Doanh thu Tết Nguyên Đán của Trung Quốc mất đà vì kinh tế giảm tốc

Doanh thu Tết Nguyên Đán của Trung Quốc mất đà vì kinh tế giảm tốc

Trong dịp nghỉ lễ Tết Nguyên Đán kéo dài đến ngày Chủ nhật vừa qua (10/02), lần đầu tiên trong lịch sử, lượng tiêu thụ của nền kinh tế Trung Quốc chỉ tăng duy nhất một con số, nguyên nhân xuất phát từ đà giảm tốc kinh tế đã kéo theo sức mua giảm đáng kể ngay cả trong mùa mua sắm lớn nhất trong năm này.

Doanh số từ ngành bán lẻ và thực phẩm tăng 8.5% lên đến con số 1.005 ngàn tỷ Nhân dân tệ (149 tỷ USD) trong suốt kì nghỉ lễ kéo dài một tuần vừa qua, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết vào Chủ nhật, con số đó đã giảm 1.7% so với cùng kỳ năm 2018 và cũng là năm có doanh số thấp nhất kể từ thời điểm bắt đầu thu thập dữ liệu này vào năm 2005.

Với số lượng rất đông những người về quê hoặc đi nghỉ lễ trong suốt dịp Tết Nguyên Đán và dịp lễ Quốc Khánh, đáng lẽ đây phải là mùa “ăn nên làm ra” của các ngành như bán lẻ. Tuy nhiên, những “cơn gió ngược” như cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ đã làm nền kinh tế Trung Quốc bị vùi dập nghiêm trọng, khiến giá cổ phiếu tụt mạnh và kéo theo cả thị trường bất động sản xuống dốc. Trước tình cảnh đó, ngày càng nhiều doanh nghiệp  ở những khu vực công nghiệp nặng như tỉnh Quảng Đông đang phải cắt giảm biên chế, từ đó khiến tâm lí người tiêu dùng bị ảnh hưởng nặng nề.

Mức tăng trưởng chi tiêu ì ạch trong suốt kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán được đánh giá sẽ điềm báo cho bức tranh chi tiêu trong suốt cả năm Kỷ Hợi.

Lượng khách hàng vẫn khá thưa thớt một trung tâm mua sắm lớn ở Thượng Hải vào một buổi chiều thứ Bảy, trong đó một số lượng du khách rõ ràng là chỉ định ngắm đồ trong các cửa hàng chứ không hề muốn mua.

“Mọi thứ đều quá chát nên tôi không mua,” một người đàn ông 49 tuổi làm công nhân ở tỉnh Quảng Đông cho biết. “Tôi chỉ cần ngắm thôi là được.”

Mức tiêu thụ ở các trang web mua sắm trực tuyến vẫn tiếp tục tăng, trong đó tổng giá trị giao dịch của ông lớn bán lẻ JD.com trong mùa Tết tăng trưởng khoảng 42% mỗi năm, nhưng doanh số tại các cửa hàng và trung tâm mua sắm lại suy giảm, kéo tổng doanh số đi xuống.

Ngay cả một lĩnh vực vốn là lựa chọn giải trí hàng đầu trong các dịp lễ Tết như phim ảnh cũng chùn bước. Doanh thu từ các phòng vé trong kỳ nghỉ vừa rồi dường như vẫn không có gì thay đổi so với cùng kỳ năm 2018, giữ ở mức khoảng 5.8 tỷ Nhân dân tệ. Giới truyền thông Trung Quốc đã nhiều lần dự báo doanh thu từ các phòng vé sẽ vượt hơn 6 tỷ Nhân dân tệ, nhưng chỉ có khoảng 3 bộ phim gần đạt doanh thu 1 tỷ Nhân dân tệ và không thấy thêm được một bộ phim nào có doanh thu như vậy nữa.

Công viên giải trí Disneyland ở Thượng Hải, một điểm đến nổi tiếng vào dịp Tết Nguyên Đán, đón chào một lượng khách du lịch lớn đến từ những khu vực khác. Công viên đã bán hết vé trong vòng một buổi sáng ngày thứ Bảy (09/02), phải để cho nhân viên giải thích với những quan khách chưa kịp mua vé.

Bức tranh toàn cảnh cho ngành du lịch ở Trung Quốc mỗi lúc một ảm đạm hơn. Trong 12 tháng vừa qua, số lượng khách du lịch trong nước ở Trung Quốc chỉ tăng khoảng 7% lên đến 415 triệu lượt khách, thấp hơn mức khoảng 12% của năm 2018.

Tuy nhiên, lại có đến 7 triệu lượt khách Trung Quốc đi du lịch nước ngoài vào dịp lễ, một con số kỷ lục. Những du khách này dường như có xu hướng chuyển từ việc mua sắm ở nước ngoài thành việc đi tham quan ngắm cảnh.

Tuy vậy, mức tiêu dùng ở nước ngoài của những vị khách Trung Quốc “sẽ không sụt giảm mạnh”, Xu Xiangdong tại Trung tâm Nghiên cứu & Tư vấn Thị trường Trung Quốc cho biết. Ông Xu cũng đã dự đoán sẽ có sự gia tăng về lượng du khách Trung Quốc từ những thành phố có mức thu nhập khả dụng khá cao và có chi phí sinh hoạt thấp hơn ở những đô thị lớn.

Nhưng những đợt tiêu xài thả ga như xưa thì khó mà trở lại, ông Xu nói. “Các doanh nghiệp nên đáp ứng cho những nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng Trung Quốc”, ông cho biết thêm.

Trân Võ (Theo Nikkei Asian Review)

FiLi