Nikkei 225 bật tăng 2% bất chấp bất ổn địa chính trị

Nikkei 225 bật tăng 2% bất chấp bất ổn địa chính trị

Chứng khoán châu Á khởi sắc vào buổi sáng ngày thứ Ba (12/02), dù Phố Wall vừa có một phiên giao dịch khá ảm đạm khi bất ổn địa chính trị tiếp tục gây áp lực lên nhà đầu tư.

Tính tới lúc 10h15 ngày thứ Ba (12/02 – giờ Việt Nam), thị trường chứng khoán Trung Quốc – vốn được đông đảo nhà đầu tư theo dõi vì cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung – tăng nhẹ vào đầu phiên. Cụ thể, Shanghai Composite tiến 7.7 điểm (tương đương 0.29%), còn Shenzhen Composite cộng 0.229%. Shenzhen Component tăng 0.205%.

Đáng chú ý nhất trong phiên này, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 412.11 điểm (tương đương 2.03%), còn Topix tiến 1.61%. Trong đó, cổ phiếu của ông lớn Fast Retailing vọt 2.2%.

Diễn biến trên thị trường chứng khoán châu Á vào lúc 10h15 giờ Việt Nam
Nguồn: CNBC

Bên cạnh đó, chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng nhẹ 6.95 điểm (tương đương 0.32%), khi cổ phiếu Samsung Electronics và SK Hynix vọt hơn 2%. Cổ phiếu LG Electronics tăng hơn 3.6%.

Trên thị trường Australia, chỉ số ASX 200 tiến 18.5 điểm (tương đương 0.31%) vào phiên chiều, khi phần lớn lĩnh vực đều tăng. Chỉ số tài chính – vốn chiếm tỷ trọng cao trong chỉ số chung – tăng 0.23% khi phần lớn cổ phiếu của nhóm Big4 ngân hàng khởi sắc. Cụ thể, cổ phiếu ANZ tiến 0.31% và National Australia Bank công 0.35%, còn Westpac gần như đi ngang. Ngược lại, cổ phiếu Commonwealth Bank (Australia) giảm 0.64%.

Áp lực từ thương mại Mỹ-Trung

Đêm qua, Phố Wall giao dịch khá ì ạch, khi nhà đầu tư xem xét tới khả năng Mỹ-Trung tiến tới thỏa thuận. Các quan chức từ Washington và Bắc Kinh sẽ tiếp tục đàm phán trong tuần này, với trọng tâm đặt vào sở hữu trí tuệ.

Cụ thể, chỉ số Dow Jones lùi 53.22 điểm xuống 25,053.11 điểm, xóa hết đà tăng 90 điểm vào đầu phiên. Chỉ số S&P 500 nhích gần 0.1% lên 2,709.80, khi đà tăng của lĩnh vực công nghiệp đã bị kìm hãm bởi đà sụt giảm của các lĩnh vực y tế và dịch vụ truyền thông. Chỉ số Nasdaq Composite tiến 0.1% lên 7,307.90 điểm.

Tờ Axios ghi nhận trong ngày Chủ nhật (10/02) rằng các cố vấn của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bàn luận về việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Trung vào tháng tới tại Mar-a-Lago, câu lạc bộ tư nhân của ông Trump ở Florida. Hội nghị thượng đỉnh có thể diễn ra sớm nhất vào giữa tháng 3/2019.

Thông tin trên được đưa ra sau khi ông Trump cho biết ông không định gặp ông Tập Cận Bình trước tháng 3/2019. Nếu cả hai bên không tiến tới một thỏa thuận trước ngày 01/03/2019, Mỹ dọa sẽ nâng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Mỹ. Tuy nhiên, tuần trước, một quan chức Nhà Trắng cho biết, hạn chót có thể thay đổi.

“Tôi nghĩ kịch bản có khả năng xảy ra nhất là có một thỏa thuận và hai bên không áp thêm thuế”, David Cui, Trưởng bộ phận chiến lược cổ phiếu Trung Quốc tại Bank of America Merrill Lynch, cho biết trong ngày thứ Ba (12/02).

“Vẫn có khả năng họ sẽ vẫn giữ lại những hàng rào thuế quan đã áp đặt trong năm trước thêm một thời gian để theo dõi thành quả, nhưng tôi nghĩ không có khả năng là sẽ có thêm hàng rào thuế quan mới. Ngoài ra, một kịch bản khả thi khác là gia hạn thời gian đàm phán thêm một vài tháng nữa để nhất trí về một số chi tiết. Tôi nghĩ trường hợp ít có khả năng xảy ra nhất là đàm phán đổ vỡ hoàn toàn”, ông nói thêm.

Thị trường tiền tệ

Chỉ số đồng USD – bám sát diễn biến của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác – ở mức 97.045 sau khi lên mức 97.1 trong ngày hôm qua.

Đồng JPY được giao dịch ở mức 110.46 đổi 1 USD sau khi rơi xuống mức 110.53 đổi 1 USD trước đó. Đồng AUD được giao dịch ở mức 0.7066 USD sau khi lên mức hơn 0.707 USD trong ngày hôm qua.

“Đồng USD đang hừng hực khí thế”, Kathy Lien, Giám đốc phụ trách chiến lược giao dịch ngoại hối tại BK Asset Management, cho biết trong một báo cáo. “Nhà đầu tư đang thúc đẩy đồng bạc xanh lên cao hơn tất cả đồng tiền chủ chốt khác và cũng vì thế, đồng Euro, JPY và Franc Thụy Sỹ rơi xuống mức đáy trong năm nay”, cô cho hay.

Vũ Hạo (Theo CNBC)

FiLi