Lọc hóa dầu Bình Sơn xin cơ chế đặc thù

Lọc hóa dầu Bình Sơn xin cơ chế đặc thù

BSR đề xuất Chính phủ xem xét dự án nghiên cứu mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất là công trình trọng điểm quốc gia và xây dựng cơ chế đặc thù làm cơ sở giải quyết các vấn đề phức tạp hiện nay.

* Lọc hóa dầu Bình Sơn bất ngờ báo lỗ hơn 1,000 tỷ trong quý 4

Ngày 21/01/2019, ông Nguyễn Văn Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã làm việc với CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR).

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình phát biểu tại buổi làm việc

Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch HĐQT BSR ông Lê Xuân Huyên khái quát quá trình hình thành và phát triển của nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất khi năm 2018 sản xuất hơn 7 triệu tấn, tổng doanh thu 113,493 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 3,551 tỷ đồng.

BSR cũng đang tích cực tìm cổ đông chiến lược để tìm kiếm nhà đầu tư cùng triển khai dự án nghiên cứu mở rộng nhà máy lọc dầu (NCMR NMLD) Dung Quất và nâng cao hiệu quả của nhà máy hiện hữu.

Báo cáo về dự án nghiên cứu mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất, lãnh đạo BSR cho biết, tính đến nay đã triển khai được 45 tháng trên 78 tháng kể từ thời điểm phát hành hồ sơ mời thầu FEED và về tổng thể tình hình triển khai dự án này đang gặp nhiều khó khăn như: Chưa được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), phê duyệt thiết kế FEED, gói san lấp mặt bằng, thu xếp tài chính.

Theo đó, BSR cũng có một số kiến nghị gửi tới Ban Kinh tế Trung ương và các bộ ngành trung ương như: Chấp nhận giữ nguyên cơ chế đang có hiệu lực hiện hành tại Quyết định 1725/QĐ-TTg ngày 03/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ không áp dụng chính sách thu điều tiết đối với sản phẩm xăng của Công ty; cho phép điều chỉnh mức thuế suất nhập khẩu dầu thô Azeri từ Azerbaijan nói riêng và các loại dầu thô nhập khẩu khác nói chung cho NMLD Dung Quất tương tự như NMLD Nghi Sơn là 0%; xem xét loại bỏ các sản phẩm (ngoại trừ Polypropylene đã được cho phép) được chế biến từ tài nguyên dầu thô ra khỏi danh sách các sản phẩm không chịu thuế GTGT khi xuất khẩu (bao gồm cả xuất khẩu trực tiếp từ BSR hoặc thông qua các đầu mối).

Bên cạnh đó, BSR cũng đề xuất Chính phủ xem xét dự án NCMR là công trình trọng điểm quốc gia và xây dựng cơ chế đặc thù làm cơ sở giải quyết các vấn đề phức tạp như đã thực hiện tương tự với dự án NMLD Dung Quất trước đây. Và Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Bộ Tài nguyên Môi trường sớm phê duyệt Báo cáo ĐTM.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho biết, đối với dự án nghiên cứu mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất, BSR kiến nghị được Chính phủ xem xét ban hành các chính sách hỗ trợ BSR đảm bảo trả nợ thay thế cho việc cấp Bảo lãnh Chính phủ để BSR có đủ năng lực tài chính, năng lực trả nợ an toàn đáp ứng yêu cầu của các tổ chức cho vay vốn trên thị trường quốc tế; bình ổn về chính sách trong thời gian vay vốn; đảm bảo nguồn ngoại tệ; tiếp cận nguồn vốn các tổ chức tín dụng trong nước.

Ông cũng Nguyễn Văn Bình cho rằng, chính sách thì không thể “nhân vô thập toàn”; càng làm càng ghi nhận cái đúng, cái hợp lý và càng phải hoàn thiện. Các bộ ngành sẽ cân nhắc các cơ chế chính sách áp dụng cho các nhà máy lọc dầu ở mức tương đồng để tạo môi trường cạnh tranh sòng phẳng. Mục tiêu cao nhất của Chính phủ và các bộ khi điều hành kinh tế là không gây tắc nghẽn, thiệt hại cho doanh nghiệp và Nhà nước.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình chỉ đạo, về dự án NCMR NMLD Dung Quất, đây là dự án cấp bách bởi lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải mới đang sắp được áp dụng; cần đa dạng hóa nguồn nguyên liệu đầu vào; tăng năng lực cạnh tranh. Vì vậy không thể không tiến hành nhanh dự án này. Ông cũng chỉ ra lối đi mới cho dự án là xem xét hợp tác với nhà đầu tư chiến lược cùng đầu tư vào dự án. Đồng thời BSR cũng cần tích cực làm việc các ngân hàng thương mại để chủ động nguồn vốn.

Thái Hương

Fili