Mỹ có thể tăng trưởng 0% nếu tình trạng Chính phủ đóng cửa kéo dài

Mỹ có thể tăng trưởng 0% nếu tình trạng Chính phủ đóng cửa kéo dài

Hôm thứ Tư (23/01), một cố vấn kinh tế hàng đầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump nói với hãng tin CNN rằng nền kinh tế Mỹ có thể không tăng trưởng trong quý 1/2019 nếu tình trạng đóng cửa một phần Chính phủ liên bang kéo dài thêm.

Kevin Hassett, Chủ tịch của Hội đồng Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng

Trong một cuộc phỏng vấn với CNN, Kevin Hassett, Chủ tịch của Hội đồng Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng, cho biết ông không quá lo ngại về tác động dài hạn từ tình trạng đóng cửa Chính phủ Mỹ. Thế nhưng, sau khi được hỏi liệu Mỹ có thể tăng trưởng GDP 0% trong quý này hay không, ông cũng thừa nhận điều này là có thể diễn ra. Ông nói: “Vâng, có thể là thế”.

Thế nhưng, ông Hassett lưu ý nền kinh tế Mỹ thường yếu ớt trong quý 1/2018. Ông cho rằng, nền kinh tế có thể phục hồi một khi Chính phủ mở cửa hoạt động trở lại và bất kỳ tác động nào tới GDP có thể được khôi phục trở lại.

Quý 2/2019, nền kinh tế có thể tăng trưởng mạnh nếu tình trạng Chính phủ Mỹ đóng cửa kết thúc trước khi quý 2 bắt đầu, ông Hassett cho hay.

Trong ngày thứ Tư (23/01), ông Hassett cho biết, ông và nhóm nhân viên của ông không được trả lương trong lúc Chính phủ bị đóng cửa, đồng thời lưu ý rằng một số nhân viên Chính phủ đang làm công việc khác để bù đắp cho khoản tiền lương bị mất đi. Ông cho biết, một trong những nhân viên của ông đang phải làm tài xế Uber.

Việc không trả tiền lương cho những nhân viên Chính phủ là một lý do tại sao các nhà điều hành doanh nghiệp tỏ ra lo lắng về tình trạng đóng cửa Chính phủ Mỹ.

Bàn tròn Doanh nghiệp – một tổ chức tụ họp nhiều CEO hàng đầu – cho biết trong ngày thứ Tư (23/01) rằng tình trạng đóng cửa Chính phủ Mỹ đang gây thiệt hại cho nền kinh tế Mỹ và người lao động Mỹ, cả nhân viên liên bang và những người lao động trong lĩnh vực tư nhân nhưng có hỗ trợ cho các chức năng Chính phủ”.

“Tình trạng đóng cửa Chính phủ cũng khiến các nhà hoạch định chính sách không thể tập trung vào các giải pháp để tạo ra tăng trưởng kinh tế mạnh và bền vững ở Mỹ”, Bàn tròn Doanh nghiệp cho biết trong tuyên bố.

Tính đến ngày 23/1, chính phủ Mỹ đã đóng cửa ngày thứ 33 và có rất ít dấu hiệu lạc quan cho gần 800,000 công chức đang phải làm việc không lương. Thượng viện Mỹ hôm nay sẽ bỏ phiếu về các dự luật do phe Dân chủ và phe Cộng hòa đề xuất, cho phép chính phủ Mỹ hoạt động đến ngày 08/02.

Không có suy thoái trong năm 2020?

Dù vậy, Hassett vẫn tỏ ra lạc quan hơn. Ông nói với CNN rằng ông không tin các cơ quan xếp hạng tín nhiệm sẽ hạ bậc trái phiếu Chính phủ Mỹ - như Standard & Poor's đã từng làm trong năm 2011 sau một cuộc tranh cãi về việc nâng trần nợ.

Ông thừa nhận chính sách “bên miệng hố chiến tranh” (brinkmanship) đang khiến nhà đầu tư lo ngại, nhưng cũng nói thêm nền kinh tế Mỹ vẫn mạnh.

Vì thế, ông Hassett cho biết xác suất Mỹ rơi vào suy thoái trong năm 2020 là “gần như bằng 0”, ngay cả khi nhiều chuyên gia kinh tế dự báo suy thoái sẽ diễn ra vào năm tới. Ông chỉ ra đà tăng trưởng việc làm mạnh và kéo dài là dấu hiệu khỏe mạnh của nền kinh tế.

Ông cũng dự báo nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 3% trong năm nay, mặc cho nỗi lo về tình trạng đóng cửa Chính phủ Mỹ, cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung và đà giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu.

Trước đó, trong một cuộc phỏng vấn, ông Hassett có nhận định “rất nhiều” công ty Mỹ sẽ đối mặt với nhiều thách thức ở Trung Quốc, sau khi Apple cảnh báo về đà giảm doanh số iPhone ở Trung Quốc. Hôm thứ Tư (23/01), ông nói thêm đà giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc có thể buộc nước này xuống nước và tiến tới một thỏa thuận thương mại với Mỹ.

Vũ Hạo (Theo CNN)

FiLi