Ba bài học từ J. R. R. Tolkien, tác giả bộ truyện “Chúa tể của những chiếc chẫn”

Ba bài học từ J. R. R. Tolkien, tác giả bộ truyện “Chúa tể của những chiếc chẫn”

Ngày đọc Tolkien (Tolkein Reading Day), một sự kiện thường niên diễn ra vào ngày 25/03, cũng là một ngày đẹp trời để chúng ta suy ngẫm về J. R. R. Tolkien, tác giả huyền thoại của tuyệt tác "Chúa tể của những chiếc nhẫn" (The Lord of the Rings).

 

Bộ truyện "Chúa tể của những chiếc nhẫn", ban đầu dự định chỉ xuất bản một tập nhưng cuối cùng được chia thành ba phần, xuất bản từ năm 1954 - 1955, được nhiều người nhìn nhận là một trong những tiểu thuyết vĩ đại nhất từ trước đến nay.

Nhưng nhiều người cũng cho rằng chính cuộc đời của tác giả và học giả J. R. R. Tolkien cũng không kém phần thú vị. Từ khi còn trẻ, ông đã say mê với ngôn ngữ và cuối cùng ông tiếp tục phát triển và phát minh ra một số ngôn ngữ của riêng ông. Tolkien từng phục vụ trong cả Chiến tranh thế giới thứ nhất và thứ hai, và là một thành viên của nhóm các nhà văn huyền thoại - nhóm Inklings - trong đó bao gồm một tác giả nổi tiếng khác là C. S. Lewis.

Phần lớn cuộc đời của Tolkien là một nguồn cảm hứng, đặc biệt đối với những ai hiện đang không thể dành toàn bộ thời gian để theo đuổi đam mê của bản thân. Đáng ngạc nhiên thay, trong suốt cuộc đời và thậm chí cả lúc ông sáng tác bộ truyện "Chúa tể của những chiếc nhẫn", Tolkien không phải lúc nào cũng dành toàn bộ thời gian cho việc viết lách.

KHÔNG TIN ĐƯỢC LÀ ANH ẤY LẠI NÓI LỜI CHIA TAY KHI CON ĐƯỜNG TỐI DẦN.

- J. R. R. TOLKIEN

Dưới đây là 3 bài học từ J. R. R. Tolkien, tác giả của bộ truyện huyền thoại "Chúa tể những chiếc nhẫn".

1. Theo đuổi đam mê suốt đời, chứ không phải chỉ trong ngắn hạn

Năm 1914, chàng thanh niên 22 tuổi John Ronald Reuel Tolkien, đã đọc được một cụm từ trong một bản thảo tiếng Anh cũ, và đó chính là thứ về sau đã truyền cảm hứng cho ông để viết ra một trong những tiểu thuyết giả tưởng được yêu thích nhất trên thế giới.

Đó là từ "Trung Địa" và từ đó xuất hiện một bài thơ ngắn, trong đó ông viết về "người hobbit" và một thế giới rất khác với thế giới của chúng ta.

Nhưng hành trình để Tolkien có thể hình dung ra câu chuyện đồ sộ của ông không phải là ngắn. Trên thực tế, chỉ nhìn vào dòng thời gian để ông có thể hoàn thành tác phẩm cũng đã đủ choáng ngợp:

  • 1917: Tolkien viết câu truyện ngắn đầu tiên dựa trên thế giới và thần thoại mới mẻ của ông có tựa đề là "Sự sụp đổ của Gondolin".
  • 1930: Trước khi đi ngủ, Tolkien bắt đầu kể cho các con nghe những câu chuyện về người hobbit.
  • 1937: The Hobbit, bộ sách đầu tiên của Tolkien về Trung Địa, được xuất bản.
  • 1949: Sau khi nhà xuất bản của Tolkien yêu cầu ông viết phần tiếp theo của The Hobbit, ông bắt đầu sáng tác "Chúa tể của những chiếc nhẫn". Mười hai năm sau, ông mới hoàn thành bộ truyện này.
  • 1954-1955: Cả ba phần của "Chúa tể của những chiếc nhẫn" đều được xuất bản.

Bạn cảm thấy thế nào về sự kiên nhẫn này? Khó tin thay, quãng thời gian từ lúc Tolkien đọc được bản thảo tiếng Anh cũ và được truyền cảm hứng đến lúc bộ truyện "Chúa tể của những chiếc nhẫn" ra đời là gần bốn thập kỷ.

Vấn đề nằm ở chỗ, điều duy nhất trên thế giới có thể khiến một người kiên trì được như vậy chính là niềm đam mê.

Ngày nay, phần lớn mọi người đều tập trung vào việc đạt được kết quả trong thời gian ngắn nhất có thể và do vậy, họ không nhìn nhận được giá trị của sự kiên nhẫn và tầm quan trọng của việc cho mọi thứ có thời gian để phát triển.

Hầu hết thời gian, bạn không thể kiểm soát được chuyện gì sẽ xảy ra. Bạn chỉ cần đủ kiên nhẫn để nó tự xảy ra trong khi bạn vẫn tiếp tục làm việc, để niềm đam mê dẫn dắt và giúp bạn tiến về phía trước.

Nếu như không có được niềm đam mê thực sự cho một điều gì đó, khó có thể mà kiên nhẫn được. Và khi thiếu đi sự kiên nhẫn, cơ hội để bạn thực thi được bất kỳ mục tiêu to lớn nào là rất thấp. Hãy tìm kiếm niềm đam mê của bạn, bám lấy mọi thứ bạn có và đừng bao giờ buông tay.

2. Bạn có thể tạo ra một điều gì đó tuyệt vời (Ngay cả khi bạn bận rộn với những công việc hàng ngày)

Trong suốt thời gian Tolkien viết và phát triển các huyền thoại ở Trung Địa và những câu chuyện bắt nguồn từ đó, ông đã tòng quân phục vụ trong Chiến tranh Thế giới Thứ nhất, hỗ trợ trong Chiến tranh Thế giới Thứ hai, và sau đó làm việc với tư cách là Giáo sư tại Đại học Pembroke.

Viết lách không bao giờ là công việc hàng ngày của ông cho đến khi ông nghỉ hưu và tại thời điểm The Hobbit được xuất bản, Tolkien đã bước sang tuổi 40.

Đối với tôi, học được điều này thật là tuyệt vời. Bởi vì nhiều người trong chúng ta tự thuyết phục bản thân rằng chúng ta cần phải từ bỏ tất cả mọi thứ và "mạo hiểm bước ra" để biến giấc mơ thành hiện thực. Vì điều này, chúng ta đã để cho các trách nhiệm tài chính và gia đình ngăn cản chúng ta.

Nhưng sự thật là nếu bạn đủ thông minh và đủ kỷ luật trong việc sử dụng thời gian, bạn vẫn có thể tạo ra thứ gì đó tuyệt vời với bất kỳ khoảng thời gian nào.

Biện pháp duy nhất chính là sự nhất quán. Liệu bạn có thể trích ra một khoảng thời gian mỗi ngày, không kể nhiều ít, là lúc bạn nỗ lực để hướng đến ước mơ của bạn? Liệu bạn có thể theo dõi tiến trình của bản thân và liên tục điều chỉnh dựa trên thông tin có được?

Nếu bạn có thể làm được điều đó thì theo thời gian, bạn có thể làm được hầu như mọi thứ thậm chí chỉ với 1 giờ mỗi ngày.

3. Biết được điều gì là quan trọng nhất với bạn và tin tưởng vào điều đó vô điều kiện

Với tư cách là một giáo sư và một nhà ngữ văn (người nghiên cứu về ngôn ngữ thông qua các nguồn tài liệu lịch sử bằng hội thoại và bằng văn bản), Tolkien cũng đã có thể dành nhiều thời gian hơn để đóng góp cho lĩnh vực của mình như một học giả.

Tuy nhiên, Tolkien biết được niềm đam mê của ông là gì và điều gì là quan trọng nhất đối với ông. Thế là, ông đã dành thời gian cho những điều đó, ngay cả khi các đồng nghiệp chỉ trích ông vì đã viết truyện thiếu nhi, làm thơ và sáng tạo ra ngôn ngữ riêng.

Nhiều người trong số chúng ta để cho niềm tin, giá trị và nhận thức của người khác ảnh hưởng đến hành động của chúng ta. Tin tưởng vào bản thân là một điều khó khăn khi chúng ta được lập trình cần phải nhòm ngó những người xung quanh để xác định chúng ta nên làm gì.

Khi chúng ta thấy bản thân khác biệt, chúng ta cảm thấy bị tách biệt khỏi nhóm và điều đó khiến chúng ta không thoải mái. Trong lịch sử, sự tách biệt về mặt vật lý với bộ lạc đồng nghĩa là cái chết theo nghĩa đen, vì vậy chúng ta vẫn đang phải cố gắng để rũ bỏ sự lập trình cũ kỹ này.

Tolkien đã tìm được tình yêu trong thế giới thần thoại do ông tự tạo ra và tất cả chúng ta đều tận hưởng, hâm mộ thành quả lao động của ông. Vậy, bạn có thể tạo ra điều gì nếu bạn cũng có được niềm tin như thế vào bản thân và niềm đam mê của bạn?

Tuệ Nhiên (Theo Goalcast)

fili