Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 6.6% trong năm 2018, yếu nhất trong 28 năm

Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 6.6% trong năm 2018, yếu nhất trong 28 năm

Trong ngày thứ Hai (21/01), Trung Quốc công bố tăng trưởng kinh tế chính thức đạt 6.6% trong năm 2018, mức thấp nhất kể từ năm 1990.

Tuyên bố này được đông đảo chuyên gia trên khắp thế giới chờ đợi giữa lúc Mỹ và Trung Quốc đang trong cuộc chiến tranh thương mại dài dăng dẳng.

Trước đó, các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Reuters đã dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2018 sẽ đạt mức 6.8%.

Tăng trưởng GDP quý 4/2018 đạt 6.4%, cũng trùng khớp với dự báo trước đó và thấp hơn mức tăng trưởng 6.5% của quý 3/2018.

Mặc dù con số GDP chính thức của Bắc Kinh được xem như là chỉ báo về tình hình sức khỏe của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nhưng nhiều chuyên gia bên ngoài đã tỏ ra hoài nghi về tính xác thực của các báo cáo từ Trung Quốc.

Ngay cả trước khi cuộc chiến thương mại với Mỹ diễn ra, Trung Quốc đã phải đối mặt với đà giảm tốc về kinh tế.

Bắc Kinh đang cố gắng cân bằng giữa kiểm soát nợ và duy trì tăng trưởng kinh tế. Mặc dù giảm bớt sự phụ thuộc vào nợ sẽ tạo lợi ích cho nền kinh tế trong dài hạn, nhưng điều này cũng có khả năng làm giảm tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.

Mặc dù dữ liệu chính thức của Trung Quốc cho thấy nền kinh tế vẫn đứng vững trong phần lớn thời gian của năm 2018, nhưng hiện nay thì những tín hiệu giảm tốc bắt đầu xuất hiện. Các số liệu về sản xuất và số đơn đặt hàng xuất khẩu ngày càng suy giảm khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung ảnh hưởng tiêu cực và những yếu tố khác cũng gây áp lực lên tăng trưởng.

Cả hai bên đang cố gắng đàm phán và tạo ra một thỏa thuận.

Bloomberg hé lộ tín hiệu hạ nhiệt căng thẳng thương mại khi Trung Quốc đã đề xuất kế hoạch tăng mua hàng Mỹ trong lộ trình 6 năm với hơn 1,000 tỷ USD để không còn thặng dư vào năm 2024.

Dẫn các nguồn tin liên quan của Bloomberg cho biết Trung Quốc đã đề nghị triển khai kế hoạch tăng mua trong 6 năm tới nhằm tăng cường hàng nhập khẩu Mỹ để giải quyết tình trạng mất cân bằng thương mại giữa hai nước.

Theo giới quan sát, nếu được thực thi, đây sẽ là một động thái tái định hình lại quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Với việc tăng mua hàng từ Mỹ mà tổng giá trị gộp lại là hơn 1 ngàn tỷ USD trong khoảng thời gian 6 năm, Trung Quốc dự kiến sẽ giảm thặng dư thương mại của họ với Mỹ xuống còn là 0 vào năm 2024. Năm ngoái con số này là 323 tỷ USD.

Nhà đàm phán thương mại hàng đầu Trung Quốc – Phó Thủ tướng Lưu Hạc sẽ tới Washington, D.C., vào ngày 30-31/01/2019 để đàm phán với Đại diện Thương mại Mỹ (USTR), Robert Lighthizer.

Vũ Hạo (Theo CNBC)

FiLi