HPG: Lãi sau thuế quý 1/2019 giảm 19% so với cùng kỳ, huy động thêm gần 5,900 tỷ nợ vay

HPG: Lãi sau thuế quý 1/2019 giảm 19% so với cùng kỳ, huy động thêm gần 5,900 tỷ nợ vay

CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HOSE: HPG) đạt 15,180 tỷ đồng doanh thu và 1,810 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý 1/2019. Trong quý này, tình hình nguồn vốn và tài sản của Tập đoàn cũng có nhiều chuyển biến đáng kể.

Kết thúc quý kinh doanh đầu tiên, mặc dù doanh thu tăng trưởng hơn 15% nhưng lãi sau thuế của Tập đoàn lại giảm gần 19% so với cùng kỳ năm trước. Với những kết quả này, HPG đã thực hiện được lần lượt 22% và 27% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận cả năm 2019.

Nợ vay dài hạn tăng gần gấp rưỡi trong quý 1/2019

Về tình hình nguồn vốn của doanh nghiệp, nợ vay dài hạn của HPG tiếp tục tăng mạnh gần 46% so với đầu năm(tương đương tăng hơn 5,867 tỷ đồng), lên mức xấp xỉ 18,678 tỷ đồng vào thời điểm 31/03/2019. Theo BCTC hợp nhất của doanh nghiệp, lượng vốn huy động thêm từ vay nợ phần lớn vẫn đang được HPG giữ ở dạng tài sản có tính thanh khoản cao. Vào thời điểm 31/03/2019, tiền và tương đương tiền của Tập đoàn ghi nhận gần 6,111 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 142% so với đầu năm.

Bên cạnh đó, dù con số tuyệt đối không phải là quá lớn so với quy mô của HPG, một số khoản mục tài sản của ông lớn ngành thép này cũng có nhiều chuyển biến đáng lưu ý, như: Các khoản trả trước cho người bán ngắn hạn tăng gấp đôi; các khoản phải thu ngắn hạn khác tăng gần 6 lần.

Hàng tồn kho của HPG cũng giảm hơn 10% so với đầu năm, ghi nhận con số hơn 12,658 tỷ đồng vào thời điểm kết thúc quý 1/2019.

Trong quý đầu tiên của năm, nguyên giá tài sản cố định của HPG cũng tăng thêm hơn 1,900 tỷ đồng và chi phí xây dựng cơ bản tăng gần 3,400 tỷ đồng (chủ yếu liên quan đến Dự án khu liên hợp Gang thép Dung Quất).

Nguồn: HPG

Thị phần thép xây dựng và ống thép được củng cố

Về tình hình kinh doanh, HPG cho biết sản phẩm chủ lực của Tập đoàn đang tăng trưởng mạnh về sản lượng tiêu thụ ở khu vực phía Nam. Trong quý đầu tiên năm 2019, HPG đã đưa ra thị trường gần 700,000 tấn thép xây dựng, tăng gần 29% so với quý 1/2018. Với sản lượng ngày càng tăng, sản phẩm thép xây dựng của HPG củng cố vị thế trên thị trường với gần 26% thị phần. Sản lượng tiêu thụ khu vực phía Nam đã tăng gấp 2.2 lần so với quý 1/2018, trong khi khu vực miền Trung cũng tăng trưởng đến 87%. Với thị trường xuất khẩu, tổng cộng đã có trên 77,000 tấn thép được đưa ra thị trường quốc tế, trong đó 59% sản lượng được xuất khẩu sang Campuchia.

Trong quý 1/2019, sản phẩm ống thép của HPG đạt sản lượng 172,000 tấn, tăng hơn 16% so với cùng kỳ năm trước. Thị phần ống thép Hòa Phát hiện đạt gần 31%, tăng 2.5% so với cuối năm 2018. Sản lượng tiêu thụ của các nhà máy ống thép ở cả 3 miền đều ghi nhận mức tăng đáng kể so với năm trước.

Thị phần ống thép Hòa Phát hiện lên đến 31%.

Các lĩnh vực kinh doanh khác như tôn mạ màu, thép rút dây, nội thất, điện lạnh, bất động sản và nông nghiệp đang được HPG đẩy mạnh phát triển sản phẩm mới, phục vụ tối đa nhu cầu thị trường. Từ giữa tháng 3/2019, Tập đoàn chính thức cho ra thị trường sản phẩm thép dự ứng lực (PC Bar), được sản xuất tại Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát Dung Quất. Sản lượng thép rút dây, mạ dây tăng tới 71% so với cùng kỳ, trong đó gần một nửa được xuất khẩu sang Mỹ, Canada, Hàn Quốc

Liên quan đến xuất khẩu sản phẩm thép, Canada gần đây đã ra quyết định cuối cùng về việc điều tra áp thuế tự vệ. Theo đó, nhiều loại thép của Việt Nam, trong đó có thép xây dựng và một số chủng loại ống thép của HPG xuất khẩu vào thị trường Canada sẽ không phải chịu thuế tự vệ.

Vĩnh Thịnh

FILI