Bức tranh ngành hàng không sẽ ra sao khi có thêm hãng bay? (Kỳ 1)

Bức tranh ngành hàng không sẽ ra sao khi có thêm hãng bay? (Kỳ 1)

Thêm hãng hàng không mới, trong khi tốc độ tăng trưởng thị trường nội địa chậm lại, cạnh tranh khốc liệt trên các tuyến quốc tế,… đang tạo nên lo ngại về khả năng sinh lợi của các doanh nghiệp hàng không Việt Nam. Vậy, bức tranh của ngành hàng không sẽ như thế nào trong thời gian tới?

Thêm hãng hàng không mới, trong khi tốc độ tăng trưởng của thị trường nội địa chậm lại

Sau khi cất cánh chính thức vào ngày 16/01, đến nay, Bamboo Airways (BA) thuộc Tập đoàn FLC (HOSE: FLC) đã khai thác khoảng 20 đường bay kết nối các tỉnh thành phố lớn của Việt Nam với các điểm du lịch, từ Hà Nội, TPHCM, Buôn Mê Thuột, Đà Lạt, Đà Nẵng, Đồng Hới, Vân Đồn, Nha Trang, Phú Quốc, Quy Nhơn, Thanh Hóa, Vinh, Cần Thơ, Pleiku... Năm 2019, BA đặt mục tiêu phủ sóng hầu hết sân bay nội địa Việt Nam với 37 đường bay, tăng tần suất hoạt động lên 100 chuyến bay/ngày, phục vụ 5 triệu lượt hành khách. Hãng cũng lên kế hoạch khai trương đường bay quốc tế trong quý 2/2019 với các điểm đến đầu tiên dự kiến là Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Anh, Pháp và Australia. Riêng đường bay thẳng Việt - Mỹ sẽ được khai trương cuối năm nay hoặc chậm nhất trong 2020, với sự hỗ trợ từ phía đối tác Boeing.

Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng của thị trường nội địa chậm lại đáng kể sau khoảng “thời gian vàng” từ năm 2013-2017. Theo kỳ vọng của Trung tâm Hàng không châu Á - Thái Bình Dương (CAPA), thị trường trong nước sẽ bước vào giai đoạn bão hòa và có mức tăng trưởng hữu cơ khoảng 10% trong khoảng 3 năm tới trước khi giảm tốc độ tăng trưởng về 1 chữ số trong dài hạn.

Ngoài sự cạnh tranh từ BA, tốc độ tăng trưởng của thị trường nội địa chậm lại, các hãng hàng không Việt còn đối mặt với sự cạnh tranh từ các đối thủ trong khu vực trên các tuyến quốc tế và áp lực giảm hệ số tải từ việc nhận một lượng lớn máy bay mới vào năm 2019.

Làn sóng du lịch từ Bắc Á hỗ trợ tăng trưởng của các hãng hàng không Việt

Nhưng theo báo cáo phân tích của một số công ty chứng khoán, làn sóng du lịch từ Bắc Á, kỳ vọng ổn định về giá dầu và thế “độc quyền” ở thị trường nội địa sẽ hỗ trợ sự tăng trưởng của các hãng hàng không Việt, đặc biệt là hãng giá rẻ, trong năm 2019.

Cụ thể, theo CTCK KIS Việt Nam, du lịch sẽ thúc đẩy tăng trưởng của các hãng hàng không Việt 12-15% (so cùng kỳ) về lượt hành khách trong năm 2019. Với sự chững lại tại thị trường nội địa, các hãng hàng không Việt đã chuyển hướng sang các tuyến quốc tế từ cuối năm 2017. Năm 2018, việc mở rộng các tuyến quốc tế đã đóng góp một lượng hành khách quốc tế đáng kể, chiếm hơn 50% tổng số hành khách hàng không của Việt Nam. Sự gia tăng mạnh mẽ của hành khách quốc tế đặc biệt từ các thị trường Bắc Á như Trung Quốc, Đài Loan và Hàn Quốc.

Việc mở rộng thị trường quốc tế cũng có thể là biện pháp duy nhất để các hãng hàng không triển khai hết lượng máy bay tăng thêm. Giá vé khó có thể tăng do sự cạnh tranh khốc liệt trong khu vực nhưng doanh thu phụ trợ có biên lợi nhuận cao (80-90%) có thể là cách phù hợp để nâng cao mức doanh thu hành khách (passenger yield), đặc biệt với hãng hàng không giá rẻ (LCC) - VJC, trong quá trình mở rộng ra quốc tế.

Ngoài ra, CTCK KIS Việt Nam cũng dự báo, giá nhiên liệu trung bình kỳ vọng ở mức thấp hơn là một tín hiệu tích cực cho về biên lợi nhuận của các hãng hàng không cũng như mức định giá. Sau đợt tăng giá trong 9 tháng đầu năm 2018 làm ảnh hưởng đáng kể đến biên lợi nhuận, giá nhiên liệu có xu hướng giảm mạnh. Theo EIA, giá dầu Brent trung bình được dự báo sẽ vào khoảng 61 USD/thùng vào năm 2019 (-17% so năm trước).

Đón đọc kỳ 2: Bầu trời rộng mở!

Gia Nghi

FILI