Goldman Sachs: Hội chứng “sợ bỏ lỡ” có thể giúp chứng khoán Trung Quốc tăng thêm 50%

Goldman Sachs: Hội chứng “sợ bỏ lỡ” có thể giúp chứng khoán Trung Quốc tăng thêm 50%

Thị trường cổ phiếu Trung Quốc loại A có thể tăng mạnh khi tâm lý “sợ bỏ lỡ” (FOMO) đang lấn lướt trên thị trường, Goldman Sachs nhận định.

 Cổ phiếu Trung Quốc loại A là cổ phiếu của những công ty Trung Quốc được niêm yết ở Trung Quốc.

Chỉ số CSI 300 (bao gồm những cổ phiếu Trung Quốc loại A ở sàn Thượng Hải và Thâm Quyến) “có khả năng tăng thêm 50% hoặc 15% từ mức hiện tại nếu tâm lý lạc quan của nhà đầu tư trở về mức đỉnh tương ứng năm 2018 và năm 2015”, các chiến lược gia tại Goldman Sachs, dẫn đầu là Kinger Lau, viết trong báo cáo ngày Chủ nhật (10/03). Họ đề cập tới sự cải thiện về tâm lý yêu thích rủi ro và thiếu vắng sự tham gia của nhà đầu tư vào đà tăng trước đó là lý do để thị trường tăng thêm.

So với cuối năm 2018, chỉ số CSI 300 đã tăng 28% (tính tới ngày 06/03/2019), trở thành chỉ số tăng mạnh nhất thế giới trong tháng 2/2019, trước khi thụt lùi 5% trong hai ngày thứ Năm và thứ Sáu (8/3) khi nhà đầu tư lo ngại Bắc Kinh muốn đà tăng chậm lại. Chỉ số CSI 300 và các chỉ số chuẩn khác của Trung Quốc vẫn đang vượt trội hơn phần lớn các chỉ số cổ phiếu khác trên toàn cầu.

Goldman Sachs cho biết các cuộc trao đổi với khách hàng trong vài tuần gần đây tập trung vào việc so sánh tâm lý lạc quan tại mức đỉnh tháng 6/2015 và tháng 1/2018.

Tâm lý yêu thích rủi ro đối với chứng khoán Trung Quốc đã cải thiện đáng kể giữa lúc tràn trề hy vọng về khả năng tiến tới thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung, dòng vốn tiềm năng chảy vào thị trường cổ phiếu Trung Quốc loại A sau tuyên bố nâng tỷ trọng của MSCI, sự chuyển dịch lập trường chính sách sang hướng nới lỏng và giọng điệu hỗ trợ thị trường từ các nhà hoạch định chính sách cấp cao, Goldman Sachs cho hay.

Goldman Sachs nhận định nhiều nhà đầu tư vẫn chưa tham gia vào con sóng tăng giá trước đó. Các nhà đầu tư tổ chức trong nước có lượng tiền mặt tương đối cao tại thời điểm đầu năm, các quỹ tương hỗ tập trung vào cổ phiếu vẫn có thành quả kém hơn thị trường, các quỹ đầu tư chủ động trên toàn cầu vẫn đang có tỷ trọng đầu tư vào chỉ số MSCI China Index cực kỳ thấp, các quỹ thị trường mới nổi và châu Á ngoại trừ Nhật Bản chưa nâng tỷ trọng của cổ phiếu Trung Quốc loại A.

“Đà tăng trưởng mạnh của chỉ số chuẩn và áp lực về thành quả đã tạo ra tâm lý ‘sợ bỏ lỡ’ ở nơi nhà đầu tư trong nước”, các chiến lược gia tại Goldman Sachs cho biết. “Khả năng tăng giá nhờ tâm lý lạc quan của các nhà đầu tư nhỏ lẽ đang được phản ánh một cách hấp dẫn trong mức định giá hiện tại”.

Điều này không phải để nói là thị trường Trung Quốc sẽ đi lên một cách suôn sẻ. Goldman Sachs nhận thấy nhà đầu tư có khả năng chốt lời trong ngắn hạn sau đà tăng nhanh chóng gần đây, nhất là nếu các dữ liệu vĩ mô sắp tới tiếp tục thể hiện sự suy yếu, lợi nhuận doanh nghiệp nghiêng về hướng giảm, thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung gây ra hiệu ứng “ra tin là bán”.

Phần lớn nhà đầu tư mà Goldman Sachs trao đổi cùng đều cho là nếu thị trường suy giảm 5-10% so với mức đỉnh gần đây thì đó sẽ là mức hợp lý để trở lại thị trường”, theo báo cáo của Goldman Sachs.

Việc so sánh với lịch sử có thể không mang lại dự báo chính xác. Nhà đầu tư nhỏ lẻ chiếm tới 82% giá trị giao dịch của cổ phiếu Trung Quốc loại A trong năm 2017 và khó mà dự báo về hành vi đầu tư của họ. Goldman Sachs cho biết. Dù vậy, trong bối cảnh sắp có những sự kiện tích cực đối với chứng khoán Trung Quốc và nhà đầu tư cố gắng tham gia vào thị trường vì tâm lý FOMO, thị trường vẫn có khả năng tăng trưởng thêm.

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FiLi