Tranh cãi quanh quyết định bầu tân Chủ tịch HĐQT Eximbank

Tranh cãi quanh quyết định bầu tân Chủ tịch HĐQT Eximbank

Ông Lê Minh Quốc, người vừa bị bãi nhiệm Chủ tịch HĐQT, cho rằng phiên họp bầu bà Lương Thị Cẩm Tú được tiến hành không đúng quy định.

* Ông Lê Minh Quốc: "Bầu tân Chủ tịch HĐQT trái điều lệ của Eximbank"

Eximbank 'lên tiếng' vụ lùm xùm ghế ‘nóng’

Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Việt Nam công bố việc bà Lương Thị Cẩm Tú (cựu CEO Nam A Bank) được bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) nhiệm kỳ VI (2015 - 2020) sau cuộc họp ngày 22/3. Vài ngày sau đó, chia sẻ với báo chí, ông Lê Minh Quốc - người vừa bị bãi nhiệm Chủ tịch HĐQT cho rằng cuộc họp trên được tiến hành trái quy định.

Theo lời ông Lê Minh Quốc, ngày 11/3, ông đã có đơn xin cứu xét, phản ánh tình hình bất ổn trong HĐQT Eximbank gửi Ngân hàng Nhà nước xin can thiệp "khẩn cấp và triệt để". Ngày 19/3, ông nhận được email từ Văn phòng HĐQT gửi tài liệu kèm thư triệu tập phiên họp HĐQT ngày 22/3 (thư đề ngày 15/3/2019 và do 5 thành viên HĐQT ký).

Cũng trong ngày này, ông đã nhận được văn bản của Chánh Thanh tra, Giám sát Ngân hàng Nhà nước yêu cầu Chủ tịch HĐQT, HĐQT Eximbank gửi toàn bộ hồ sơ tài liệu (liên quan đến nội dung của đơn cứu xét ông Quốc đã gửi từ ngày 11/3) về cơ quan này để được xem xét và giải quyết. Do vậy, ngày 20/3, ông có văn bản yêu cầu không thực hiện cuộc họp HĐQT vào 22/3 do nhóm 5 thành viên HĐQT triệu tập.

Giao dịch tại một chi nhánh Eximbank. Ảnh: Lệ Chi.

Tuy nhiên, vào ngày này nhóm thành viên HĐQT vẫn tổ chức cuộc họp để bầu bà Lương Thị Cẩm Tú thay thế ông làm Chủ tịch HĐQT Eximbank. "Hành động trên là trái với điều lệ Eximbank, gây bất ổn trong HĐQT ngân hàng", ông cho biết.

Ông Quốc cho rằng Eximbank trong hơn ba năm qua (từ 2016 đến nay) vẫn đạt những kết quả và tăng trưởng nhất định; giữ được sự ổn định và phát triển qua rất nhiều biến cố. Nhưng theo ông, từ khi bà Lương Thị Cẩm Tú (nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng Nam Á) trở thành thành viên HĐQT Eximbank vào tháng 4/2018, một nhóm thành viên HĐQT luôn gây khó khăn cho ông trong công tác điều hành.

Ông cũng thông tin thêm, cổ đông Nhật Sumitomo Mitsui Banking Corporation (đang nắm 15% cổ phần Eximbank và có 2 đại diện là thành viên HĐQT) đã có một trong hai thành viên đột nhiên xin từ chức. Việc này kéo theo sự biến động trong các phiên họp mà không có đầy đủ thành viên dẫn đến một số ủy quyền và điều này vô hình chung tạo cơ hội cho việc "tổ chức các phiên họp trái phép và sai thủ tục".

Điều lệ của Eximbank quy định, Chủ tịch Hội đồng quản trị phải triệu tập họp Hội đồng quản trị khi có ít nhất đề nghị từ 2 thành viên HĐQT.

Cuộc họp HĐQT được tiến hành khi có từ ba phần tư tổng số thành viên trở lên dự họp. Trường hợp không trực tiếp dự họp, thành viên HĐQT có quyền ủy quyền biểu quyết cho một thành viên HĐQT khác hoặc gửi ý kiến biểu quyết bằng văn bản.

Trong khi đó, theo Quy chế quản trị nội bộ của Eximbank, nếu cuộc họp HĐQT lần 1 triệu tập bất thành, cuộc họp HĐQT lần hai được tiến hành nếu có hơn một phần hai số thành viên HĐQT dự họp.

Tối 25/3, Eximbank đã phát đi thông cáo phủ nhận cáo buộc trên của ông Lê Minh Quốc và khẳng định, việc HĐQT Eximbank tổ chức phiên họp ngày 22/3 để bổ nhiệm bà Lương Thị Cẩm Tú là theo đúng quy định của Luật Doanh nghiệp và theo điều lệ Eximbank.

Ngoài ra, ngân hàng này cho rằng số lượng thành viên HĐQT tham dự tại phiên họp ngày 22/3 và các phiên họp trước đó đều thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, trong đó có sự đồng thuận của hai thành viên HĐQT đại diện cho cổ đông Sumitomo Mitsui Banking Corporation - Cổ đông chiến lược của Eximbank.

HĐQT cũng đã có văn bản báo cáo cơ quan chức năng, Ngân hàng Nhà nước và thực hiện việc công bố thông tin theo đúng quy định của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc bổ nhiệm Chủ tịch HĐQT mới.

Trả lời VnExpress chiều 26/3, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết đã nhận được hồ sơ liên quan vụ việc trên và sẽ cử một đoàn công tác vào làm việc, kiểm tra hoặc thanh tra với Eximbank. "Tất cả vấn đề liên quan, kể cả việc bầu chủ tịch của ngân hàng này, Ngân hàng Nhà nước không can thiệp mà phải căn cứ theo đúng các quy định của pháp luật cũng như điều lệ của tổ chức tín dụng", đại diện này nói.

Thời gian qua, nhân sự cấp cao luôn là điểm nóng của Eximbank. Trên sàn chứng khoán, chỉ trong chưa tới ba tháng, từ cuối tháng 12/2018 đến nay, cổ phiếu EIB của Eximbank đã tăng gần 25%, đi ngược với xu hướng chung của thị trường. Cùng với đó là những phiên giao dịch với khối lượng thỏa thuận cao đột biến.

Thanh khoản trên thị trường khớp lệnh của cổ phiếu EIB chỉ vài trăm nghìn đơn vị mỗi phiên nhưng lượng cổ phiếu được trao tay trên thị trường thỏa thuận thường trực trên vài triệu đơn vị, cá biệt có những phiên đạt gần 30 triệu cổ phiếu được giao dịch. Từ đầu năm đến nay đã có gần 195 triệu cổ phiếu EIB được giao dịch qua phương thức thỏa thuận, tương đương với 20% cổ phần của Eximbank đang được lưu hành.

Thanh Lê - Minh Sơn

vnexpress