỹ vẫn luôn là thị trường mà các doanh nghiệp ngành cá tra hướng đến do mức giá cao hơn các thị trường khác và trong năm 2019, dự báo xuất khẩu sang thị trường này sẽ tăng mạnh do rào cản lớn nhất đã được thông qua với mức thuế chống bán phá giá POR 14 giảm mạnh từ 3.78 USD/kg xuống mức 0 - 1.37 USD/kg.

Thêm vấn đề nữa là chiến tranh thương mại sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt giành thị phần của Trung Quốc tại thị trường Mỹ; cũng như mở rộng thị trường Trung Quốc trong bối cảnh nguồn cầu tăng rất mạnh.

Hơn nữa, thị trường EU cũng rất tiềm năng khi Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có thể được phê duyệt trong năm 2019 với khoảng 90% dòng thuế đánh vào các mặt hàng thủy sản xuất khẩu sẽ giảm về 0% trong 3-4 năm. Đây là lợi thế lớn so với các nước khác cùng xuất khẩu thủy sản, bởi mức thuế nhập khẩu EU hiện khoảng 14%. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, bất ổn chính trị ở châu Âu có thể khiến Hiệp định EVFTA bị trì hoãn.

Mặc dù có nhiều thuận lợi, nhưng tình trạng dư cung cá tra ở Việt Nam vẫn là một rủi ro lớn. Nguyên nhân do việc thiếu hụt cá giống và cá tra đã gây ra sự tăng vọt đáng kể về giá kể từ đầu năm 2017, từ đó, nhiều nông dân đang đổ xô nuôi cá giống và cá nguyên liệu. Điều này có thể dẫn đến tình trạng dư cung cá nguyên liệu khi nhiều trang trại cùng bước vào mùa thu hoạch. Giá bán cá nguyên liệu cho các nhà máy có thể lao dốc, kéo theo việc các trang trại có thể chịu thiệt hại lớn và ngừng thả giống cho mùa vụ tiếp theo, điều này sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguyên liệu trong các vụ mùa sắp tới.

Nếu rào cản thương mại vào Mỹ đã được cởi bỏ là tin vui đối với hầu hết các doanh nghiệp cá tra thì lại là “tin buồn” với CTCP Vĩnh Hoàn (VHC) do phải tăng tính cạnh tranh cao trong năm nay, từ đó doanh số tại thị trường này dự kiến sẽ giảm. VDS dự báo khối lượng xuất khẩu của VHC có thể tăng 19.7% trong khi giá bán trung bình giảm 9.2% và biên lãi gộp giảm từ 23.3% xuống 19.4%. Từ đó, VDS kỳ vọng năm 2019, doanh thu của VHC sẽ tăng 12%, tương ứng đạt 10,627 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế khoảng hơn 1,300 tỷ đồng. Giá trị xuất khẩu cá tra đạt 381 triệu USD, trong đó tỷ trọng các thị trường chính là Mỹ 60%, EU 9% và Trung Quốc 11%. Kế hoạch tài chính này dự kiến sẽ giảm so với mức đạt được của năm 2018 khi lợi nhuận sau thuế tới 1,452 tỷ đồng trong tình hình xuất khẩu đạt mức kỷ lục 378 triệu USD, tăng 26% so với năm 2017;.

Năm 2019 này, để giải quyết bài toán nguồn nguyên liệu, VHC sẽ mở rộng vùng nuôi thêm 220 ha, tức nguyên liệu tự sản xuất sẽ tăng 40% so cùng kỳ. Từ đó, công suất chế biến được dự báo sẽ tăng từ mức hiện tại là 850 tấn nguyên liệu/ngày lên 1,130 tấn nguyên liệu/ngày vào cuối năm 2021.

Đứng thứ hai trong cuộc đua của ngành cá tra chính là Nam Việt (ANV) khi năm 2019 đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế 700 tỷ đồng và đến năm 2020 đạt mốc 1,000 tỷ đồng. ANV đưa ra cơ sở cho con số này dựa trên mức lợi nhuận đạt được của năm 2018 với 600 tỷ đồng; chi 4,000 tỷ đồng đầu tư vùng nuôi công nghệ cao 600 ha để chủ động hoàn toàn vùng nguyên liệu, từ đó mục tiêu nâng công suất từ 600 tấn nguyên liệu/ngày lên 1,100 tấn nguyên liệu/ngày.

Cơ cấu thị trường của ANV cũng khá đa dạng, trong đó thị trường Trung Quốc được đánh giá khá tiềm năng khi biên lãi gộp kỳ vọng từ 30-35% trong năm 2019. Song song với việc thúc đẩy thị trường Trung Quốc, ANV vẫn chăm lo cho các thị trường truyền thống như Mỹ La-tinh, châu Á và thậm chí sẽ trở lại Mỹ vào năm 2020.

Tại ANV, hiện còn vấn đề khiến cổ đông bất an là mặc dù đã thoái vốn khỏi “cục lỗ” DAP-Vinachem 2 nhưng thực tế ANV và đơn vị nhận sở hữu DAP-Vinachem 2 là Công ty Đại Tây Dương lại có cùng chủ sở hữu.

CTCP Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia (IDI) cũng là doanh nghiệp sáng giá của ngành cá tra với thị trường xuất khẩu chính như Trung Quốc, Ấn Độ, EU, Columbia, Brazil, Canada…

IDI đang vận hành khoảng 400 tấn nguyên liệu/ngày, nhà máy đã quá tải và phải thuê nhà máy Agrifish (AGF). Trong khi đó, IDI cho biết tự chủ nguyên liệu 95% nhưng đơn vị này lại chuyển giao con giống cho các hộ nông dân nuôi nên chất lượng chưa được cải thiện. Năm 2019, IDI đặt mục tiêu tăng sản lượng sản xuất lên 850 tấn nguyên liệu/ngày.

Tuy nhiên, về tài chính, IDI là đơn vị dùng đòn bẩy khá lớn khi vay nợ cao (chiếm 64% tổng tài sản), dòng tiền âm liên tục nhiều năm có thể khiến Công ty đứng trước rủi ro thanh khoản như chi trả lãi vay...

Mặc dù đã được áp thuế chống bán phá giá 0 USD/kg trong POR14, nhưng liệu CTCP Hùng Vương (HOSE: HVG) có tận dụng được cơ hội này để lấy lại những gì đã mất trong thời gian qua?

Từng là ông lớn của ngành nhưng hiện nay, tình cảnh của HVG khá bi đát khi niên độ 2017-2018 vẫn tiếp tục lỗ thuần từ hoạt động sản xuất kinh doanh chính hơn 33 tỷ đồng (có lãi ròng 19 tỷ đồng nhờ lợi nhuận khác); vay nợ vẫn chất đống...

Vậy nhưng, HVG lại tỏ ra khá lạc quan khi xây dựng kế hoạch niên độ 2019 với tổng lợi nhuận sau thuế tới 255 tỷ đồng. Trong đó, mảng cá fillet mục tiêu sản lượng đạt 120,000 tấn, nhưng xuất khẩu chỉ 60,000 tấn. Từ đó mang về doanh số 4,400 tỷ đồng, lợi nhuận gộp 700 tỷ đồng, nhưng chi phí lãi vay ngốn tới 245 tỷ đồng nên lợi nhuận sau thuế chỉ còn 75 tỷ đồng. Đối với mảng thức ăn thủy sản, HVG đặt kế hoạch sản lượng thức ăn đạt 550,000 tấn, doanh số tới 6,000 tỷ đồng với lãi gộp 820 tỷ đồng; nhưng cũng tương tự mảng kinh doanh cá, chi phí lãi vay chiếm tới 160 tỷ đồng nhưng bù lại lợi nhuận từ mảng này đóng góp chủ yếu trong lợi nhuận sau thuế của HVG với 180 tỷ đồng.

Kế hoạch là vậy, nhưng trong quý 1 HVG chỉ mới thực hiện được 7% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra dù biên lãi gộp cải thiện đáng kể. Điều này cho thấy HVG vẫn còn một chặng đường rất dài phía trước nếu muốn đạt được mục tiêu đề ra.

Theo HVG, thị phần thức ăn cho cá nước ngọt của Công ty chiếm 30% thị phần cả nước. Hiện, hệ thống 6 nhà máy chế biến thức ăn thủy sản của HVG đạt công suất 1.5 triệu tấn/năm đặt tại Đồng Tháp, Vĩnh Long.

Còn mảng cá fillet, HVG sở hữu 11 nhà máy chế biến, tổng công suất trên 400,000 tấn nguyên liệu/năm, tương đương hơn 1,200 tấn nguyên liệu/ngày.

Có vẻ như mảng thức ăn thủy sản đang khởi sắc hơn nên năm qua, HVG đã đưa vào hoạt động nhà máy thức ăn chăn nuôi Việt Thắng Long An với tổng mức đầu tư 35 triệu USD, tổng quy mô sản xuất đạt 600,000 tấn/năm. Chưa dừng lại ở đó, HVG cho biết, dự kiến trong năm nay sẽ đầu tư tiếp nhà máy thức ăn chăn nuôi Việt Thắng Bình Định.

Doanh nghiệp tôm cũng tự tin

Đối với ngành tôm năm 2019, Chủ tịch Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC) cũng như Chủ tịch Sao Ta (FMC) đều dự báo tình hình không khác nhiều so với năm 2018, nhất là sản lượng tôm sẽ tiếp tục tăng do thời tiết thuận lợi cũng như áp dụng công nghệ cao trong vùng nuôi. Dự báo lạc quan, nguồn cung tôm thế giới tiếp tục tăng trưởng dương, chủ yếu từ Ấn Độ, Việt Nam và Ecuador. Trong bối cảnh như vậy, giá tôm lại xuống thấp sẽ giúp lợi nhuận biên của các doanh nghiệp tốt hơn.

Đồng thời, ngành tôm cũng hưởng lợi từ Hiệp định EVFTA; và cuộc chiến thương mại cũng sẽ giúp dịch chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang thị trường Việt Nam...

MPC cho biết năm nay, xuất khẩu vào Mỹ thuận lợi hơn, trong đó yếu tố quan trọng là Công ty vĩnh viễn không thuộc diện bị áp thuế chống bán phá giá. Thêm vào đó, bắt đầu từ năm 2018, Mỹ kiện chương trình truy suất nguồn gốc từ nguyên liệu đầu vào rất khắt khe khiến nhiều doanh nghiệp nhỏ lẻ không đáp ứng được, trong khi MPC đã đầu tư làm các phần mềm để đáp ứng được yêu cầu này.

Với nhận định đó, MPC đề chỉ tiêu tài chính năm 2019 với tổng sản lượng xuất khẩu 77,400 tấn (tăng trưởng 14.67%), kim ngạch 850 triệu USD, lợi nhuận trước thuế mang về 2,000 tỷ đồng. Còn đối với vùng nuôi, sau khi thử nghiệm công nghệ nuôi 2-3-4, vào mùa khô MPC bắt đầu đẩy mạnh vùng nuôi lên 554 ao với sản lượng ước đạt 11,080 tấn, ước lợi nhuận trước thuế đạt 300 tỷ đồng. Như vậy, kế hoạch tổng lợi nhuận trước thuế của MPC năm 2019 là 2,300 tỷ đồng.

Chỉ tiêu năm 2019 của MPC tăng rất mạnh so với thực hiện năm 2018 khi tổng doanh thu là 24,071 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1,208 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1,129 tỷ đồng.

Tương tự, FMC cũng là đơn vị sáng giá của ngành tôm khi năm 2018, sản lượng vượt 10% kế hoạch, doanh số tiêu thụ vượt 5%. Riêng lợi nhuận trước thuế đạt trên 200 tỷ đồng, vượt gần 43% kế hoạch, ghi nhận mức lãi lớn nhất từ trước đến nay của FMC.

Nói như vậy để thấy rằng, mùa tôm 2019 chắc chắn rất sôi động, nhưng ngọt hay đắng sẽ tùy thuộc vào doanh nghiệp nào kiểm soát được chuỗi giá trị, giảm thiểu tác động khách quan như nguồn cung tôm lớn, giá rẻ từ một số nước...

Minh An

Fili