Cách tốt nhất để vượt qua sợ hãi và đạt được thành công

Cách tốt nhất để vượt qua sợ hãi và đạt được thành công

Theo Tim Ferriss, đây là cách tốt nhất để vượt qua nỗi sợ hãi đang kìm hãm bạn đạt được sự thành công mà bạn xứng đáng có được.

Tim Ferriss không phải sinh ra đã là một người cực kỳ thành công. (Tôi - tác giả bài viết - quen biết anh trước khi anh được mọi người biết đến rộng rãi như một tác giả, doanh nhân, nhà đầu tư, diễn giả và chuyên gia về podcast).

Ferriss có những mục tiêu rất lớn và những ước mơ lớn.

Đồng thời, anh cũng có những nỗi sợ.

Sự thành công, đặc biệt là khi bạn đang cố gắng đạt được một mục tiêu to lớn, không dễ dàng xuất hiện. Thường thì những điều bạn cần làm nhất nếu bạn muốn thành công - những điều bạn phải hỏi, phải nói, phải thử và mạo hiểm - cũng là những điều đáng sợ nhất mà bạn cần phải làm.

Đó là lý do tại sao chúng ta thường tránh suy nghĩ về những điều khiến chúng ta sợ hãi. Và là lý do tại sao chúng ta thường không làm những điều khiến chúng ta sợ hãi.

Và cũng là lý do tại sao chúng ta thường không đạt được sự thành công mà chúng ta mơ ước.

Vậy, làm thế nào để bạn vượt qua sự lo lắng, căng thẳng, sợ hãi và thực sự làm được những việc bạn cần làm để thành công?

Theo Ferriss, quyết định đầu tiên bạn cần đưa ra là bạn sẽ ngừng né tránh và bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc về những điều khiến bạn sợ hãi.

Nhưng làm như thế nào? Hãy thực hiện theo quy trình "thiết lập nỗi sợ" của Tim.

1. Viết ra những gì bạn sợ

Hãy gọi tên nó. Đừng để nỗi sợ hãi của bạn trong trạng thái mơ hồ, không xác định.

Viết ra chính xác những gì bạn sợ.

2. Sau đó tạo 3 danh mục con bên dưới mỗi nỗi sợ mà bạn liệt kê

Mục 1: Xác định

Viết ra 10 hoặc 20 hậu quả tồi tệ nhất có thể xảy ra do thực hiện những gì bạn sợ.

Nếu bạn sợ phải bắt đầu việc kinh doanh, hãy viết ra 10 hoặc 20 điều tồi tệ nhất bạn nghĩ có thể xảy ra: Mất tiền, làm hỏng sự nghiệp của bạn, xấu hổ với bạn bè và gia đình...

Bất cứ điều gì khiến bạn do dự, bất cứ điều gì làm bạn sợ... hãy viết nó ra.

Mục 2: Ngăn chặn

Xác định những gì bạn có thể làm để ngăn chặn từng kết quả tồi tệ đó.

Nếu bạn sợ bắt đầu kinh doanh vì bạn nghĩ mình không có kinh nghiệm, hãy cân nhắc việc mời một đối tác cùng tham gia. Nếu bạn lo lắng về việc không có đủ tiền để giúp bạn trang trải giai đoạn đầu, hãy lập một kế hoạch cho phép bạn vẫn giữ công việc toàn thời gian của bạn trong khi bạn mới bắt đầu khởi nghiệp.

Mục 3: Sửa chữa

Xác định những gì bạn sẽ làm nếu bạn không thể ngăn chặn một trong những "kết quả tồi tệ nhất" đó.

Có thể bạn sẽ thiết kế một vài "kế hoạch phụ" trong suốt quá trình đó. Có thể bạn sẽ lên kế hoạch chuyển hướng nếu một số điều nhất định xảy ra hoặc không xảy ra. Có thể bạn sẽ có kế hoạch marketing thay thế sẵn sàng để ứng phó.

Dành thời gian để quyết định trước bạn sẽ làm gì nếu mọi thứ không diễn ra tốt đẹp.

Bài tập đó sẽ giúp bạn tự tin để biết rằng nếu điều tồi tệ nhất xảy ra... thì bạn cũng đã sẵn sàng.

3. Viết ra những lợi ích của việc chinh phục được (hoặc thậm chí chỉ là cố gắng chinh phục) những gì bạn sợ

Điều gì xảy ra nếu bạn thành công? Cuộc sống của bạn sẽ thay đổi như thế nào nếu bạn khởi nghiệp thành công?

Và điều gì xảy ra nếu bạn chỉ đơn giản là thử sức? Cuộc sống của bạn sẽ thay đổi như thế nào nếu bạn bắt đầu rèn luyện thân thể? Điều gì xảy ra nếu bạn cố gắng viết cuốn sách đó? Điều gì xảy ra nếu bạn cố gắng học một kỹ năng mới? 

Liệt kê các điều tích cực của việc đơn giản chỉ là cố gắng.

Ngay cả khi bạn không đạt được mục tiêu thì: Bạn sẽ gặp được những con người mới. Bạn sẽ học được cách thúc đẩy bản thân. Bạn sẽ được tiếp xúc với những ý tưởng mới, quan điểm mới và cơ hội mới.

Tóm lại, bạn sẽ học được nhiều thứ - không chỉ về những gì bạn cố gắng, mà còn về chính bản thân bạn.

Đó là lý do đủ để bạn đối mặt với nỗi sợ hãi và thử làm một điều gì đó mới mẻ.

4. Viết ra "chi phí của việc không hành động"

Bây giờ, hãy liệt kê cuộc sống bạn sẽ như thế nào nếu bạn không thử cố gắng.

Có lẽ bạn vẫn sẽ phải làm công việc mà bạn ghét. Có lẽ bạn sẽ không có được sự cân bằng giữa cuộc sống và công việc như bạn hy vọng. Có lẽ bạn vẫn sẽ cảm thấy bị mắc kẹt về tài chính.

Có lẽ bạn sẽ đơn giản hối tiếc vì chưa bao giờ dám thử.

Như Ferriss hỏi, "Cuộc sống của bạn sẽ như thế nào trong vòng 6 tháng, 12 tháng hoặc 3 năm nữa? Nếu nói xa hơn nữa thì có lẽ bạn không hình dung được. Hãy thực sự hình dung một cách chi tiết về mặt cảm xúc, tài chính, thể chất, bất cứ điều gì."

Tóm lại, giống như việc bạn dành thời gian đặt tên rõ ràng cho nỗi sợ hãi của bản thân, hãy dành thời gian mô tả rõ ràng cuộc sống của bạn sẽ như thế nào nếu bạn không cố gắng vượt qua nỗi sợ hãi đó.

Cứ cho là một số nỗi sợ của bạn là thực tế đi. Và điều đó cũng ổn thôi. "Nhưng bạn không nên vội kết luận điều đó", Ferriss nói "mà chưa đặt nỗi sợ hãi của bạn dưới ống kính hiển vi."

Hãy thử làm điều đó.

Đặt tên cho nỗi sợ hãi của bạn. Sau đó, suy nghĩ nghiêm túc về những điều tồi tệ nhất có thể xảy ra. Bạn sẽ sớm nhận ra rằng hầu hết những nỗi sợ hãi, và hầu hết mọi lo lắng là không có căn cứ. Khi có nguy cơ rủi ro, bạn sẽ dễ dàng lùi bước nếu bạn đang mắc kẹt trong sự mơ hồ, vô định.

Nhưng không có gì mà tôi từng thử qua lại trở nên tồi tệ như tôi tưởng tượng - và tôi đã làm một số điều thực sự ngu ngốc.

Giả sử bạn từ bỏ một công việc toàn thời gian và mở một cửa hàng bán lẻ. Kết quả tồi tệ nhất có thể xảy ra là gì?

Công việc kinh doanh của bạn có thể thất bại, tiền tiết kiệm của bạn có thể bốc hơi và gia đình bạn có thể ra ngoài đường ở, vô gia cư và nghèo đói. Có thể lắm chứ? Chắc chắn, nhưng không hoàn toàn như thế. Nếu cửa hàng của bạn gặp khó khăn, bạn sẽ chuyển sang chế độ "Sửa chữa". Bạn sẽ làm việc chăm chỉ hơn nữa và điều chỉnh mô hình kinh doanh của mình - và nếu như vẫn không hiệu quả, bạn sẽ thôi kinh doanh và đi kiếm một công việc khác.

Thất bại khó có thể là một kết quả lý tưởng... nhưng thất bại là điều mà bạn và gia đình có thể vượt qua được.

Đừng để những nỗi sợ không tên kiểm soát bạn. Xác định những điều tồi tệ nhất có thể xảy ra. Sau đó, lập kế hoạch để ứng phó với những khả năng đó.

Bằng cách đối mặt với nỗi sợ hãi của bản thân, bạn có thể kiểm soát được chúng.

Và đừng quên: Thành công không đòi hỏi chỉ số IQ cao hoặc một vài khả năng vô hình, đặc biệt mà bạn không có. Những người thành công chỉ trở nên "đặc biệt" sau khi họ đã thành công; trước khi họ bỏ hết thời gian và công sức để theo đuổi ước mơ, họ cũng giống như bao người khác thôi.

Tim Ferriss không phải lúc nào cũng là Tim Ferriss như bây giờ. Để bắt đầu trở thành con người mà anh ấy muốn trở thành, anh ấy vẫn phải đối mặt với nỗi sợ hãi của bản thân.

Vậy, bạn cũng có thể.

Và thông qua quá trình đó, bạn sẽ trở thành con người mà bạn mong muốn.

Tuệ Nhiên (Theo Inc.)

FILI