Anh bất đồng về việc gia hạn tiến trình Brexit

Anh bất đồng về việc gia hạn tiến trình Brexit

Vụ “ly dị” ồn ào giữa Anh và Liên minh Châu Âu (EU) một lần nữa bị mắc kẹt giữa những yêu cầu từ Chính phủ đang bị chia rẽ sâu sắc của Theresa May và những gì mà EU sẵn lòng đáp ứng – lần này là về khoảng thời gian gia hạn thích hợp đối với Brexit.

Chỉ còn 9 ngày nữa là đến thời hạn Anh rời khỏi EU, nữ Thủ tướng Anh đang soạn thảo một yêu cầu gia hạn thời gian để có thể tiến tới một thỏa thuận được Quốc hội Anh ủng hộ. Nhưng bà đang đối mặt với áp lực từ phía Brussels và các Bộ trưởng trong Nội các về việc phải gia hạn bao lâu.

Vấn đề tối quan trọng bây giờ là Anh sắp rời khỏi EU vào ngày 29/03/2019 nếu như hai bên không có thỏa thuận – hoặc không gia hạn thêm thời gian – trước thời hạn đó.  Thỏa thuận “ly dị” của bà May đã bị Quốc hội Anh từ chối hai lần và hiện tại bà đang cần thêm thời gian để tìm kiếm hướng đi mới. Nhưng EU đang sử dụng những biện pháp cứng rắn đối với bất cứ điều kiện gia hạn nào và nhà đàm phán hàng đầu của EU đã đưa ra gợi ý rõ ràng về việc khối liên minh này muốn có một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai.

Rủi ro ở đây là nếu như Anh lựa chọn thời gian trì hoãn ngắn đối với Brexit, thì chỉ có thể trì hoãn quá trình Brexit thêm ba tháng, kéo dài tình trạng bất ổn và làm gia tăng chi phí tiềm ẩn đối với hoạt động kinh doanh.

Tờ Sky News đưa tin rằng bà May sẽ yêu cầu trì hoãn một thời gian ngắn trong bức thư gửi EU.

Thủ tướng Anh Theresa May.

Theo dự kiến vào ngày thứ Năm (21/03), bà May sẽ đến Brussels để dự Hội nghị thượng đỉnh với lãnh đạo các nước thuộc EU. Nhưng trong bối cảnh căng thẳng đang leo thang ở cả hai phía, các nhà ngoại giao đang thảo luận về khả năng cần tổ chức một cuộc họp khẩn cấp vào tuần sau để chính thức ký kết việc gia hạn Brexit. Một quan chức cấp cao của Anh đã lên tiếng cảnh báo về quan điểm cho rằng EU sẽ dễ dàng đồng ý việc gia hạn trong tuần này.

Sự chia rẽ sâu sắc

Những người ủng hộ Brexit trong Chính phủ của bà May phản đối ý tưởng trì hoãn Brexit. Họ đang vạch ra kế hoạch để ngăn chặn ý tưởng thời gian trì hoãn kéo dài hơn ba tháng. Họ sợ rằng việc tham gia vào cuộc bầu cử Quốc hội châu Âu diễn ra vào tháng 5/2019 sẽ đại diện cho thấy Anh thất bại trong việc thực hiện Brexit, gây chia rẽ Đảng Bảo thủ cầm quyền và có khả năng tạo ra làn sóng tâm lý chống đối EU – yếu tố có thể làm thay đổi bức tranh chính trị của nước Anh.

Ở Brussels lại là một tình cảnh khác, các quan chức tại đây chỉ cho bà May 3 tuần để đưa ra quyết định, hoặc là kéo dài thời hạn Brexit đến năm 2020 hoặc là mạo hiểm rời khỏi EU mà không có bất kỳ thỏa thuận nào vào tháng 7/2019. Nếu Anh không tham gia vào cuộc bầu cử Quốc hội châu Âu, thì quốc gia này sẽ bị loại khỏi khối liên minh vào tháng 7/2019, dựa theo bản phác thảo kế hoạch của EU.

Bà May đang phác thảo bức thư gửi đến EU để yêu cầu gia hạn Điều 50 qua sau ngày 29/03/2019. Bà muốn gia hạn thêm một khoảng thời gian ngắn, nhưng thấy rằng có vẻ như EU không muốn đáp ứng yêu cầu này, đồng thời lo ngại Quốc hội vẫn còn bị chia rẽ sâu sắc và có khả năng sẽ không bao giờ chấp nhận thỏa thuận mà bà đưa ra, theo nguồn tin thân cận.

Các quan chức EU cho biết việc trì hoãn dai dẳng có lẽ sẽ cần thiết cho việc suy nghĩ lại toàn bộ chính sách. Vào ngày thứ Ba (19/03), nhà đàm phán hàng đầu của châu Âu, Michel Barnier đã đưa ra một tín hiệu rõ ràng về việc EU muốn có một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai hoặc một cuộc bầu cử để có thể chấp nhận việc gia hạn.

Nhóm của bà May đang cân nhắc việc liệu có nên yêu cầu gia hạn thêm một khoảng thời gian dài, kéo dài thời hạn Brexit cho đến cuối năm 2019 hoặc lâu hơn nữa, hay là chỉ yêu cầu trì hoãn ngắn hạn cho đến cuối tháng 6/2019.

Nguy cơ đối với bà May là nếu như bà lựa chọn trì hoãn dài hạn thì việc này sẽ làm nảy sinh một làn sóng giận dữ vì sự thất bại của bà đối với tiến trình Brexit, có khả năng đi kèm với đơn xin từ chức của những Bộ trưởng cấp cao cùng với một thách thức mới đối với khả năng lãnh đạo của bà May.

Trân Võ (Theo Bloomberg)

Fili