Tăng liền 9 phiên, dầu WTI chứng kiến chuỗi leo dốc dài nhất kể từ năm 2010

Tăng liền 9 phiên, dầu WTI chứng kiến chuỗi leo dốc dài nhất kể từ năm 2010

Đà tăng vào vài phút cuối cùng trong phiên ngày thứ Năm (10/01) đã giúp các hợp đồng dầu thô tương lai tăng phiên thứ 9 liên tiếp, đánh dấu chuỗi leo dốc dài nhất trong 9 năm đối với dầu WTI và trong hơn 11 năm đối với dầu Brent, MarketWatch đưa tin.

Phil Flynn, Chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại Price Futures Group, nhận định: “Thị trường đang tìm kiếm một đợt bán tháo lớn hơn sau những phát biểu từ Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Jerome Powell, nhưng điều đó đã không xảy ra và thị trường dầu mỏ chứng kiến sự đảm bảo ngắn hạn”.

Theo đó, ông Powell đã nhấn mạnh một lần nữa vào ngày thứ Năm rằng Fed sẽ linh hoạt và kiên nhẫn cũng như có thể thay đổi chính sách tiền tệ nếu triển vọng nền kinh tế xấu đi. Sau những nhận định đó, đồng USD tiếp tục tăng mạnh và các chỉ số chứng khoán Mỹ nhảy vọt khi các hợp đồng dầu chốt phiên.

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Năm, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 2 trên sàn Nymex tiến 23 xu (tương đương 0.4%) lên 52.59 USD/thùng, mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 07/12/2018, dữ liệu từ Dow Jones Market cho thấy. Hợp đồng này đã tăng 9 phiên liên tiếp, đánh dấu chuỗi leo dốc dài nhất kể từ chuỗi tăng 10 phiên liền kết thúc ngày 06/01/2010.

Dầu WTI đã leo ra khỏi thị trường con gấu vào ngày thứ Tư (09/01) và hiện vọt gần 24% so với mức đáy 52 tuần là 42.53 USD/thùng đã ghi nhận vào ngày 24/12/2018.

Hợp đồng dầu Brent giao tháng 3 trên sàn Luân Đôn cộng 24 xu (tương đương 0.4%) lên 61.68 USD/thùng, mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 04/12/2018. Dầu Brent cũng tăng liên tiếp 9 phiên và ghi nhận chuỗi leo dốc dài nhất kể từ ngày 12/09/2007.

Đà tăng nhẹ của đồng USD đã khiến giá dầu suy yếu trong phần lớn phiên ngày thứ Năm. Được biết, đồng USD mạnh có thể làm dầu thô trở nên đắt đỏ hơn đối với nhà đầu tư sử dụng những đồng tiền khác.

Tuy nhiên, nhìn chung, giá dầu đã nhảy vọt từ đầu tuần đến nay, trong đó dầu WTI bứt phá 9.7%, hướng về tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 12/2016.

Đà tăng gần đây của các sản phẩm năng lượng được thúc đẩy bởi sự lạc quan về cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung đã kết thúc hôm thứ Tư (09/01), cũng như sự sụt giảm sản lượng tháng 12/2018 của các nhà sản xuất chủ chốt và sự suy yếu của dự trữ dầu thô tại Mỹ. Một cuộc thăm dò từ Platts vào ngày thứ Ba (08/01) cho thấy sản lượng dầu OPEC giảm 630,000 thùng/ngày xuống đáy 6 tháng là 32.43 triệu thùng trong tháng 12/2018.

Bên cạnh đó, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) vào ngày thứ Tư cho biết nguồn cung dầu thô nội địa giảm 1.7 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 04/01/2018, cao hơn dự báo mất 1.4 triệu thùng từ các nhà phân tích tham gia cuộc thăm dò của Platts.

Tuy nhiên, dự trữ các sản phẩm xăng dầu đều cao hơn rất nhiều so với dự báo của thị trường. Cụ thể, dự trữ xăng tăng 8.1 triệu thùng trong tuần trước, còn dự trữ các sản phẩm chưng cất vọt 10.6 triệu thùng, dữ liệu từ EIA cho thấy.

Cũng trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, hợp đồng xăng giao tháng 2 tiến 0.4% lên 1.431 USD/gallon. Hợp đồng dầu sưởi giao tháng 2 cộng 1.4% lên 1.906 USD/gallon.

Các hợp đồng khí thiên nhiên suy yếu trong ngày thứ Năm khi EIA ghi nhận rằng nguồn cung khí thiên nhiên tại Mỹ sụt 91 tỷ feet khối trong tuần kết thúc vào 04/01/2019, cao hơn so với dự báo giảm 84 tỷ feet khối từ cuộc thăm dò của Platts.

Hợp đồng khí thiên nhiên giao tháng 2 lùi 0.5% xuống 2.969 USD/MMBtu.

An Trần

Fili