Đường đến đỉnh A.I của ELSA

Đường đến đỉnh A.I của ELSA

Ứng dụng học tiếng Anh của người Việt nhận được 12 triệu USD vốn đầu tư từ Google.

vietstock
Ảnh: TL

ELSA là ứng dụng điện thoại đầu tiên của Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại được xếp trong top 5 các ứng dụng A.I (trí tuệ nhân tạo) thay đổi đời sống con người, theo Research Snipers. Cuối tháng 2, ELSA vừa nhận thêm 7 triệu USD từ vòng Series A tại Thung lũng Silicon. Tính đến hiện tại, Công ty đã gọi được 12 triệu USD nhưng điểm nổi bật trong vòng gọi vốn mới đây là sự tham gia của Gradient Ventures, quỹ mạo hiểm chuyên đầu tư vào A.I của Google.

Dạy máy học tiếng Anh

Thành lập năm 2015, ELSA là ứng dụng di động hiếm hoi của Việt Nam tham gia vào lĩnh vực nhận diện giọng nói. Càng khó hơn khi Công ty sử dụng chức năng này vào việc nhận dạng phát âm tiếng Anh và gợi ý cách nói chuẩn. Ứng dụng này hoạt động khá đơn giản, hệ thống bài học tích hợp bên trong sẽ phát âm các từ, câu và người sử dụng đọc lại. Ngay khi người sử dụng đọc xong, hệ thống chấm điểm sẽ được kích hoạt, phát âm càng chuẩn, điểm càng cao. Tuy nhiên, để nghe và hiểu được người sử dụng phát âm sai âm tiết nào là một quá trình phức tạp.

vietstock

Đầu tiên, ELSA phải thu thập dữ liệu của nhiều người nói tiếng Anh với nhiều ngữ điệu khác nhau. Tiếp đến hệ thống được học cách phát âm chuẩn và sử dụng thuật toán để so sánh các dữ liệu phát âm sai, tìm ra lỗi và đề xuất phát âm đúng.

Cách làm này, theo bà Văn Đinh Hồng Vũ, nhà sáng lập kiêm Giám đốc Điều hành Công ty, khiến ELSA rất khác so với các ứng dụng nhận diện giọng nói của Google, Amazon hay Apple. Sản phẩm này có độ chấp nhận lỗi sai trong phát âm khá lớn do mục đích được tạo ra là để thực hiện mệnh lệnh. “Với ELSA, chúng tôi không chỉ nghe đúng mà còn chỉ ra lỗi sai đến từng âm tiết”, bà Vũ nói.

Bằng kinh nghiệm của mình, người sáng lập ELSA và các cộng sự tin rằng phát âm đúng là nền tảng cho việc học ngôn ngữ. Phát âm đúng sẽ dẫn đến nghe tốt, từ đó, tạo được phản xạ để phát triển kỹ năng nói, đọc, viết. Đây cũng là điểm khác biệt với các giải pháp như Duolingo, Subasub (tiếng Anh qua video), FluentU.

Tính đến hiện tại, ELSA có 4 triệu lượt người sử dụng ở hơn 100 quốc gia. Ứng dụng hiện có hơn 1.200 bài học về kỹ năng phát âm và kỹ năng nói. Năm 2018, lượng học viên tăng hơn 300% so với năm 2017, phần lớn đến từ thị trường Việt Nam. Bà Vũ cho biết, các cột mốc đạt được là nhờ “hữu xạ tự nhiên hương”.

Mở rộng thị phần

Đối với một doanh nghiệp công nghệ, sản phẩm không chỉ đột phá mà khả năng thương mại hóa cao, nhất là khi có các nhà đầu tư tham gia. Chính vì thế, ngay khi nhận được vòng đầu tư mới, ELSA mở rộng thêm các thị trường mới là Nhật, Indonesia và Ấn Độ. Thu nhập đầu bình quân đầu người nhất nhì châu Á, tính tự học cao và khả năng phát âm tiếng Anh không giống bất cứ quốc gia nào nên không khó hiểu khi Nhật là một thị trường quan trọng của ELSA trong năm 2019. Nhất là khi tốc độ phát triển người sử dụng của ELSA ở Nhật đang tăng cao. “Chúng tôi sẽ mở văn phòng đại diện tại Tokyo”, bà Vũ nói.

Nguồn thu chính của Công ty đến từ việc bán lẻ PRO thông qua Google Store và Apple Store, nơi người sử dụng phải trả học phí từ 3-6 USD. Công ty mới đưa hình thức bán sỉ cho doanh nghiệp vào hoạt động nên tạm thời nguồn thu này chưa nhiều nhưng đây được xem là kênh tiềm năng trong kế hoạch kinh doanh mới.

Nhìn chung, mô hình ELSA là kinh doanh ứng dụng di động, các công ty này phải chia sẻ một phần doanh thu cho các kho ứng dụng của Google và Apple (thường là 30% cho năm đầu tiên, các năm sau có thể thấp hơn), sau đó cấn trừ cho chi phí tiếp thị (khoản chi phí nhiều nhất). Phần còn lại mới là doanh thu thực của Công ty.

Cạnh tranh cũng như rào cản trong cuộc chiến của các công ty kinh doanh ứng dụng di động chính là tính năng mới. Bà Vũ cho biết cuối năm 2019, Công ty sẽ đưa ra các tính năng mới thúc đẩy việc học tập theo cộng đồng và tiếp tục cải thiện khả năng A.I của ELSA.

Theo đó, hai chức năng nhịp điệu và ngữ điệu nói sẽ sớm được bổ sung vào phần Nói cho người học. Đồng thời, Công ty đã và đang phát triển nền tảng Bảng điều khiển lớp học (Teacher Dashboard) để giải quyết bài toán lười học của người sử dụng. Nền tảng cho phép người dạy/người quản lý tạo ra các lớp học tập hợp những người đang sử dụng ELSA, để có thể theo dõi quá trình học tập và lộ trình phát triển của họ.

Đây cũng là bước đi khá mới của ELSA so với các công ty cùng ngành, thay vì đầu tư chi phí cho việc quảng cáo trên các kho ứng dụng, ELSA sẽ hợp tác cùng các giáo viên để tăng độ phủ và mức độ sử dụng thường xuyên của mình.

“Chúng tôi không có ý định thay thế bất cứ thầy cô nào mà là công cụ giúp họ đạt được kết quả tốt nhất trong việc dạy và học tiếng Anh”, bà Vũ cho biết.

Huy Vũ

Nhịp Cầu Đầu Tư