Thâm hụt thương mại của Mỹ có thể tăng thêm 100 tỷ USD

Thâm hụt thương mại của Mỹ có thể tăng thêm 100 tỷ USD

Tổng thống Mỹ Donald Trump – người tự gọi mình là Ông Thuế quan (Tariff Man) – sắp trở thành Ông 100 tỷ USD.

Nếu xu hướng của năm 2018 và những kỳ vọng của các chuyên gia kinh tế trở thành hiện thực, dữ liệu thương mại sắp được công bố trong ngày thứ Tư (06/03) sẽ cho thấy thâm hụt thương mại về hàng hóa và dịch vụ của Mỹ với thế giới có thể vượt mức 600 tỷ USD trong năm 2018. Điều này có nghĩa, dưới thời ông Trump, thâm hụt thương mại của Mỹ tăng thêm hơn 100 tỷ USD. Được biết, thâm hụt thương mại thường là thước đo chính mà ông Trump dựa vào để đánh giá quốc gia đó đang thắng hay thua.

Dưới góc nhìn khác, theo chính thước đo chuẩn của ông Trump, nước Mỹ đang tồi tệ hơn khoảng 20% so với thời điểm cuối năm 2016, trước khi ông nhậm chức Tổng thống Mỹ.

Các chuyên gia kinh tế không hề nhấn mạnh quá nhiều tới cán cân thương mại Mỹ. Xét chung, đây là một thước đo tính toán thường dịch chuyển ngược với tình hình kinh tế.

Thâm hụt thương mại Mỹ giảm mạnh nhất trong năm 2009 (giảm hơn 300 tỷ USD trong 1 năm), nhưng đi kèm với đó là suy thoái sắp xảy ra. Kết quả là nhu cầu của người dân Mỹ đối với hàng hóa nhập khẩu cũng giảm mạnh. (Kết quả của việc này là trong 8 năm Barack Obama giữ chức Tổng thống Mỹ, thâm hụt thương mại của Mỹ với thế giới giảm hơn 200 tỷ USD)

“Đây là lý do chính tại sao các chuyên gia kinh tế lại nói ‘bạn không thực sự muốn đây là cách ghi điểm của bản thân’”, Phil Levy, cựu Chuyên gia kinh tế cấp cao về thương mại với Hội đồng Cố vấn Kinh tế của cựu Tổng thống George W. Bush, nhận định. “Đây không phải là chuyện ngẫu nhiên. Khi mọi thứ đang bùng nổ thì chúng ta càng tiêu thụ thêm nhiều hàng hóa nhập khẩu”.

Dù có chữ thương mại, nhưng thâm hụt thương mại thường ít liên quan tới chính sách thương mại hơn là chính sách kinh tế vĩ mô.

Yếu tố dài hạn dẫn tới thâm hụt thương mại dài dăng dẳng kể từ năm 1975 là chênh lệch giữa tỷ lệ tiết kiệm thấp của Mỹ và sự hấp dẫn của Mỹ như là một điểm đến đầu tư, một phần là do vai trò đồng tiền dự trữ trên thế giới của đồng USD. Do đó, khi đồng USD mạnh hơn, thâm hụt thương mại cũng gia tăng khi hàng hóa nhập khẩu trở nên rẻ hơn và giá hàng hóa xuất khẩu bằng đồng USD lại trở nên đắt đỏ hơn trên thương trường quốc tế.

Trong 11 tháng đầu năm 2018, thâm hụt hàng hóa và dịch vụ của Mỹ với thế giới tăng 52 tỷ USD (tương đương 10%) so với cùng kỳ năm 2017. Nếu xu hướng này tiếp tục trong tháng 12/2018 thì các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Bloomberg dự báo thâm hụt thương mại của Mỹ sẽ tăng lên 610 tỷ USD trong năm 2018, cao hơn nhiều so với mức 502 tỷ USD trong năm 2016.

Yếu tố dẫn tới đà tăng của thâm hụt thương mại dưới thời Trump là việc mở rộng tài khóa từ các đợt cắt giảm thuế và đồng USD mạnh hơn – một phần là do nền kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh.

Những người ủng hộ ông Trump khăng khăng cho rằng ông ấy đang giải quyết vấn đề này thông qua các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc và các đối tác thương mại khác. Họ cũng chỉ ra việc tái thương lượng thỏa thuận NAFTA sẽ giúp giảm bớt thâm hụt thương mại Mỹ trong dài hạn.

Thế nhưng, chính sách thương mại của Trump cũng góp phần dẫn tới sự gia tăng của thâm hụt thương mại trong năm 2018. Các hàng rào thuế quan đã áp lên hàng hóa Trung Quốc đã khiến các nhà nhập khẩu đổ xô nhập hàng trước khi hàng rào thuế quan có hiệu lực. Đánh trả lại, Trung Quốc áp thêm thuế lên hàng hóa Mỹ, trong đó đáng chú ý nhất là nông sản Mỹ, như đậu nành.

Hơn nữa, các lời lẽ tấn công và đe dọa áp thuế lên các đối tác thương mại từ Trung Quốc cho tới Liên minh châu Âu (EU) cũng góp phần dẫn tới sự giảm tốc ở những quốc gia đó và từ đó cũng làm giảm nhu cầu đối với hàng hóa Mỹ.

Ông Trump và những người ủng hộ ông đổ lỗi một phần cho Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), cho rằng quyết định nâng lãi suất trong năm 2018 đã thúc đẩy đồng USD. Ông Trump phàn nàn rằng đồng USD mạnh hơn đã làm giảm ưu thế của ông trong các cuộc chiến thương mại và gây tổn thương tới tăng trưởng tại Mỹ.

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FiLi