Chủ tịch PNC: "Lợi nhuận trong năm 2019 sẽ đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi"

Chủ tịch PNC: "Lợi nhuận trong năm 2019 sẽ đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi"

“Những năm về trước, PNC định hướng phát triển đa ngành nghề và làm rất nhiều mảng. Theo định hướng hiện nay, chúng tôi sẽ tập trung vào 2 mảng cốt lõi là bán lẻ và xuất bản sách. Năm 2018, các mảng này lỗ 9 tỷ đồng nhưng là dấu hiệu tích cực so với việc từng lỗ rất nhiều trong các năm trước. Lợi nhuận năm 2019 của PNC sẽ xuất phát từ chính các hoạt động kinh doanh cốt lõi.”

Đó là chia sẻ của ông Đặng Bá Tùng – Chủ tịch HĐQT CTCP Văn hóa Phương Nam (HOSE: PNC) tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2019.

Đại hội thường niên PNC tổ chức sáng ngày 27/04/2019.

Theo nhận định của đại diện Công ty, PNC có thế mạnh là vừa xuất bản sách và cũng vừa bán sách. Do đó mà Công ty tin rằng sẽ hiểu về sách hơn các đối thủ. Trong năm 2019, Công ty sẽ liên kết rõ nét hơn nữa đối với 2 mảng cốt lõi của doanh nghiệp.

Cho năm 2019, PNC đặt kế hoạch doanh thu thuần 730 tỷ đồng và lãi ròng 12 tỷ đồng. Lãi ròng dự kiến của Công ty thấp hơn nhiều so với năm trước; điều này là do PNC có nguồn thu lớn từ việc thoái toàn bộ khoản đầu tư vào Công ty TNHH CJ CGV Việt Nam trong năm 2018.

Tình hình "sáng sủa" hơn nhờ nguồn thu từ việc thoái vốn CGV

Trong năm 2018, PNC không thực hiện được việc tăng vốn nhưng đã chuyển nhượng thành công phần vốn góp vào CGV. Nhờ nguồn thu này, tình hình tài chính của PNC có nhiều chuyển biến tích cực và Công ty cũng đã chia cổ tức đến cổ đông với tỷ lệ 20%. Trước mắt, PNC cho biết sẽ không gọi thêm vốn từ cổ đông.

Trong năm qua, Công ty đã thực hiện rà soát và cải thiện trên toàn hệ thống để hoạt động kinh doanh được triển khai hiệu quả hơn. Doanh số bán lẻ của PNC tăng trong năm 2018 và mặt tích cực là hàng tồn kho của Công ty vẫn được kiểm soát tiết giảm. Cũng trong năm vừa qua, Công ty đã đóng các cửa hàng kinh doanh không tốt và cố gắng tối ưu hóa hiệu quả hoạt động của các cửa hàng còn lại. Tại Đại hội, đại diện PNC cũng tiết lộ Công ty dự kiến sẽ mở thêm 5 nhà sách mới trong nửa đầu năm 2019, dựa trên nguồn vốn tự có của doanh nghiệp.

PNC dự kiến mở mới 5 nhà sách trong nửa đầu năm 2019.

Đối với các khoản đầu tư vào các công ty con không hiệu quả hoặc đã ngưng hoạt động, PNC cho biết đã dự phòng xong toàn bộ số vốn góp từ những năm trước (CTCP Truyền thông Bách Việt Phương Nam, CTCP Mega Phương Nam, CTCP Nhãn hiệu Phương Nam). PNC dự kiến sẽ thực hiện thoái vốn với những khoản đầu tư kể trên hoặc sẽ đề nghị các công ty nêu trên tiến hành thủ tục giải thể để thu hồi tối đa giá trị có thể nhận lại.

Trong quá trình hoạt động, PNC đã cho các công ty con do PNC sở hữu 100% vốn điều lệ gồm Công ty TNHH Bán lẻ Phương Nam (PNR) và Công ty TNHH MTV Sách Phương Nam (PNB) vay để phục vụ sản xuất, kinh doanh. Tại Đại hội, HĐQT PNC đề xuất sẽ chuyển đổi dư nợ vay kể trên (tính đến ngày 31/12/2018) thành vốn góp. Đại diện PNC khẳng định: “Việc chuyển dư nợ khoản vay hiện hữu thành vốn góp chủ sở hữu không làm thay đổi quyền lợi của PNC tại các công ty con và không làm phát sinh dòng tiền đi ra khỏi PNC.”

Đáng chú ý, trong phương án phân phối lợi nhuận năm 2019, PNC cũng dự kiến chi trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông với tỷ lệ 10%.

Công tác quản trị chi phí tại PNC được cải thiện

Về vấn đề quản trị chi phí, vốn là thế yếu và cũng là một trong những nguyên nhân chính yếu dẫn đến việc thua lỗ của PNC trong những năm trước đây, ông Tùng cho biết trong năm 2018 mọi tập trung của Công ty dồn vào việc cải thiện khía cạnh này.

Cụ thể, PNC có 3 loại chi phí chính gồm: Chi phí hàng tồn kho; chi phí vận hành và quỹ lương; chi phí mặt bằng.

Theo ông Tùng, tỷ lệ chi phí trong nửa cuối năm 2018 đã giảm đáng kể so với 6 tháng đầu năm. Về hàng tồn kho, dù doanh số tăng nhưng số dư hàng tồn kho vẫn được tiết giảm. Đối với các chi phí lương bổng và vận hành khác, PNC đã xây dựng được chế độ chính sách, ngân sách hợp lý cho năm 2019. Một khó khăn nữa về chi phí mặt bằng thì vị đại diện PNC nhận định rằng khó mà chủ động được. “Khi đến hạn thì chủ bất động sản tăng giá, chúng tôi sẽ cố gắng để thương thảo mức giá tốt nhất và cùng với đó cũng sẽ kiểm soát những chi phí khác để bù vào phần chi phí mặt bằng tăng lên này.” – ông Tùng cho biết.

Trong khuôn khổ Đại hội, phía PNC chia sẻ thông tin rằng một loạt các mặt bằng mà Công ty thuê dự kiến đến hạn tăng giá trong năm 2019. Ban điều hành PNC khẳng định sẽ cố gắng kiểm soát những chi phí này để Công ty có thể hoạt động trơn tru và tiết kiệm.

Áp lực cạnh tranh lớn từ thương mại điện tử

Tại cuộc họp, đại diện PNC cũng không quên đề cập đến những khó khăn mà Công ty gặp phải, đặc biệt là vấn đề người tiêu dùng đang dần dần thay đổi hành vi mua hàng.

“Có những tập đoàn bán lẻ trực tuyến lớn vào Việt Nam. Hàng năm họ có thể chấp nhận lỗ hàng trăm tỷ. Nhiều công ty bán lẻ trực tuyến ở Việt Nam cũng như vậy. Họ chấp nhận giá bán thấp để cạnh tranh và gây ảnh hưởng đến việc kinh doanh của Công ty. Bên cạnh đó, những công ty thương mại điện tử này khiến hành vi của người tiêu dùng thay đổi, do đó PNC gặp nhiều khó khăn.” – Chủ tịch PNC – ông Đặng Bá Tùng chia sẻ.

Đại hội kết thúc với tất cả tờ trình đều được thông qua.

ĐHĐCĐ đồng thuận với tất cả các tờ trình tại Đại hội PNC.

Vĩnh Thịnh

FILI