Rớt hơn 2%, dầu WTI chấm dứt mạch tăng vì nỗi lo về nhu cầu

Rớt hơn 2%, dầu WTI chấm dứt mạch tăng vì nỗi lo về nhu cầu

Các hợp đồng dầu thô tương lai đảo chiều trong ngày thứ Sáu (01/03), giảm 2% khi dữ liệu sản xuất công nghiệp bi quan từ Mỹ làm dấy lên nỗi lo về tăng trưởng nhu cầu năng lượng toàn cầu.

Chỉ số hoạt động sản xuất công nghiệp ISM trong tháng 2/2019 giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11/2016 và dưới mức kỳ vọng.

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu (01/03), hợp đồng WTI tương lai giảm 1.42 USD (tương đương 2.5%) xuống 55.80 USD/thùng. Hợp đồng này trước đó chạm mức 57.88 USD/thùng.

Hợp đồng dầu Brent tương lai giảm 1.32 USD xuống 64.99 USD/thùng, sau khi chạm mức đỉnh trong phiên 67.14 USD/thùng trước đó.

Dữ liệu bi quan càng làm nỗi lo về nhu cầu thêm phần trầm trọng. Một cuộc thăm dò của Reuters cho thấy các chuyên viên phân tích dự báo lượng tiêu thụ nhiên liệu tn cầu sẽ giảm trong năm nay khi đối mặt với tình trạng giảm tốc kinh tế trên diện rộng.

Trong tháng 2/2019, hoạt động sản xuất công nghiệp của Trung Quốc suy giảm tháng thứ 3 liên tiếp khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tiếp tục chật vật với số lượng hàng xuất khẩu yếu ớt, một cuộc khảo sát tư nhân cho thấy trong ngày thứ Sáu (01/03).

Đà suy yếu cũng hiện hữu ở các quốc gia trong khu vực. Kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc suy giảm mạnh nhất trong gần 3 năm trong tháng 2/2019 khi nhu cầu từ Trung Quốc giảm thêm.

Dù vậy, lượng tiêu thụ nhiên liệu – nhất là ở các nền kinh tế đang phát triển của châu Á, là yếu tố chi phối nhu cầu dầu toàn cầu – cho tới nay vẫn đứng vững.

Chẳng hạn, lượng tiêu thụ dầu diesel của Ấn Độ được dự báo tăng lên mức kỷ lục trong năm nay giữa lúc tăng trưởng kinh tế đạt mức 7%.

Khả năng nhu cầu suy giảm có thể phá hoại nỗ lực giảm bớt tình trạng dư cung toàn cầu của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC).

Kết quả thăm dò của Reuters cho thấy OPEC đã bơm 30.68 triệu thùng/ngày trong tháng 2/2019, giảm 300,000 thùng so với tháng 1/2019 và thấp nhất kể từ năm 2015.

Ở Venezuela, kim ngạch xuất khẩu dầu đã lao dốc 40% xuống quanh mức 920,000 thùng/ngày kể từ khi Chính phủ Mỹ áp lệnh trừng phạt lên ngành dầu khí nước này vào ngày 28/01/2019.

OPEC – trong đó Venezuela là một thành viên sáng lập – đang dẫn dắt nỗ lực cắt giảm 1.2 triệu thùng/ngày ra khỏi thị trường để hỗ trợ giá dầu. Venezuela được miễn tham gia vào đợt cắt giảm này.

Đà giảm của sản lượng dầu OPEC diễn ra trong lúc Mỹ đang bơm dầu ở mức kỷ lục.

Trong ngày thứ Năm (28/02), tỉnh sản xuất dầu lớn Alberta của Canada đã tăng mức dầu thô mà các công ty có thể sản xuất trong tháng 4/2019 lên 3.66 triệu thùng/ngày, tăng 100,000 thùng/ngày từ mức giới hạn áp vào tháng 1/2019.

Vũ Hạo (Theo CNBC)

FiLi