Bóng đen u ám bao trùm cả châu Âu

Bóng đen u ám bao trùm cả châu Âu

Trong ngày thứ Năm (07/03), Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi cho biết gần đây, tăng trưởng kinh tế giảm tốc mạnh và đà giảm tốc này sẽ kéo dài cho tới năm nay.

Bóng đen u ám phủ bóng khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), trong đó diễn biến chính trị ở Italy đang rất khó lường và nước này đã bước vào suy thoái vào cuối năm 2018. Trong khi đó, ở Vương quốc Anh, thỏa thuận Brexit vẫn chưa được hoàn tất. Ngoài ra, cũng có mối lo về khả năng giảm tốc mạnh hơn dự báo của nền kinh tế Trung Quốc, xét tới sự phụ thuộc của các quốc gia vào hoạt động xuất khẩu hàng hóa tới nước này.

Trong tháng 12/2018, ECB dự báo tăng trưởng năm 2019 của châu Âu sẽ đạt mức 1.7%. Sau đó, dữ liệu cho thấy tăng trưởng có phần suy giảm mạnh hơn dự báo. ECB hạ dự báo tăng trưởng năm 2019 xuống 1.1% trong ngày thứ Năm (07/03).

Hôm thứ Tư (06/03), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho biết họ dự báo Eurozone chỉ tăng trưởng 1% trong năm nay.

ECB đang trong tình trạng rất khó khăn sau khi chấm dứt chương trình mua trái phiếu khổng lồ. Tăng trưởng dường như đã chững lại trong năm nay và lạm phát lõi vẫn dưới mức mục tiêu của ngân hàng.

Dấu hiệu hoảng loạn?

Carsten Brzeski, Chuyên gia kinh tế trưởng tại ING Germany, tự hỏi liệu động thái của ECB có phải là một dấu hiệu của sự hoảng sợ hay chỉ là muốn đi trước đón đầu?

“ECB khiến hầu hết mọi người kinh ngạc khi đưa ra các biện pháp mới, cố gắng tránh chắt chặt lập trường tiền tệ”, ông cho biết trong báo cáo nghiên cứu.

Brzeski cho biết chương trình tái cấp vốn dài hạn theo mục tiêu mới (TLTRO) và sự thay đổi trong lộ trình lãi suất thể hiện ECB đang cố gắng đi trước một bước. “Các biện pháp này thể hiện quyết tâm của ECB nhưng chẳng thể giải quyết các vấn đề dẫn tới đà giảm tốc hiện nay”, ông nhận định.

Karen Ward, Trưởng bộ phận chiến lược thị trường EMEA tại J.P. Morgan Asset Management, cho biết ECB giờ đã theo chân Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bằng sự thay đổi trong chính sách.

“Điều này có thể giúp ổn định tâm lý và hoạt động ở Eurozone. Thế nhưng để có sự xoay chiều ở châu Âu, chúng ta cần phải xem xét thêm về những gì đang diễn ra ở Bắc Kinh. Theo quan điểm của chúng tôi, cần phải có sự hồi phục đáng kể trong hoạt động kinh tế ở Trung Quốc thì kinh tế châu Âu mới tăng trưởng nhanh trở lại trong năm nay”, cô cho biết trong một báo cáo.

Vũ Hạo (Theo CNBC)

FiLi