Những cú hích cần có để thị trường chứng khoán Myanmar phát triển

Những cú hích cần có để thị trường chứng khoán Myanmar phát triển

Sau hơn 3 năm đi vào hoạt động, Sở Giao dịch Chứng khoán Yangon (YSX) vẫn còn đối mặt với tình trạng khối lượng giao dịch hàng ngày thấp và thiếu vắng các công ty có nguyện vọng lên sàn. Trong khi đó, những công ty đang xem xét việc tiến hành cổ phần hóa vẫn đang chờ đợi để đánh giá xem diễn biến trên thị trường ra sao, theo The Myanmar Times.

Cũng vì thực tế này, thị trường chứng khoán Myanmar hiện nay khá vắng lặng với sự tham gia của 5 doanh nghiệp niêm yết. Theo ý kiến của các chuyên gia cũng như những người trong cuộc, thị trường vốn Myanmar cần phải sôi động hơn để có thể thúc đẩy cho xu hướng tăng trưởng kinh tế quốc gia.

Theo các nhà kinh tế, để thúc đẩy xu hướng tăng trưởng đó, thị trường chứng khoán cần phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Với một thị trường vốn mạnh, các công ty có thể thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu.

Được biết, vào năm 2016 khi YSX chỉ mới có 3 doanh nghiệp niêm yết, khi đó có tổng cộng 2.55 triệu cổ phiếu đã được giao dịch với tổng giá trị giao dịch đạt 70.74 tỷ Kyat và có 70,000 giao dịch khối với tổng giá trị là 2.25 tỷ Kyat. Sang năm 2017, số lượng doanh nghiệp niêm yết đã tăng lên 4 với 2.71 triệu cổ phiếu đã được giao dịch, tổng giá trị giao dịch đạt 22.13 tỷ Kyat và có 1.6 triệu giao dịch khối với tổng giá trị là 7.22 tỷ Kyat.

Tuy nhiên, trong năm 2018 vừa qua, trong khi tổng số doanh nghiệp niêm yết trên YSX đã tăng lên 5 doanh nghiệp nhưng chỉ có 2.36 triệu cổ phiếu được giao dịch với tổng giá trị giao dịch đạt 11.5 tỷ Kyat và chỉ có 680,000 giao dịch khối với tổng giá trị đạt chỉ 2.51 tỷ Kyat.

U Aung Thura, CEO của Công ty Tư vấn thị trường vốn Thura Swiss Ltd., cho rằng: “Hiện nay, có quá ít hoạt động trên sàn chứng khoán và niềm tin cũng thiếu vắng. Việc cần thiết là xây dựng sự quan tâm đối với thị trường này. Cả Chính phủ và YSX đều cần phải nhiệt tình thực hiện”.

Ông U Maung Maung Thein, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, sự sụt giảm về khối lượng và giá trị giao dịch là một dấu hiệu kém khả quan.

Ông chia sẻ: “Thị trường khá trầm lắng. Ngoài tình trạng giao dịch kém, giá cổ phiếu cũng giảm. Đây là một dấu hiệu không mấy khả quan. Nếu như thị trường cứ duy trì tình trạng này thì chúng ta cần phải có hành động gì đó để có thể khởi động nó”. Ông U Maung Maung Thein cũng nói thêm, đây chính là nguyên nhân khiến nhiều công ty vẫn ở quan điểm chờ đợi cho kế hoạch niêm yết của họ.

Trong số những công ty lên kế hoạch niêm yết trên YSX, Myanmar Agribusiness Public Corp Ltd (MAPCO) đã thông báo công ty chỉ tiến hành cổ phần hóa sau năm 2020. Giám đốc quản lý U Ye Min Aung của MAPCO cho biết: “Chúng tôi có một số kế hoạch cải cách công ty. Chúng tôi cần chờ tình huống để có thể khuyến khích phát triển thị trường vốn trong nước. Myanmar sẽ tổ chức bầu cử vào năm 2020, thế nên nhà đầu tư trong và ngoài nước có lẽ không muốn đưa ra quyết định đầu tư trước năm này. Chúng tôi cần chờ xem”.

Ông U Ye Min Aung cho biết thêm, dù trì hoãn nhưng MAPCO vẫn đang tích cực làm việc để trở thành một doanh nghiệp niêm yết trên YSX. Ông chia sẻ: “Một điều chắc chắn đó là việc tái cơ cấu của MAPCO sẽ hoàn tất trong nửa đầu năm nay và chúng tôi sẽ chuẩn bị để lên sàn”.

Ngoài MAPCO, Công ty hạ tầng Great Horkan cũng đã xem xét đến việc niêm yết trên YSX từ tháng 9 năm ngoái. Tuy nhiên, Chủ tịch U Sai Ohn Myint của công ty này cho biết, vẫn còn một số điều trước tiên công ty cần phải xem két kỹ.

Một trong những điều mà các công ty có ý định niêm yết đang theo dõi chính là việc nhà đầu tư nước ngoài được phép tham gia giao dịch trên YSX.

Theo ông U Htay Chun, thành viên của Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Myanmar (SECM), các quy định cho phép người nước ngoài được mua bán chứng khoán trên thị trường chứng khoán trong nước có thể sẽ được công bố vào tháng 3. Ông nói: “Các quy định cho phép nhà đầu tư nước ngoài được tham gia trên thị trường chứng khoán trong nước đang ở giai đoạn cuối và đã được nộp lên Bộ Kế hoạch và Tài chính. Thị trường vẫn kém sôi động, thế nên chúng ta cần khuấy động nhiều thứ nhưng chưa thể phát triển ngay được”.

Đề cập đến quy định cho phép nhà đầu tư nước ngoài tham gia trên YSX, CEO U Aung Thura của Công ty Thura Swiss Ltd cho rằng, dù cuối cùng thì người nước ngoài cũng sẽ được phép mua bán cổ phiếu trên thị trường trong nước nhưng cần phải có nhiều công ty môi giới chứng khoán để phát triển thị trường. Ông nói: “Sẽ không có hiệu quả nếu như chỉ cho phép người nước ngoài mua cổ phần. Hiện chúng ta chỉ có một vài công ty môi giới chứng khoán để nhà đầu tư lựa chọn. Mặc khác, do có ít nhà đầu tư nên rất ít công ty hăng hái trở thành công ty môi giới chứng khoán do họ kiếm lời được rất ít”.

Ngoài ra, hồi đầu năm nay, Bộ Kế hoạch và Tài chính đã ra thông báo cho phép các công ty nước ngoài được tham gia vào thị trường bảo hiểm Myanmar. Theo ông U Aung Thura, động thái này của Chính phủ có thể mang lại tiềm năng để thị trường vốn và thị trường chứng khoán trong nước phát triển. Ông nói: “Việc cho phép các công ty bảo hiểm nước ngoài tham giao vào thị trường trong nước là rất tốt. Nếu như thị trường bảo hiểm phát triển, các công ty bảo hiểm thường đầu tư vào thị trường chứng khoán, thế nên sẽ tốt cho thị trường vốn trong tương lai”.

Tuy nhiên, ông U Aung Thura cũng cho rằng, Chính phủ cần tìm ra nhiều phương thức để gia tăng số lượng doanh nghiệp niêm yết. Ngoài ra, nhiều công ty trong nước không muốn bước vào thị trường chứng khoán do họ kém minh bạch và không tuân thủ quy định kinh doanh.

Ông U Aung Thura nói: “Nhiều công ty trong nước yếu kém về quản trị doanh nghiệp và tuân thủ quy định. Myanmar sẽ thu hút được nhiều đầu tư nếu như những yếu kém này có thể được khắc phục. Điều này có thể giúp các công ty đến gần hơn với khả năng huy động vốn thông qua niêm yết trên YSX”.

Đỗ Thảo (Theo The Myanmar Times)

FiLi