Khối ngoại đổ xô rót vốn vào chứng khoán Ấn Độ

Khối ngoại đổ xô rót vốn vào chứng khoán Ấn Độ

Đây là ngày ra quyết định của Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI) và kỳ vọng thực hiện đợt hạ lãi suất thứ hai trong năm nay đã giúp thị trường cổ phiếu trị giá 2.2 ngàn tỷ USD của nước này lên mức cao nhất mọi thời đại.

Xem xét kỹ càng đà tăng khủng này, nhà đầu tư sẽ thấy sự khác biệt quan điểm rõ ràng giữa khối nội và khối ngoại. Các quỹ tương hỗ và công ty bảo hiểm trong nước đang bán cổ phiếu ngay cả khi thị trường nội địa đang là điểm đến hàng đầu của dòng vốn ngoại ở châu Á trong năm nay.

Hãy xem xét tới chuyện: Các nhà đầu tư tổ chức trong nước rút tổng cộng 139.3 tỷ Rupee (tương đương 2 tỷ USD) từ thị trường cổ phiếu trong tháng 3/2019, mức rút vốn mạnh nhất trong 3 năm, ngay cả khi khối ngoại rót 426.7 tỷ Rupee, dữ liệu từ Bloomberg cho thấy. Thị trường cổ phiếu Ấn Độ vừa ghi nhận quý tăng mạnh nhất kể từ tháng 6/2018 (sau năm 2018 đầy u ám) và thị trường tăng quá mạnh đến nỗi các chuyên gia quản lý quỹ khó mà khước từ, nhất là khi quốc gia này sắp bước vào cuộc tổng tuyển cử vào tuần tới, các chuyên viên phân tích cho hay.

“Dòng vốn vào trong nước và nước ngoài đã tương quan nghịch trong quá khứ và lần này chúng ta lại có áp lực rút vốn trước các cuộc bỏ phiếu”, Vidya Bala, Trưởng bộ phận nghiên cứu quỹ tương hỗ tại Wealth India Financial Services Pvt, nhận định.

Trong tháng 3/2014, hai tháng trước khi ông Narendra Modi nhậm chức Thủ tướng, các nhà đầu tư nội địa đã rút 131.3 tỷ Rupee ra khỏi thị trường cổ phiếu. Nhưng khối ngoại lại chi ra gấp đôi để mua cổ phiếu, dữ liệu cho thấy. Có thể còn do tính mùa vụ vào cuối năm tài khóa, trong 7 năm vừa qua thì có tới 5 năm các quỹ là tổ chức bán ròng trong tháng 3, dữ liệu từ Bloomberg cho thấy.

Dòng vốn mạnh từ các quỹ tương hỗ và công ty bảo hiểm đã giúp thị trường đối phó với tình trạng rút vốn vì các cú sốc trên toàn cầu trong vài năm gần đây. Các chuyên gia quản lý quỹ đã chi ra 16 tỷ USD để mua cổ phiếu trong năm 2018, vượt xa mức thoái vốn của nhà đầu tư nước ngoài là 4.6 tỷ USD – cũng là mức rút vốn mạnh nhất trong 1 thập kỷ. Chốt chặn này đã suy yếu khi phần vốn đầu tư vào cổ phiếu đã suy giảm 4 tháng liên tiếp.

“Trong quá khứ, tâm lý nhà đầu tư nhỏ lẻ là khá ảm đạm trước các cuộc bỏ phiếu, nhưng sau đó lại lạc quan hơn hẳn”, Bala cho hay. “Phản ứng của các tổ chức nội địa liên quan nhiều hơn với những gì họ nhận được chứ không phải lập trường của họ về thị trường”.

Sẽ không lâu trước khi các nhà đầu tư trong và ngoài nước bắt đầu đồng điệu về quan điểm, khi xét tới dấu hiệu phục hồi của lợi nhuận doanh nghiệp và sự cải thiện của tâm lý yêu thích rủi ro sau khi các ngân hàng trung ương thế giới (có cả Ấn Độ) chuyển sang hướng “bồ cầu” hơn. RBI đã quyết định hạ lãi suất bớt 25 điểm cơ bản, trùng khớp với dự báo của các chuyên gia kinh tế. Đây là chuỗi hạ lãi suất hai lần liên tiếp kể từ khi Ủy ban Chính sách Tiền tệ (MPC) được thành lập kể từ cuối năm 2016.

Ủy ban Chính sách tiền tệ (MPC) – bao gồm 6 người – đã hạ lãi suất repo xuống 6%, đúng với dự báo của 57 chuyên gia phân tích tham gia cuộc thăm dò của Reuters tuần trước. Lãi suất repo ngược (reverse repo) được giảm xuống 5.75%.

Trong 6 thành viên của MPC, có tới 4 người bỏ phiếu hạ lãi suất bớt 25 điểm cơ bản, trong khi hai người còn lại ủng hộ giữ nguyên lãi suất. Trong nội bộ MPC, có tới 5 người kêu gọi giữ nguyên lập trường chính sách ở mức “trung lập”, trong khi chỉ có một thành viên ủng hộ chuyển sang hướng “hỗ trợ”.

“Tăng trưởng lợi nhuận sẽ diễn ra trong năm tài khóa này và điều này sẽ thúc đẩy thị trường cho dù cho đảng nào cầm quyền”, Jyoti Vaswani, Giám đốc đầu tư tại Future Generali India Life Insurance Co., cho biết trong một cuộc phỏng vấn. “Các quỹ tương hỗ vẫn nhận vốn. Việc nhà đầu tư nội địa trở lại mạnh mẽ chỉ còn là vấn đề về thời gian”.

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FiLi