ĐHĐCĐ VIX: Tăng vốn lên 1,741 tỷ đồng để đủ lực cạnh tranh

ĐHĐCĐ VIX: Tăng vốn lên 1,741 tỷ đồng để đủ lực cạnh tranh

ĐHĐCĐ thường niên 2019 của  CTCP Chứng khoán IB (IBSC, HOSE: VIX) đã thông qua nhiều nội dung liên quan tới hoạt động kinh doanh của Công ty.

Lãi trước thuế quý 1 đạt gần 63 tỷ đồng

Kế hoạch năm 2019, VIX đặt chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế và sau thuế lần lượt là 273.7 tỷ đồng và 219 tỷ đồng. So với thực hiện năm trước, mục tiêu tăng trưởng của Công ty là 2% lợi nhuận trước thuế và 1.1% lợi nhuận sau thuế. Về chỉ tiêu EPS bình quân, Công ty lên kế hoạch giảm tới hơn 23% về 2,052 đồng/cp.

Tại đại hội, Ban lãnh đạo của Công ty tiết lô quý 1/2019, lợi nhuận trước thuế đạt gần 63 tỷ đồng. Nếu tính bình quân kết quả kinh doanh năm 2019 thì mỗi quý lợi nhuận trước thuế của Công ty phải vào mức 68 tỷ đồng. Do quý 1/2019 có nhiều ngày nghỉ lễ, Tết nên với kết quả không đạt mức kể trên.

Năm 2018, VIX thu về 466.8 tỷ đồng doanh thu, 216.5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt vượt 3% và 125% so với kế hoạch đề ra. Năm 2018, VIX ghi nhận lãi cơ bản đạt 2,675 đồng/cổ phiếu, tăng 146% so với kế hoạch.

Nỗ lực tăng vốn để đủ lực chạy đua

Trong năm 2018, trên cơ sở các nội dung đã được ĐHĐCĐ thường niên thông qua, vào tháng 6/2018, IBSC đã thực hiện thành công phương án tăng vốn điều lệ thông qua hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức 10% cho cổ đông, qua đó nâng vốn điều lệ lên hơn 809,6 tỷ đồng.

ĐHĐCĐ của VIX đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ năm 2019. Theo đó, Công ty sẽ tăng vốn thành 2 đợt.

Đợt 1, VIX sẽ phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2018 cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 15%, dự kiến thực hiện trong quý 2/2019. Vốn điều lệ sau đợt tăng này dự kiến là trên 1,161 tỷ đồng.

Đợt 2, Công ty sẽ chào bán cổ phiếu cho các cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 2:1, với giá chào bán 10,000 đồng/cổ phiếu. Đợt tăng vốn này dự kiến thực hiện trong quý 3-4/2019, sau khi hoàn tất việc trả cổ tức bằng cổ phiếu. Thực hiện thành công đợt tăng vốn này, Công ty dự kiến tăng vốn lên hơn 1,741.6 tỷ đồng.

Về vấn đề tăng vốn năm 2019, ban lãnh đạo của VIX cho biết đây là nhu cầu thực tế và là mong muốn thực hiện từ nhiều năm nay của Công ty. Tuy nhiên các năm 2015 – 2017, do thị tường có nhiều khó khăn, việc đàm phán với đối tác chiến lược chưa đạt yêu cầu và mục tiêu đề ra nên chưa thể tăng vốn. Tới năm 2018, công ty lên kế hoạch tăng vốn 400 tỷ đồng nhưng chỉ mới thực hiện được 50%. Trong bối cảnh hiện nay, HĐQT và Ban Giám đốc của VIX nhận thấy việc cạnh tranh giữa các công ty chứng khoán (CTCK) đang diễn ra gay gắt, nhất là các công ty được mua lại bởi các đối tác nước ngoài Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản… có tiềm lực tài chính dồi dào đang là áp lực rất lớn đối với các CTCK có quy mô vốn nhỏ và vừa.

Mặt khác, để triển khai các sản phẩm mới như chứng khoán phái sinh, triển khai chứng quyền có đảm bảo, tăng vốn cho vay giao dịch ký quỹ để tăng thị phần đều phải có nguồn vốn lớn và ổn định mới đáp ứng được quy định về cấp phép và nguồn lực để giai tăng thị phần môi giới.

Ngoài ra, Công ty dự kiến sẽ đầu tư vào các công ty hàng đầu sẽ IPO và thoái vốn Nhà nước giai đoạn 2019 - 2020. Theo Ban lãnh đạo của VIX, việc tăng năng lực tài chính bằng nguồn vốn tự có trong năm 2019 và các năm tiếp theo là yếu tố quyết định đến sự sống còn của các CTCK nói chung và VIX nói riêng.

Cũng vì lý do này, năm 2018, VIX không lên kế hoạch chi trả cổ tức bằng tiền mặt như các năm 2016 – 2017 mà thực hiện chi trả bằng cổ phiếu.

ĐHĐCĐ cũng đã thông qua các tờ trình liên quan đến việc thực hiện kinh doanh chứng khoán phái sinh và tiếp tục triển khai sản phẩm chứng quyền có đảm bảo của Công ty.

Chí Kiên

FILI