Niềm tin doanh nghiệp vụn vỡ vì chiến tranh thương mại

Niềm tin doanh nghiệp vụn vỡ vì chiến tranh thương mại

Sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy, sự bất ổn về chính sách và xung đột thương mại đã làm niềm tin của các vị Giám đốc điều hành (CEO) trên toàn cầu vụn vỡ.

Tỷ lệ CEO cho rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ giảm tốc trong vòng 1 năm tới đã tăng lên mức gần 30%, từ mức 5% trong cuộc khảo sát của năm 2018, dựa trên kết quả thăm dò 1,300 lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu thế giới do công ty kiểm toán PwC thực hiện.

Làn sóng bi quan đã lan tới tình hình lợi nhuận của các doanh nghiệp. Chỉ 35% CEO tham gia vào cuộc khảo sát cho rằng rằng họ "rất tự tin" vào triển vọng tăng trưởng lợi nhuận trong 12 tháng tới, giảm mạnh so với mức 42% của năm trước.

"Quan điểm của các CEO về nền kinh tế toàn cầu phản ánh triển vọng kinh tế. Trong đó, các tổ chức dự báo đều đang điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu", ông Bob Moritz, Chủ tịch toàn cầu tại PwC, nói trong một tuyên bố. "Với sự trỗi dậy của căng thẳng thương mại và chủ nghĩa bảo hộ, niềm tin suy giảm cũng là điều hợp lý".

Bản báo cáo này được công bố vào lúc diễn ra sự kiện Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sỹ, nơi hội tụ các nhà lãnh đạo quốc gia và doanh nghiệp toàn cầu, cùng quan chức các ngân hàng trung ương, chính trị gia và các nhà thực thi giám sát. Một trong những chủ đề được bàn tán sôi nổi nhất trong năm nay là đà giảm tốc kinh tế toàn cầu và tác động của nó tới các công ty và Chính phủ.

Mới đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu trong ngày thứ Hai (21/01), đồng thời cảnh báo đà tăng trưởng mà chúng ta chứng kiến trong vài năm gần đây đang dần mất đà.

IMF dự báo nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng 3.5% trong năm 2019, thấp hơn 0.2 điểm phần trăm dự báo tháng 10/2018 và tăng trưởng 3.6% trong năm 2020, thấp hơn 0.2 điểm phần trăm so với dự báo trước đó. Điều này đánh dấu lần điều chỉnh giảm thứ hai trong vòng 3 tháng vừa qua.

Nguồn cơn đau đầu của CEO

PwC cho biết “có sự đồng nhất” về những mối lo khiến giới lãnh đạo doanh nghiệp toàn cầu thức giấc mỗi đêm. Các CEO đề cập tới sự bất ổn chính sách, thiếu hụt nguồn nhân lực lành nghề và quy định quá mức là những rủi ro lớn đối với họ.

Xung đột thương mại là một vấn đề đáng lo ngại, nhất là đối với các CEO ở Mỹ và Trung Quốc, những quốc gia giữ vai trò tâm điểm trong cuộc đối đầu giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Ở Bắc Mỹ, 44% CEO cho biết "cực kỳ lo ngại" về chiến tranh thương mại, so với tỷ lệ 38% đưa ra câu trả lời tương tự trong số các CEO ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, kết quả thăm dò của PwC cho thấy.

Nhiều công ty đang tiến hành điều chỉnh chiến lược kinh doanh.

Trong số các CEO Trung Quốc nói "cực kỳ lo ngại" về chiến tranh thương mại thì có tới trên 60% đang tiến hành điều chỉnh chiến lược chuỗi cung ứng và chiến lược nhập nguồn hàng hóa. Gần40% đang tiến hành chuyển hoạt động sản xuất hoặc trì hoãn kế hoạch chi tiêu vốn.

“Các CEO doanh nghiệp ở Trung Quốc chứng tỏ là nhóm năng động và mạnh mẽ nhất trong việc sử dụng mọi đòn bẩy", PwC cho biết.

Sự dịch chuyển đầu tư

Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp ở Trung Quốc cũng suy nghĩ lại về tầm quan trọng của thị trường Mỹ. Trong khi 59% CEO Trung Quốc cho biết trong năm 2018 rằng Mỹ là thị trường nước ngoài quan trọng nhất đối với sự tăng trưởng của công ty thì nay con số đó giảm xuống còn 17%.

“Sự ngoảnh mặt với thị trường Mỹ và dịch chuyển của khoản đầu tư Trung Quốc tới những quốc gia khác là những phản ứng hợp lý trước những bất ổn xoay quanh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung”, Moritz cho hay.

Vũ Hạo (Theo CNN Business)

FiLi