Sắc xanh trở về chứng khoán châu Á khi Mỹ-Trung tiếp tục đàm phán thương mại

Sắc xanh trở về chứng khoán châu Á khi Mỹ-Trung tiếp tục đàm phán thương mại

Chứng khoán châu Á phần lớn đều khởi sắc vào sáng ngày thứ Sáu (29/03) khi Mỹ và Trung Quốc tiếp tục đàm phán thương mại ở Bắc Kinh.

Tính tới lúc 8h53 ngày thứ Sáu (29/03 – giờ Việt Nam), chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 141.08 điểm (tương đương 0.67%) khi cổ phiếu của tập đoàn đa ngành và chiếm tỷ trọng cao trong chỉ số chung Softbank Group vọt 1.66%. Còn Topix cộng 0.78%.

Trên thị trường Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite tăng 6.59 điểm (tương đương 0.22%), còn Hang Seng của Hồng Kông tiến nhẹ 0.06%.

Diễn biến trên thị trường chứng khoán châu Á vào lúc 8h53 giờ Việt Nam
Nguồn: CNBC

Chỉ số ASX 200 của Australia cộng 15.4 điểm (tương đương 0.25%) khi phần lớn lĩnh vực đều khởi sắc.

Ở Hàn Quốc, chỉ số Kospi quay đầu giảm 0.06% mặc dù cổ phiếu SK Hynix và Hyundai Motor tiến lần lượt 0.97% và 0.84%.

Chứng khoán Mỹ khởi sắc vào ngày thứ Năm (28/03), khi đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tái khởi động, nhưng lo ngại về đà giảm tốc của nền kinh tế vẫn tồn tại.

Cụ thể, chỉ số Dow Jones tăng 91.87 điểm lên 25,717.46 điểm, khi cổ phiếu Nike và J.P. Morgan Chase có thành quả vượt trội. Chỉ số S&P 500 tiến 0.4% lên 2,815.44 điểm. Chỉ số này cũng hướng đến quý đầu tiên trong năm có thành quả tốt nhất kể từ năm 1998, khi đã leo dốc 12.3% từ đầu năm đến nay. Chỉ số Nasdaq Composite cộng 0.3% lên 7,669.17 điểm.

Reuters đưa tin đêm qua rằng các quan chức Trung Quốc đã đưa ra những đề nghị chưa từng có liên quan đến việc ép buộc chuyển giao công nghệ cũng như các vấn đề quan trọng khác. Thông tin này đưa ra sau khi Đại diện Thương mại Mỹ, Robert Lighthizer, và Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Steven Mnuchin, đã đến Bắc Kinh để tiếp tục đàm phán.

Mỹ và Trung Quốc đã có thêm bước tiến về tất cả vấn đề trong các cuộc đàm phán thương mại, trong đó đáng chú ý nhất là việc Trung Quốc đưa ra đề xuất chưa từng có về vấn đề chuyển giao công nghệ bắt buộc, các quan chức Mỹ nói với Reuters trong ngày thứ Tư (27/03).

Một quan chức cho biết Trung Quốc đã đưa ra các đề xuất chưa từng có trước đây, qua đó làm dấy lên hy vọng về một thỏa thuận sẽ đáp ứng được các yêu cầu của Mỹ về việc cải cách cấu trúc nền kinh tế Trung Quốc.

“Họ đang trao đổi về chuyển giao công nghệ bắt buộc theo một cách chưa từng có trước đây – cả về phạm vi và các chi tiết cụ thể”, vị quan chức này cho hay.

Thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc là một vấn đề quan trọng đối với Phố Wall khi nhà đầu tư lo ngại sự bế tắc kéo dài giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế.

Đàm phán giữa hai nước tiếp tục trong bối cảnh lo ngại ngày càng tăng về đà giảm tốc của nền kinh tế khi thị trường trái phiếu phát đi những tín hiệu cho thấy khả năng một cuộc suy thoái sẽ sớm diễn ra.

Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm chạm mức thấp nhất kể từ tháng 12/2017. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm tiếp tục giảm sau khi dao động thấp hơn lợi suất trái phiếu kỳ hạn 3 tháng hồi tuần trước – một hiện tượng được mô tả là sự đảo ngược đường cong lợi suất. Đây thường được xem là một dấu hiệu cho thấy một cuộc suy thoái có thể nổ ra.

Tuy nhiên, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm đã phục hồi phần nào vào ngày thứ Năm, dao động tại mức 2.388%.

Về thông tin kinh tế, tăng trưởng kinh tế Mỹ đạt 2.2% trong quý 4/2018, báo cáo kết quả cuối cùng của Chính phủ công bố ngày thứ Năm cho thấy.

Chỉ số đồng USD – thước đo diễn biến của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác – dao động ở mức 97.192 sau khi tăng từ mức dưới 97 trong ngày hôm qua.

Đồng JPY được giao dịch ở mức 110.65 đổi 1 USD sau khi dao động quanh 110 đổi 1 USD trong ngày hôm qua. Đồng AUD được “sang tay” ở mức 0.7083 USD sau khi giảm từ mức 0.71 USD trong phiên trước.

Vũ Hạo (Theo CNBC)

FiLi