Lộ diện thêm một nhà cung cấp Việt Nam cho hãng điện thoại di động quy mô toàn cầu

Lộ diện thêm một nhà cung cấp Việt Nam cho hãng điện thoại di động quy mô toàn cầu

Theo nguồn tin thân cận, An Trung Industries, công ty con của Tập đoàn An Phát Holdings (APH) vừa chính thức trở thành nhà cung cấp cho một Tập đoàn sản xuất điện thoại di động lớn nhất toàn cầu...

AAA đã bỏ ra số tiền gần 800 tỷ đồng để mua lại tổ hợp An Phát Complex (tên gọi trước đây là KCN Việt Hòa - Kenmark vốn đã bị bỏ hoang hơn 10 năm của nhà đầu tư Đài Loan). Hiện tại, AAA đã hoàn thiện mọi thủ tục pháp lý để chính thức hóa sở hữu toàn bộ An Phát Complex. Từ một khu đất trống rộng 46 ha bị bỏ hoang, trong vòng 4 tháng kể từ khi được AAA tiếp quản, An Phát Complex đã lột xác hoàn toàn.

Công ty con của Tập đoàn An Phát Holdings (APH) - CTCP An Trung Industries nằm trong khu tổ hợp An Phát Complex thuộc sở hữu của CTCP Nhựa và Môi trường Xanh An Phát (HOSE: AAA), là đơn vị sản xuất chủ yếu các sản phẩm linh kiện nhựa điện tử với hệ thống nhà xưởng, máy móc được đầu tư hiện đại, dây chuyền máy móc nhập khẩu từ Nhật Bản, Hàn Quốc.

Với chiến lược đa dạng hóa sản phẩm, An Trung Industries mở rộng danh mục sản phẩm sang nhóm nhựa điện tử cho thiết bị di động, hướng tới khách hàng mục tiêu là các công ty FDI sản xuất điện thoại di động.

Được biết, quá trình trở thành vendor cho Tập đoàn sản xuất điện thoại di động toàn cầu là một hành trình dài với rất nhiều khó khăn của An Trung Industries. Tiêu chí tuyển chọn nhà cung cấp của tất cả các hãng sản xuất hầu như đều dựa trên 3 yếu tố sống còn là: Chất lượng - Giá cả - Thời gian. Tuy nghe nói thì đơn giản nhưng để vượt qua 3 tiêu chí này là cả một câu chuyện dài.

Các chuyên gia của Tập đoàn này cũng trực tiếp đến nhà máy để kiểm tra, đưa ra các yêu cầu ngặt nghèo về chất lượng, mô hình sản xuất…

Dây chuyền ATP.

Do vậy, cả An Trung và APH đã phải đầu tư máy móc, nhân lực và vật lực, đồng thời cải tiến sản xuất lên mức tối đa, chạy thử nghiệm sản phẩm order từ bên Tập đoàn này trong một thời gian kéo dài liên tục hơn 1 năm và thậm chí gần như không có lợi nhuận.

Bên cạnh đó, APH còn mua mới hàng loạt dây chuyền sản xuất từ Nhật Bản, Hàn Quốc như Sumitomo để chạy thử nghiệm sản phẩm, đầu tư thêm về công nghệ, quản lý nhân lực theo các nguyên tắc 5S, ISO… như yêu cầu của nhà sản xuất.

Việc cật lực đi trên con đường trở thành nhà cung cấp cho “ông lớn” này như là con dao 2 lưỡi, hoặc là thành công, trở thành nhà cung cấp và tăng giá trị cho APH, hoặc là APH phải gánh một khoản chi phí đầu tư khủng.

Được biết, điện thoại của Tập đoàn này hiện nay đa phần được sản xuất ở Việt Nam nhưng phần còn lại cũng được sản xuất ở Bắc Mỹ, Brazil, Hàn Quốc… và sản phẩm của An Trung cũng phải đảm bảo tương tự như sản phẩm của các nước tiên tiến khác.

Ngoài “ông lớn” toàn cầu kể trên, hiện nay An Trung cũng đang là nhà cung ứng cho một sản phẩm điện thoại mang thương hiệu Việt.

Công nhân đang sản xuất tại An Trung.

Nhà máy của An Trung có công suất 9 triệu sản phẩm mỗi tháng, 42 dây chuyền sản xuất, diện tích 10,000m2, đặt tại Khu Công nghiệp Kỹ thuật cao An Phát Complex (APC) – thuộc sở hữu của AAA, nơi tập trung sản xuất quy mô lớn của các đơn vị thuộc An Phát Holdings.

Trong định hướng của An Phát Holdings và AAA, An Phát Complex sẽ trở thành địa điểm tập trung các công nghệ sản xuất, R&D hiện đại và cho ra đời những sản phẩm chuyên linh kiện nhựa kỹ thuật, nhựa gia dụng, bao bì jumbo… của Tập đoàn và nhiều doanh nghiệp khác.

Dự kiến, năm 2019, tỷ lệ lấp đầy của An Phát Complex là 50% và năm 2020 sẽ đạt 100%. Trong bối cảnh dòng vốn FDI đang đổ vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp cơ khí, chiếm gần 82% tổng vốn đầu tư (số liệu 2 tháng đầu năm 2019), ngành công nghiệp hỗ trợ và các khu công nghiệp được nhận định sẽ tiếp tục phát triển. Đây sẽ là cơ hội cho An Phát Complex và AAA.

FILI