Dầu WTI xuống đáy 1 tuần trước khả năng nhu cầu năng lượng suy yếu

Dầu WTI xuống đáy 1 tuần trước khả năng nhu cầu năng lượng suy yếu

Các hợp đồng dầu thô tương lai dao động trái chiều vào ngày thứ Hai (25/03), trong đó dầu WTI đánh dấu mức đóng cửa thấp nhất chỉ trong hơn 1 tuần do lo ngại kéo dài về đà giảm tốc kinh tế có thể làm nhu cầu năng lượng suy yếu, MarketWatch đưa tin.

Tuy nhiên, dầu Brent lại nhận được hỗ trợ từ động thái tiếp tục cắt giảm sản lượng của các nhà sản xuất dầu thô chủ chốt cũng như căng thẳng ở Venezuela.

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Hai, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 5 trên sàn Nymex lùi 22 xu (tương đương 0.4%) xuống 58.82 USD/thùng, mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 15/03/2019.

Hợp đồng dầu Brent giao tháng 5 trên sàn Luân Đôn tiến 18 xu (tương đương 0.3%) lên 67.21 USD/thùng.

Nỗi lo về đà giảm tốc kinh tế toàn cầu ngày càng tăng vào tuần trước sau khi dữ liệu sản xuất cho thấy nhiều dấu hiệu yếu kém ở Mỹ và châu Âu, trong đó chỉ số sản xuất PMI tại Mỹ giảm từ 53 xuống 52.5 trong tháng 3/2019. Các chỉ số quản lý mua hàng ở khu vực đồng Euro cũng yếu kém hơn nhiều so với dự báo. Được biết, chỉ số này thấp hơn 50 sẽ cho thấy tình hình đang xấu đi.

Dữ liệu kinh tế ảm đạm cũng như đà sụt giảm của lợi suất trái phiếu Chính phủ và sự đảo ngược đường cong lợi suất đã nhấn mạnh những lo ngại về triển vọng tăng trưởng toàn cầu và nhu cầu năng lượng.

“Bất chấp những nỗ lực liên tục từ nhóm OPEC+, lo ngại về sự suy yếu trong tăng trưởng nhu cầu toàn cầu tiếp tục gây sức ép đến đà tăng giá, theo đó, phiên ngày thứ Sáu (22/03) chứng kiến phiên giảm mạnh nhất đối với các hợp đồng dầu WTI và dầu Brent kể từ tháng 2/2019”, Balint Balazs, Chuyên gia phân tích hàng hóa toàn cầu tại Schneider Electric, nhận định.

“Tuy nhiên, hiện tại, các yếu tố cơ bản của dầu vẫn nghiêng về xu hướng leo dốc, với việc cắt giảm liên tục từ OPEC+ kết hợp với đà giảm sâu của dự trữ dầu thô và các sản phẩm xăng dầu tại Mỹ, qua đó báo hiệu rằng thị trường có thể chuyển sang giai đoạn thiếu cung”, ông Balazs cho hay.

Những nỗ lực từ Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) để cắt giảm sản lượng cùng với các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran và Venezuela đã mang đến một số hỗ trợ cho dầu, giúp giá dầu bứt phá hơn 20% từ đầu năm đến nay.

Bên cạnh đó, căng thẳng xung quanh thành viên OPEC, Venezuela, “nóng” lên trong ngày thứ Hai. Washington Post đưa tin Ngoại trưởng Mỹ, Mike Pompeo, nói với Ngoại trưởng Nga, Sergei Lavrov, rằng Mỹ “sẽ không đứng ngoài cuộc” nếu Nga tiếp tục gửi nhân viên quân sự đến Venezuela để hỗ trợ Chính quyền Nicolás Maduro. Nước Mỹ công nhận lãnh đạo phe đối lập Juan Guaidó là Tổng thống hợp pháp của Venezuela.

Cũng trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, hợp đồng xăng giao tháng 4 tiến 0.6% lên 1.938 USD/gallon. Hợp đồng dầu sưởi giao tháng 4 cộng 0.7% lên 1.980 USD/gallon.

Hợp đồng khí thiên nhiên giao tháng 4 nhích gần 0.1% lên 2.755 USD/MMBtu. Hợp đồng giao tháng 4 sẽ hết hạn vào cuối phiên ngày thứ Tư (27/03).

An Trần

Fili